Báo cáo bền vững - công cụ đánh giá năng lực quản trị doanh nghiệp

12:20' - 15/07/2020
BNEWS từ năm 2000 tới nay đã có gần 65.000 báo cáo bền vững được thực hiện. Đã có trên 30 quốc gia quy định thực hiện báo cáo bền vững vào khung pháp lý mang tính chất bắt buộc.

Sáng 15/7 tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chương trình đối thoại cùng báo chí với chủ đề: Phát triển bền vững doanh nghiệp - Bài học kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19.

 

Khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam nhận định, sẽ không có nền kinh tế tăng trưởng bền vững nếu thiếu đi một cộng đồng doanh nghiệp bền vững. Xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững là định hướng mà VCCI đã đặt ra từ nhiều năm qua.

VCCI đã cụ thể hóa định hướng đó thông qua nhiều chương trình hành động, hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; trong đó có việc giới thiệu Bộ Chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI).

Đây là bộ chỉ số duy nhất sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, CSI được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là công cụ quản trị doanh nghiệp hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp khi lập chiến lược sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng Bộ chỉ số CSI để xây dựng báo cáo bền vững - công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư hiệu quả hơn, ông Vinh nhấn mạnh.

Theo khảo sát năm 2019 của Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu (UNGC), các doanh nghiệp ngày càng cam kết mạnh mẽ hơn với việc công bố minh bạch thông tin về các hoạt động phát triển bền vững.

Theo đó, từ năm 2000 tới nay đã có gần 65.000 báo cáo bền vững được thực hiện. Hiện nay, đã có trên 30 quốc gia đưa ra quy định thực hiện báo cáo bền vững vào khung pháp lý mang tính chất bắt buộc đối với doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, báo cáo bền vững đang dần trở thành một thông lệ quốc tế và rất có ý nghĩa đối với mỗi doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Vì lẽ đó, việc áp dụng Bộ chỉ số CSI và xây dựng báo cáo bền vững chính là cách giúp tạo lập và củng cổ lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Đại diện Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, bà Bùi Thị Thu Trang, Trưởng phòng Dịch vụ Đảm bảo và Tư vấn rủi ro cho hay, khái niệm về quản trị doanh nghiệp được nhắc tới nhiều song mọi người chỉ hiểu ý nghĩa cơ bản là làm sao phải đảm bảo sự tăng trưởng và doanh thu cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, quản trị doanh nghiệp muốn đạt được tính hiệu quả cao cần phải đảm bảo đủ 3 yếu tố là quản trị nguồn vốn, quản lý khủng hoảng và quản trị rủi ro cho doanh nghiệp. 2 trong 3 yêu cầu ấy là quản trị khủng hoảng và quản trị rủi ro lại chưa được các doanh nghiệp trong nước dành nhiều thời gian, sự đầu tư về tài chính và mối quan tâm đúng mức.

Chỉ khi xảy ra các tình huống như khủng hoảng truyền thông, rủi ro về chất lượng, về thị trường hay bị cạnh tranh không lành mạnh.... doanh nghiệp mới tìm đến những giải pháp xử lý một cách rất thụ động và thường khó đạt hiệu quả như mong muốn.

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là sau giai đoạn dịch COVID-19, các doanh nghiệp cần chủ động số hóa hoạt động, bằng cách tận dụng các tính năng công nghệ của các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính…

Việc số hóa hoạt động của doanh nghiệp không chỉ giúp ích cho việc quản trị doanh nghiệp được tốt hơn, hiệu quả hơn mà còn góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chống những cú sốc từ khách quan như thực tiễn xảy ra với nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn dịch COVID-19.

Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng nhóm Hợp tác, Ban thư ký VBCSD nhấn mạnh, thực tế đã cho thấy sự tương quan giữa việc thực hiện các chỉ số quản trị bền vững và minh bạch thông tin, chỉ số trách nhiệm xã hội và môi trường với kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể là những doanh nghiệp có thực hiện các chỉ số phát triển bền vững luôn đạt được kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn, năng suất lao động cũng cao hơn.

Bên cạnh đó, Bộ chỉ số CSI còn góp phần quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp hoạt định chiến lược phát triển hiệu quả và bền vững, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển cộng đòng.

Quan trọng hơn, thông qua việc sử dụng Bộ chỉ số CSI, vị thế và hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng và cộng động được nâng lên thông qua các chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam do VCCI-VBCSD tổ chức.

Do đó, phần lớn các doanh nghiệp đã tham gia chương trình đều bày tỏ mong muốn được tiếp tục đồng hành và gắn bó với chương trình trong những năm tiếp theo.

Không chỉ như vậy, các doanh nghiệp hiện chưa tham gia cũng mong muốn có thêm thông tin về Bộ chỉ số này.

Trước những tác động của việc sử dụng Bộ chỉ số CSi tới hoạt động quản trị doanh nghiệp, đại diện VBCSD cho rằng, Chính phủ cần thể chế hóa hoạt động lập báo cáo bền vững như một công cụ bắt buộc để công bố và quản lý thông tin doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng cơ chế để tích hợp, lồng ghép các yêu cầu, báo cáo của các bộ, ngành khác nhau vào báo cáo bền vững để giảm chi phí và nguồn lực cho doanh nghiệp; đồng thời, xây dựng hệ thống và chương trình giám sát việc thực hiện báo cáo bền vững của các doanh nghiệp một cách đồng bộ và liên tục.

Song song với những yêu cầu đó, thì chính các doanh nghiệp cũng cần tự nhận thức vai trò của quá trình phát triển bền vững và thực hiện báo cáo bền vững; chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến việc lập báo cáo bền vững; cũng như tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc tế để cải thiện khả năng áp dụng và triển khai Bộ chỉ số CSI./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục