Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Bài 1 - Linh hoạt điều chỉnh

13:32' - 26/06/2022
BNEWS Mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN được điều chỉnh linh hoạt qua các thời kỳ, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo điều kiện tối đa cho người sử dung lao động, người lao động.

Theo Cục An toàn Vệ sinh lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) được quy định tại Mục 3 Chương III của Luật An toàn Vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết, với các nội dung chính như: Điều kiện hưởng, mức hưởng trợ cấp một lần, hàng tháng, chết do TNLĐ, BNN; triển khai các hoạt động phòng ngừa, chuyển đổi nghề nghiệp; chế độ dưỡng sức, phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; trợ cấp phục vụ; hồ sơ, thủ tục.

Mức đóng và phương thức đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN được điều chỉnh linh hoạt qua các thời kỳ, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo điều kiện tối đa cho người sử dụng lao động, người lao động. Căn cứ vào khả năng đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm, Chính phủ đã xem xét giảm mức đóng từ mức tối đa tương đương 1% quỹ tiền lương  theo quy định tại Luật ATVSLĐ xuống còn 0,5% theo quy định tại Nghị định số 44/2017/NĐ-CP kể từ ngày 01/6/2017; các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN có thể được xem xét giảm mức đóng xuống 0,3% kể từ ngày 15/7/2020 khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP. Việc áp dụng mức đóng bằng 0% vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong giai đoạn từ ngày 01/7/2021 đến hết 30/6/2022 cũng là chính sách rất kịp thời, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh có diễn biến phức tạp.

Một số quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ, các trường hợp người lao động không được hưởng chế độ TNLĐ trước đây được quy định trong các văn bản dưới Luật đã được luật hóa trong Luật ATVSLĐ. Bổ sung quy định trường hợp người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các ngành, nghề, công việc có nguy cơ bị BNN mà phát hiện bị BNN thì người lao động được giám định và giải quyết chế độ; quy định chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với người lao động giao kết HĐLĐ đối với nhiều người SDLĐ. Sửa đổi thống nhất quy định về mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau TNLĐ, BNN để phù hợp với chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội.

Một số nội dung được quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả đã được bổ sung như: Chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc; chi hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.

Ông Nguyễn Khánh Long, Cục An toàn Vệ sinh lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN theo Luật ATVSLĐ đã có sự thay đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và doanh nghiệp trong việc tham gia và thụ hưởng chế độ TNLĐ, BNN.  

Chế độ bảo hiểm TNLĐ đã góp phần giải quyết khó khăn trong cuộc sống cho người lao động và thân nhân gia đình, ổn định hoạt động SXKD, giảm bớt nguy cơ, rủi ro trong lao động, sản xuất kinh doanh.

Thực tế cho thấy có sự gia tăng về đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN. Năm 2016, số người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN là 12.758.230 người; đến năm 2020 là 14.946.965 người, tăng 17,2 % so với năm 2016, tương ứng tăng 2.188.735 người. 

Số người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN trong giai đoạn từ 2016 - 2019 tăng đều qua các năm với tỷ lệ bình quân là 5,76%. Riêng năm 2020, số người tham gia giảm 0,94% so với năm 2019 tương ứng giảm 142.010 người. 

Đại dịch COVID-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp, nhất là các ngành nghề, lĩnh vực vận tải, khách sạn, nhà hàng, du lịch, giáo dục và một số ngành nghề sản xuất hàng hóa xuất khẩu (may mặc, giầy da) làm cho nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến tình hình tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Khoản 3 Điều 44 Luật ATVSLĐ giao Chính phủ quyết định mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN dựa trên cân đối thu chi. Đây là một quy định linh hoạt, phù hợp với thực tế. 

Năm 2016, số thu quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN là 6.692 tỷ đồng. Năm 2017 là 5.189 tỷ đồng, giảm 22,5% so với năm 2016, tương ứng giảm 1.503 tỷ đồng. Năm 2018 là 4.340,9 tỷ đồng, giảm 16,3% so với năm 2017, tương ứng giảm 848,1 triệu đồng. Việc thay đổi tỷ lệ mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN từ 1% xuống 0,5% kể từ ngày 01/6/2017 theo quy định tại Nghị định số 44/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có tác động lớn đến kết quả công tác thu bảo hiểm TNLĐ, BNN trong giai đoạn này. 

Số thu quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN đã tăng trở lại vào năm 2020 đạt 5.175,47 tỷ đồng, tương ứng số với số thu quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN năm 2017. Nghị định số 58/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN có hiệu lực từ ngày 15/7/2020, quy định các trường hợp được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN  từ 0,5% xuống 0,3%. Tuy nhiên, từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành, chưa có đơn vị nào được áp dụng việc giảm tỷ lệ này.

Giai đoạn từ năm 2016-2020 đã giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng cho 14.255 trường hợp mới, giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần cho 30.633 người (trong đó chết do TNLĐ, BNN là 3.517 người). 

Số người giải quyết hưởng TNLĐ, BNN có xu hướng gia tăng trong giai đoạn từ năm 2016-2019, nhưng giảm vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Số chi trợ cấp một lần bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 220 tỷ đồng/năm, tăng gấp 1,75 lần so với số chi bình quân giai đoạn 2013 - 2015, tương ứng tăng 176 tỷ đồng/năm. Số chi trợ cấp hàng tháng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 557 tỷ đồng/năm, tăng gấp 1,6 lần so với số chi bình quân giai đoạn năm 2013 - 2015, tương ứng tăng 212 tỷ đồng/năm. 

Số chi khám giám định thương tật suy giảm khả năng lao động, chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình bình quân giai đoạn năm 2016 - 2020 là 7.2 tỷ đồng/năm. 

Số chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp bình quân giai đoạn năm 2016 - 2020 là 2 tỷ đồng/năm, trong đó số chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp chưa phát sinh. Số chi đóng bảo hiểm y tế bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 5 tỷ đồng/năm. 

Trong các nội dung được Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả, số chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020 số chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng chiếm 70.4% tổng số chi các chế độ từ nguồn quỹ TNLĐ, BNN. Số chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau TNLĐ, BNN và số chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình bình quân giai đoạn 2016 - 2020 chiếm tỷ trọng nhỏ nhất lần lượt là 0.08% và 0.23% so với tổng số chi các chế độ từ nguồn quỹ TNLĐ, BNN.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục