Báo Nhật Bản: Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc ngày càng gia tăng

19:28' - 18/07/2019
BNEWS Số lượng các doanh nghiệp nước ngoài chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc ngày càng một gia tăng.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Hơn một năm kể từ khi Mỹ bắt đầu áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, số lượng các doanh nghiệp nước ngoài chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi nền kinh tế thứ 2 thế giới ngày càng một gia tăng.

Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn số liệu thống kê của báo Nikkei (Nhật Bản) cho thấy số lượng các doanh nghiệp lớn sẽ chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã lên tới con số hơn 50 doanh nghiệp. Trong số này, tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ đang thúc đẩy các đối tác chính chuyển 15% - 30% cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Gotech - hãng điện tử lớn của Trung Quốc, cũng đã bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất tai nghe cho Apple ra nước ngoài. Trong khi đó, hai hãng công nghệ khác của Mỹ là HP và Dell đã lên kế hoạch chuyển 30% sản lượng máy tính xách tay tại Trung Quốc sang các khu vực như Đông Nam Á. Hãng sản xuất thiết bị trò chơi điện tử Nintendo hay hãng sản xuất máy móc xây dựng Komatsu đều của Nhật Bản cũng thông báo chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc trong năm 2017 đạt khoảng 1.800 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Chính phủ Trung Quốc đang lo ngại việc các doanh nghiệp chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ tác động xấu tới môi trường lao động, đầu tư và cả nền kinh tế. Hiện các doanh nghiệp nước ngoài duy trì sản xuất ở Trung Quốc chủ yếu nhằm hướng tới thị trường tiêu dùng khổng lồ của nền kinh tế thứ 2 thế giới này.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp lớn chuyển dịch khỏi Trung Quốc đang kéo theo sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này sẽ khiến, các doanh nghiệp duy trì sản xuất tại Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với việc phải thiết lập một hệ thống sản xuất, cung ứng cả trong và ngoài Trung Quốc, làm gia tăng chi phí sản xuất dẫn tới hiệu quả kinh doanh thấp./.

>> Các doanh nghiệp dệt may quốc tế có xu hướng rời Trung Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục