Ban Kinh tế Trung ương cần hoạt động quyết liệt hơn

22:26' - 11/02/2017
BNEWS Sáng 11/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với Ban Kinh tế Trung ương.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh:Trí Dũng – TTXVN

Sáng 11/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Cùng tham dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến đóng góp của đại diện các ban, bộ, ngành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh những kết quả đạt được trên các lĩnh vực công tác của Ban Kinh tế Trung ương sau hơn 4 năm tái lập, đặc biệt là năm 2016 vừa qua. Hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng toàn diện, nhuần nhuyễn, chất lượng cao hơn và có thêm kinh nghiệm.
Năm 2016, Ban đã tổ chức 59 đợt công tác, làm việc với các bộ, ngành, địa phương; 42 hội nghị, hội thảo, tọa đàm; tiếp, làm việc với 41 đoàn khách quốc tế; ký kết quy chế phối hợp công tác với 36 cơ quan, đơn vị; lãnh đạo Ban tham gia 21 Ban Chỉ đạo, Hội đồng Trung ương… Công tác thẩm định có nhiều tiến bộ, tỏ rõ chính kiến, quan điểm, có tính phản biện cao hơn, thẳng thắn hơn, là cơ sở để Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, xem xét quyết định những chủ trương lớn về kinh tế - xã hội. Những hoạt động này mang lại kết quả ngày càng tích cực, khẳng định việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương là cần thiết, đúng đắn.
Về phương hướng nhiệm vụ sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò, chức năng nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Với những kết quả và kinh nghiệm đã có thời gian vừa qua, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Kinh tế Trung ương cần hoạt động toàn diện hơn, chất lượng cao hơn, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt hơn, không chỉ chờ giao việc mới làm, mà phải chủ động đề xuất.
Tổng Bí thư đề nghị Ban Kinh tế Trung ương làm tốt hơn nữa công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những mặt tốt để khuyến khích biểu dương, những điển hình tiên tiến, mô hình tốt để nhân rộng; đồng thời phê phán, xử lý những tiêu cực, tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Qua giám sát, đã phát hiện được gì? đề xuất xử lý ra sao? Nhất là đối với tình trạng doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, các hiện tượng tiêu cực trong làm ăn kinh tế... Thông qua các vụ việc cụ thể, cần phát hiện, đề xuất những vấn đề mang tầm chiến lược; đồng thời thể hiện quan điểm, ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương về những vấn đề lớn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục