Chiến lược thương mại toàn cầu của Mỹ

08:00' - 25/04/2025
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định việc giảm thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc là điều kiện cho các cuộc đàm phán thương mại.

Tuy nhiên, ông bác bỏ khả năng Mỹ đơn phương giảm thuế. Ông Bessent nhấn mạnh chính sách "Nước Mỹ trên hết" không đồng nghĩa với chủ nghĩa cô lập, đồng thời cho rằng Trung Quốc cần tái cân bằng kinh tế, trong khi Mỹ cần thúc đẩy sản xuất.

*Điều kiện cho đàm phán Mỹ-Trung

Phát biểu bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng Bessent khẳng định Mỹ và Trung Quốc sẽ phải giảm mức thuế quan quá cao giữa hai nước trước khi các cuộc đàm phán thương mại có thể tiến hành. Tuy nhiên, ông Bessent cũng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không đơn phương cắt giảm thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo ông Bessent, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần giảm leo thang căng thẳng để tái cân bằng quan hệ thương mại.

Ông Bessent cho rằng mức thuế quan hiện nay, với Mỹ áp thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc áp thuế 125% lên hàng hóa Mỹ là không bền vững, tương đương với lệnh cấm vận thương mại và gây bất lợi cho cả hai nước.

Ông Bessent cũng bác bỏ thông tin cho rằng chính quyền ông Trump đang xem xét cắt giảm thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Bessent khẳng định không có kế hoạch nào cho việc Mỹ sẽ giảm thuế quan trước.

Quan điểm này trùng khớp với tuyên bố của người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt, rằng Mỹ sẽ không đơn phương giảm thuế quan đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Bessent tin rằng việc giảm thuế quan sẽ diễn ra song phương.

Ông Bessent nhấn mạnh chính sách "Nước Mỹ trên hết" không có nghĩa là Mỹ cô lập, mà là lời kêu gọi hợp tác và tôn trọng lẫn nhau giữa các đối tác thương mại. Ông Bessent chỉ trích các chính sách của một số quốc gia đã làm suy yếu ngành sản xuất của Mỹ.

Ông Bessent cũng làm rõ phát biểu trước đó về thời gian hai đến ba năm cho thỏa thuận Mỹ - Trung. Theo ông, khoảng thời gian này chỉ dành cho toàn bộ quá trình tái cân bằng, còn đàm phán sẽ diễn ra nhanh hơn. Ông Bessent cho rằng Trung Quốc cần tái cân bằng kinh tế hướng tới tiêu dùng, song song với việc Mỹ chuyển hướng sang sản xuất.

*Chiến lược đa phương

Bên cạnh vấn đề then chốt với Trung Quốc, ông Bessent cũng đề cập đến chiến lược đàm phán đa phương của chính quyền ông Trump. Việc đàm phán song song với nhiều quốc gia, nhằm mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và để tạo sự chắc chắn về thuế quan. Ông Bessent dự đoán quá trình này sẽ diễn ra nhanh chóng, vì các quốc gia đều muốn tránh thuế quan đối ứng cao hơn, như đã được cảnh báo vào ngày 2/4.

Ông Bessent cho biết các cuộc đàm phán với các quốc gia khác đang diễn ra, và thỏa thuận với Ấn Độ sắp hoàn tất. Việc đàm phán với Ấn Độ dễ dàng hơn do rào cản thương mại của Ấn Độ chủ yếu là thuế quan, không có thao túng tiền tệ và ít rào cản phi thuế quan.

Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong 15 đối tác thương mại lớn nhất mà chính quyền ông Trump đang ưu tiên đàm phán để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Về đàm phán với Liên minh châu Âu (EU), ông Bessent cho biết thuế dịch vụ số ở một số nước EU như Pháp và Italy là vấn đề cần giải quyết. Các cuộc đàm phán với Nhật Bản sẽ bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có thuế quan, rào cản phi thuế quan, thao túng tiền tệ và trợ cấp của chính phủ, nhưng sẽ không đặt mục tiêu cụ thể cho tỷ giá giữa đồng USD và đồng yen.

Ông Bessent dự đoán quý III năm nay sẽ có sự rõ ràng về mức thuế quan cuối cùng của ông Trump. Ông cũng cho biết ông không lo ngại về việc IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm xuống 1,8% vào năm 2025, chủ yếu do thuế quan và sự không chắc chắn do chính sách này gây ra. Ông Bessent vẫn đặt mục tiêu kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% thông qua chính sách thúc đẩy sản xuất năng lượng của ông Trump.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục