Bảo vệ tương lai trước hiểm họa của “thuốc lá thế hệ mới”
Cuối năm 2019, các bác sĩ Bệnh viện Henry Ford ở thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ đã tiến hành ca ghép phổi để cứu sống một bệnh nhân trẻ.
Chưa đầy 17 tuổi, nam thiếu niên có hai lá phổi bị hỏng hoàn toàn, mục ruỗng và mất chức năng, đến độ ảnh chụp CT trước khi phẫu thuật cho thấy ngực cậu gần như trống rỗng, đến độ bác sĩ Hassan Nemeh, Giám đốc cơ sở cấy ghép tim phổi của bệnh viện, phải thốt lên: “Tôi chưa từng thấy thứ gì giống như phổi của cậu thiếu niên này trong suốt 20 năm phẫu thuật cấy ghép phổi của mình. Đó là thứ quỷ quái".
“Chúng tôi đã yêu cầu các bác sĩ ở bệnh viện Henry Ford chia sẻ về những tác động khủng khiếp của thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử có thể giết chết người, điều đó hoàn toàn là sự thật!” Đó là nội dung bức thư mà gia đình cậu bé đã đồng ý cho các bác sĩ công bố trong một cuộc họp báo sau phẫu thuật, để cảnh báo về “cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong nhiều thập niên, cuộc khủng hoảng liên quan đến trẻ vị thành niên”.
Nếu như không hút thuốc lá điện tử, cậu học sinh ấy, chỉ 1 năm trước hoàn toàn khỏe mạnh, từng là vận động viên ở trường, mê chèo thuyền, hay chơi điện tử, thích đi chơi tán gẫu với bạn bè, sẽ không phải nằm trong phòng bệnh chờ ghép phổi.
Các bác sĩ bệnh viện Henry Ford hy vọng rằng câu chuyện của cậu có thể thuyết phục các học sinh khác từ bỏ thuốc lá điện tử hoặc không bao giờ dính vào loại hình thuốc lá này.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có đến 44 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 13-15 đang hút thuốc lá, và nhiều trẻ dưới 13 tuổi cũng đang “làm bạn” với làn khói trắng ”tử thần” này.
Ngoài các dạng thuốc lá truyền thống, những năm gần đây, hàng loạt sản phẩm thuốc lá được cho là nhằm vào giới trẻ đã ra đời, như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng…, được gọi chung là “thuốc lá thế hệ mới”.
Trong bối cảnh số người trẻ sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng, WHO đã chọn chủ đề “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2020.
Tác hại của thuốc lá đã được nói tới nhiều, thậm chí được in trên vỏ bao thuốc như những lời cảnh báo.
Làn khói trắng thuốc lá chứa hàng nghìn hợp chất hóa học, trong đó có 250 hóa chất độc hại và ít nhất 69 hoá chất là nguyên nhân gây ra 90% số ca ung thư phổi, 75% số ca phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% số ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Trung bình mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 8 triệu người, một nửa số người hút thuốc, chết vì các bệnh do thuốc lá gây ra.
Mỗi năm, “sát thủ khói trắng” này còn cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người hút thuốc thụ động.
Bất chấp những tác hại của thuốc lá, ngành công nghiệp thuốc lá trong nhiều thập niên qua, vì lợi nhuận vẫn tích cực triển khai các chiến lược mà WHO gọi là “chiến thuật chết người” để mở rộng đối tượng khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ, gồm cả học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.
Khi doanh thu thuốc lá truyền thống tiếp tục giảm, nắm bắt tâm lý thích khám phá, thích thể hiện bản thân của giới trẻ, các công ty thuốc lá đã chạy đua để thay đổi mẫu mã, thiết kế đẹp mắt các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhằm kích thích sự tò mò ở lứa tuổi thanh thiếu niên, với quảng cáo rằng đây là “sự lựa chọn an toàn hơn so với thuốc lá truyền thống”.
Cả hai sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này đều sử dụng thiết bị điện tử làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào. Khác với thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử không tạo khói mà sinh ra những luồng hơi thơm dịu từ những nguyên liệu chứa tinh dầu hoa quả hay bạc hà nhằm đánh lừa khứu giác của con người.
Trong khi đó, thuốc lá làm nóng chỉ phát nhiệt đủ cao để nung nóng điếu thuốc tạo ra các làn khói có thể hít vào.
Cả 2 loại thuốc lá điện tử này được thiết kế nhỏ gọn như 1 chiếc USB hay chiếc kẹo, không chỉ dễ dàng mang theo mà quan trọng hơn cả là được quảng cáo không gây nghiện, an toàn hơn và giảm đến 95% độ độc hại của chất nicotine so với thuốc lá truyền thống.
Điều này cho thấy các công ty thuốc lá không chỉ “mê hoặc” thanh thiếu niên bằng những làn khói ngọt ngào mà còn khuyến khích những người nghiện thuốc chuyển sang thuốc lá điện tử để cai thuốc.
Để đáp ứng xu hướng của giới trẻ, các công ty thuốc lá còn trực tiếp quảng cáo sản phẩm bằng hình ảnh trên mạng xã hội hay tiếp thị gián tiếp bằng cách tài trợ cho người nổi tiếng, các chương trình trực tuyến và bán hàng online.
Tại các cửa hàng, siêu thị, các hãng thuốc lá còn trả tiền để sản phẩm của họ được đặt gần các gian bánh kẹo, nước ngọt, những mặt hàng mà trẻ em thường tìm kiếm.
Nhân viên tiếp thị cũng xuất hiện ở khu vực trường học để học sinh dễ dàng tiếp cận sản phẩm, thậm chí ở các nước đang phát triển, thuốc lá còn được phát miễn phí để dùng thử. Ước tính mỗi giờ, ngành công nghiệp thuốc lá đã chi 1 triệu USD cho các hoạt động quảng cáo và tiếp thị sản phẩm.
Thực trạng này khiến sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 28% học sinh trung học phổ thông và 11% học sinh trung học cơ sở ở Mỹ hút thuốc lá điện tử.
Số thanh thiếu niên Mỹ hút thuốc lá điện tử trước tuổi 14 đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua. Số thanh thiếu niên Canada hút thuốc lá điện tử đã tăng gấp đôi từ 10% giai đoạn 2017-2018 lên 20% giai đoạn 2018-2019.
Tại 13 quốc gia Đông Âu, 2,6% thanh thiếu niên thành thị không hút thuốc lá đã từng thử hút thuốc lá điện tử ít nhất 3 lần. Gần 3,5% thanh thiếu niên Hàn Quốc sử dụng thuốc lá thế hệ mới mỗi ngày.
Theo điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam vào năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh Việt Nam có xu hướng giảm từ 4% xuống 3,6% nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử bắt đầu tăng lên 2,6%.
Trong khi đó, giới chuyên gia khẳng định thuốc lá thế hệ mới nguy hại chẳng kém gì thuốc lá truyền thống bởi có chứa chất gây nghiện nicotine. Trong thuốc lá điện tử còn chứa rất nhiều chất gây ung thư, gây tổn thương ADN….
Giám đốc Nâng cao sức khỏe của WHO Rudiger Krech khẳng định ”tất cả các sản phẩm thuốc lá đều có hại”.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ đã ghi nhận hơn 2.800 ca tổn thương phổi có liên quan đến thuốc lá thế hệ mới, trong đó khoảng 70 trường hợp đã tử vong.
Ở châu Âu, nơi có hơn 25% thiếu niên từ 13-15 sử dụng thuốc lá, các nước Phần Lan, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy, Bồ Đào Nha, Anh... đã cấm quảng cáo thuốc lá điện tử, đồng thời có các biện pháp quản lý chặt chẽ như quy định từ 18 tuổi trở lên mới được mua thuốc lá và cấm bán hàng online. Mỹ đã ban hành lệnh cấm thuốc lá điện tử hương vị bạc hà, trái cây.
Hàng chục nước ở Nam Mỹ, Trung Đông và Đông Nam Á, trong đó có Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Malaysia đã cấm bán các sản phẩm thuốc lá điện tử. Những nước khác như Trung Quốc, Australia, Canada cũng áp dụng nhiều hạn chế đối với sản phẩm thuốc lá này.
Năm ngoái, Instagram - mạng chia sẻ ảnh và video thuộc sở hữu của Facebook - đã cấm quảng bá sản phẩm thuốc lá điện tử trên nền tảng này sau khi nhà sản xuất thuốc lá điện tử lớn nhất của Mỹ Juul bị kiện vì sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng cáo, bán trái phép thuốc lá điện tử cho các khách hàng vị thành niên, đồng thời bóp méo sự thật về tính an toàn của các sản phẩm.
Juul còn bị cáo buộc lợi dụng "những nhân vật có tầm ảnh hưởng" để thu hút khách hàng trẻ bằng cách trả tiền cho những người này để quảng bá sản phẩm tới những tài khoản theo dõi họ trên mạng xã hội.
Bác sĩ Sharon Levy, Giám đốc Chương trình điều trị cho thanh thiếu niên sử dụng chất gây nghiện tại Bệnh viện Nhi Boston, Mỹ, đã gọi thuốc lá thế hệ mới là "con quái vật", mà điều nguy hiểm nhất là người ta đang “thả rông” nó vì không lường hết được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Nhưng cha mẹ của cậu thiếu niên vừa được ghép phổi để cứu mạng sống ở Bệnh viện Henry Ford thì hiểu rõ rằng “Cả cuộc sống của con tôi đã bị hủy hoại nghiêm trọng”, bởi từ nay, cậu phải đối mặt với quá trình hồi phục đau đớn kéo dài, phải đấu tranh để giành lại sức mạnh, với hy vọng có thể cải thiện tỷ lệ sống sót trung bình của một bệnh nhân sau ghép phổi là 7 năm.
Còn các bác sĩ thì nói rằng, câu chuyện của bệnh nhân đầu tiên phải ghép phổi vì thuốc lá điện tử là một minh chứng sống cho tác hại của loại “thuốc lá thế hệ mới” được quảng cáo là “hầu như vô hại”, để những người cùng trang lứa như cậu không bị lôi kéo và bị biến thành “một thế hệ mới nghiện nicotine”./.
Tin liên quan
-
Kinh tế tổng hợp
Canada tìm cách ngăn lớp trẻ hút thuốc lá điện tử
11:11' - 20/12/2019
Các hoạt động quảng cáo hoặc khuyến mại sản phẩm thuốc lá điện tử sẽ bị cấm tại những khu vực công cộng, cửa hàng tiện lợi và trên mạng.
-
Đời sống
Mỹ có 2.290 ca tổn thương phổi do thuốc lá điện tử
11:51' - 05/12/2019
Theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 20/11 vừa qua, đã có 2.290 ca tổn thương phổi do liên quan đến thuốc lá điện tử trên toàn nước Mỹ.
-
Chuyển động DN
Nhà sản xuất thuốc lá điện tử Juul tiếp tục đối mặt với kiện tụng
18:44' - 27/11/2019
Sau hai bang New York và California, thủ đô Washington DC cũng đã đệ đơn kiện nhà sản xuất thuốc lá điện tử lớn nhất nước Mỹ Juul vì nhắm tới giới trẻ trong các chiến dịch tiếp thị sản phẩm của hãng.
-
Kinh tế tổng hợp
Bang New York kiện hãng sản xuất thuốc lá điện tử Juul Labs
09:34' - 20/11/2019
Ngày 19/11, chính quyền bang New York đã kiện hãng sản xuất thuốc lá điện tử lớn nhất của Mỹ Juul Labs vì đã tiến hành chương trình tiếp thị sản phẩm trái phép nhằm vào thanh thiếu niên.
Tin cùng chuyên mục
-
Đời sống
Khám phá thành phố Taxco - “thủ đô bạc” của Mexico
07:00'
Giữa những dãy núi trùng điệp của bang Guerrero (Mexico), có một thành phố nhỏ nhưng đầy mê hoặc là Taxco.
-
Đời sống
Xem ngay lịch âm dương hôm nay 12/7
05:00'
Bnews. Xem ngay lịch âm hôm nay 12/7 nhanh nhất và chính xác nhất. Xem giờ tốt xấu ngày 12/7, việc nên làm, không nên làm hôm nay và lịch vạn niên tháng 7, chuyển đổi lịch âm - dương 2025.
-
Đời sống
Kết nối hỗ trợ, bảo vệ trẻ bị bạo hành tại Trường Mầm non Gia Thụy, Hà Nội
19:12' - 11/07/2025
Cô giáo chia sẻ, do cháu không ngủ trưa cô phạt, nhà trường mong muốn gia đình bỏ qua sự việc nhưng gia đình không đồng ý.
-
Đời sống
Hà Nội: Hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn bán trú cho 768.000 học sinh tiểu học
16:20' - 11/07/2025
Hà Nội dự kiến sử dụng tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn bán trú cho khoảng 768.000 học sinh tiểu học tại các trường công lập và tư thục ở thành phố.
-
Đời sống
Ngày Dân số Thế giới 11/7: Dân số thế giới sẽ đạt đỉnh vào giữa những năm 2080
15:47' - 11/07/2025
Ngày Dân số Thế giới là một sự kiện thường niên diễn ra vào ngày 11/7 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu.
-
Đời sống
Rùa biển quý hiếm bất ngờ trở lại Hòn Cau đẻ trứng
15:45' - 11/07/2025
Đây là lần thứ 2 trong năm, cá thể rùa mẹ nói trên quay lại Hòn Cau để đẻ trứng. Lần trước vào ngày 23/6 với ổ trứng có 108 trứng. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng.
-
Đời sống
Giữ hồn dân tộc qua những lớp học chữ Khmer
14:30' - 11/07/2025
Những năm qua cứ vào dịp hè, nhiều ngôi chùa Khmer trên địa bàn tỉnh An Giang đều mở các lớp dạy chữ Khmer, thu hút đông đảo học sinh tham gia học.
-
Đời sống
FPT Play sở hữu độc quyền bản quyền Giải vô địch bóng đá U23 Đông Nam Á Mandiri Cup 2025
13:33' - 11/07/2025
FPT Play vừa công bố trở thành đơn vị sở hữu độc quyền bản quyền và sẽ phát sóng trọn vẹn giải ASEAN U23 Mandiri Cup2025 tại Việt Nam.
-
Đời sống
Đà Lạt - điểm đến tiết kiệm hàng đầu châu Á mùa Hè 2025
10:49' - 11/07/2025
Đà Lạt xuất hiện nổi bật trong top 5 điểm đến với chi phí phải chăng nhất châu Á mùa hè, cho thấy sức hút ngày càng lớn của thành phố cao nguyên.