Báo động đỏ về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

16:33' - 22/10/2021
BNEWS Mặc dù lực lượng chức năng cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra rất nhiều và phổ biến đến mức báo động đỏ.

Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra rất nhiều và phổ biến đến mức báo động đỏ.

Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại buổi toạ đàm "Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính" do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 22/10 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: quản lý thị trường là lực lượng nòng cốt của Chính phủ trong việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính. Trong suốt quá trình hoạt động, quản lý thị trường có ba nhiệm vụ chính gồm chống buôn lậu; chống gian lận thương mại và chống hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các nhiệm vụ, không chỉ quản lý thị trường mà các lực lượng khác cũng gặp không ít khó khăn bởi mặt trận chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất là rộng, biểu hiện ở nhiều góc độ, khía cạnh, ở nhiều chủng loại mặt hàng và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, giả về nhãn hiệu, thương hiệu; giả về chất lượng, đo lường… diễn ra phổ biến ở mặt hàng xăng dầu, phân bón. Vì thế, để giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, của doanh nghiệp làm ăn chân chính, giai đoạn từ nay đến 2030, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ là nhiệm vụ chính, trọng tâm của toàn lực lượng. Thế nhưng, để làm được điều này, việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường là điều kiện tiên quyết.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Tạ Văn Lợi - Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, khi Việt Nam gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do, nhất là những Hiệp định tự do thế hệ mới, cam kết về quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của các nước phát triển là việc xác định sở hữu trí tuệ của các sáng chế, phát minh. Chỉ những quốc gia nào bảo vệ được quyền sở hữu thì nền kinh tế mới phát triển ổn định, vững mạnh.

Ông Tạ Văn Lợi bày tỏ, mặc dù Việt Nam là nền kinh tế đã mở cửa 200%, vậy làm thế nào để thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia nhưng không cản trở sự phát triển của nền kinh tế mà vẫn phát huy được tài sản sở hữu trí tuệ là một bài toán khó cho cả Chính phủ và các cơ quan chức năng thực thi. 

Tại buổi toạ đàm, bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra số liệu thống kê từ Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho thấy, năm 2020 các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã xử phạt 1.300 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng. 

Cùng với đó, các hành vi vi phạm diễn ra phổ biến như: buôn bán hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, nhiều vụ việc diễn ra theo hình thức xuyên biên giới. Những vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, nhái nhãn hiệu; vi phạm liên quan đến tên miền, quốc gia; vi phạm về tên thương mại, tên doanh nghiệp; xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và lần đầu tiên có vụ xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh… 

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất nhiều ở các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch như khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế… 

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông quan nền tảng số sẽ trở thành hình thức phổ biến trong giai đoạn tới. Không chỉ vậy, các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ chuyển biến nhanh so với trước đây, với những thủ đoạn, tinh vi, khó lường và rất phức tạp. 

Bà Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, hiện nay 95% các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý bằng biện pháp vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm biện pháp xử phạt bằng hành chính, chuyển sang biện pháp tư pháp để phù hợp với xu thế toàn cầu. 

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2018 đến hết tháng 6/2021, lực lượng đã kiểm tra hơn 3.600 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp; số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 37 tỷ đồng. Trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 2 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 100 triệu đồng về hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. 

Ông Nguyễn Tiến Đạt cho hay, thời gian qua, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh diễn ra rất nhiều, với những thủ đoạn tinh vi. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu… Nguyên nhân dẫn đến những hành vi vi phạm gia tăng đó là sự phối hợp giữ các cơ quan chức năng, đơn vị thi hành công vụ chưa nhuần nhuyễn; trình độ chuyên môn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn mang tính thời vụ, cắt khúc… 

Do vậy, ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất, rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chống hàng giả, phối hợp với các tổ chức, thương hiệu toàn cầu trong hợp tác chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; cấp bách nâng cao việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức…

Tương tự, tại Hà Nội, ông Trịnh Quang Đức - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ: Hiện nay, các hành vi sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn Hà Nội có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. 

Các mặt hàng giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức. Trong khi nhận thức của người tiêu dùng chưa thật sự đầy đủ, nên việc phân biệt hàng thật - giả đang trở nên khó khăn đối với người tiêu dùng.

Mặt khác, năng lực của cơ quan chức năng chưa đủ mạnh ngang tầm nhiệm vụ được giao trong đấu tranh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên tinh vi, có tổ chức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và đa dạng, phong phú về hình thức, chủng loại nên rất khó phát hiện, xử lý đối với các cơ quan thực thi.

Do vậy, ông Trịnh Quang Đức đề xuất, Tổng cục Quản lý thị trường nhanh chóng hoàn thiện phần mềm về quản lý xử lý vi phạm hành chính để áp dụng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, đảm bảo tính thống nhất, thuận lợi cho việc cập nhật, tra cứu của các đối tượng vi phạm, chủ thể quyền, tổ chức, cá nhân, hiệp hội đại diện, các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, các mẫu vật hàng thật, hàng giả đảm bảo tính đại diện hàng hóa vi phạm, phù hợp với tình hình thực tế của hàng hóa cho từng giai đoạn phát triển thị trường.

Đặc biệt, Tổng cục cần tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, tổ chức đúc rút kinh nghiệm các vụ việc kiểm tra, xử lý có những hành vi vi phạm mới hoặc có sự tranh chấp, ý kiến, quan điểm khác nhau của các cơ quan quản lý chuyên ngành để đảm bảo sự thống nhất trong xử lý, tránh khiếu kiện, khiếu nại và phổ biến, nhân rộng trong toàn lực lượng.

Ông Kiều Dương - Vụ trưởng Vụ chính sách – Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường) cho rằng, trong thời gian tới, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ còn gia tăng, do vậy công chức thực thi nhiệm vụ này phải nâng cao năng lực, kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này để có thể sẵn sàng xử lý kịp thời những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ vào quá trình kiểm tra, kiểm soát, nhận diện các hành vi vi phạm để xử lý triệt để, tận gốc các vấn đề./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục