Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn như "dùi đánh trống thủng"

06:31' - 02/04/2016
BNEWS Với tâm lý ngại va chạm đè nặng bấy lâu đã trở thành rào cản thực thi trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thậm chí còn nảy sinh nhiều bất cập.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn như "dùi đánh trống thủng". Ảnh: Xuân Tư–TTXVN

Liên tiếp nhiều vụ việc người tiêu dùng bị thiệt hại trước những sản phẩm kém chất lượng cùng việc biến tướng của mô hình bán hàng đa cấp gây xôn xao dư luận.

Tuy vậy, với tâm lý ngại va chạm đè nặng bấy lâu đã trở thành rào cản thực thi trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thậm chí còn nảy sinh nhiều bất cập.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi tất cả người dân với tinh thần “Tất cả vì người tiêu dùng”, hãy cùng nhau nỗ lực xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định để tạo động lực phát triển, đổi mới cho nền kinh tế đất nước.

 * Hạn chế của Luật

Những vụ lừa đảo ở các Công ty Tâm Mặt Trời hay muaban24.vn và gần đây nhất đang nổi lên là Công ty cổ phần Liên kết Việt sản xuất thương mại Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Việt Phát đã gây hậu quả lớn đối với cộng đồng xã hội.

Điều này đã thể hiện sự lỏng lẻo trong công tác quản lý cũng như nhận thức kém cỏi của người dân trong lĩnh vực này.

Nhưng cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà quản lý và các doanh nghiệp mỗi khi một sự việc nào đó xảy ra.

Bởi, đã từ lâu người tiêu dùng đã có riêng một Luật để phục vụ quyền lợi của họ.

Thế nhưng, hạn chế của Luật này thể hiện qua việc sau gần 5 năm đi vào cuộc sống vẫn chưa phát huy được vai trò.

Đại diện cho địa phương điển hình xảy ra nhiều vụ khiếu kiện về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sở dĩ có tình trạng này một phần do người tiêu dùng chưa biết hoặc chưa sử dụng tốt 8 quyền được qui định trong Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng.

Với tâm lý ngại va chạm đè nặng bấy lâu đã trở thành rào cản thực thi trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thậm chí còn nảy sinh nhiều bất cập. Ảnh: Vũ Sinh–TTXVN

Thậm chí, nhiều trường hợp người tiêu dùng còn lúng túng không biết địa chỉ để khiếu nại khi quyền lợi bị xâm phạm.

Khi được hỏi về những quyền lợi được hưởng, chị Lương Hoàng Giang, nhân viên văn phòng tại Navibank hoàn toàn bất ngờ khi lần đầu tiên được nghe về Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng.

Chị Giang cũng tỏ ra e dè khi nêu ra hàng loạt vụ việc mua hàng trên mạng bị lừa đảo nhưng lại rất ngại va chạm với cơ quan chức năng nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt nuốt đắng cho qua.

Đưa ra một so sánh ví von, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, không chỉ riêng đối với Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng mà rất nhiều các luật khác nữa cũng đang bị hạn chế khi áp dụng vào thực tiễn.

Dù đã bước sang năm thứ 5 nhưng đa phần người tiêu dùng vẫn chưa nắm rõ luật và những quyền lợi mà họ được hưởng.

Không những thế, một nguyên nhân không nhỏ là những người có quyền giám sát và thực thi luật vẫn chưa thực sự sát sao đã tạo tâm lý chán nản, mất niềm tin khi người tiêu dùng nộp đơn khiếu kiện.

Chia sẻ thêm những khó khăn, ông Trịnh Anh Tuấn cho hay, mặc dù người tiêu dùng là đối tượng được pháp luật bảo vệ nhưng đến nay, dù sau một thời gian dài đi vào thực tiễn nhưng kết quả vẫn còn hạn chế.

Sở dĩ vậy bởi lực lượng thực thi quá mỏng, chế tài xử phạt chưa nghiêm dẫn đến tình trạng "dùi đánh trống thủng".

Cùng với đó, do chưa được coi trọng nên công tác đầu tư trang thiết bị còn thiếu và sơ sài, quân số tiếp nhận hồ sơ ít ỏi dẫn đến tình trạng luật chưa được triển khai đồng bộ.

*Cải thiện ý thức người dân

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, thời gian qua Bộ Công Thương đã cố gắng hoàn thiện các văn bản pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời xây dựng các công cụ hỗ trợ người tiêu dùng.

Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi tốt hơn nữa Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg lấy ngày 15/3 hàng năm là ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội về kinh tế đất nước.

Ngoài ra, để giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính, thông tin về các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh (www.vca.gov.vn).

Là người trực tiếp thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp đã có những hoạt động thiết thực trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Song song với việc cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, áp dụng nhiều hình thức bán hàng thuận lợi với mục đích chiếm được niềm tin của người tiêu dùng thì nhiều doanh nghiệp đã chủ động thành lập bộ phận giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, chủ động xây dựng các kênh thông tin để tiếp nhận những phản ánh, ý kiến của người tiêu dùng.

Cộng đồng doanh nghiệp đã có những hoạt động thiết thực trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian qua. Ảnh: Thanh Vũ–TTXVN

Hiện tại, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đang vận hành Tổng đài tư vấn, hỗ trợ miễn phí người tiêu dùng tại đầu số 1800.6838.

Trường hợp cần tìm hiểu thông tin hoặc cần tư vấn, hỗ trợ, người tiêu dùng có thể liên hệ tới Tổng đài trên để được tư vấn và giúp đỡ.

Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt hiệu quả cao, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương cần phải coi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và thống nhất về mô hình tổ chức, quản lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng áp dụng trên phạm vi cả nước. Các cơ quan quản lý cần cụ thể hóa chính sách, đổi mới cơ chế để có thể hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các tổ chức xã hội liên quan.

Không những vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường nhất là các cá nhân, tố chức kinh doanh hàng hóa.

Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu, xây dựng các mô hình, chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với điều kiện của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục