Bất cập đầu tư xử lý rác tại Tp Hồ Chí Minh: Bài 1 - Những ưu ái khó hiểu

16:19' - 20/12/2018
BNEWS Trong thời gian dài, xử lý chất thải rắn tại đây chủ yếu vẫn là công nghệ chôn lấp, dẫn tới việc không xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, gây nhiều lãng phí cho ngân sách thành phố.
Nước thải từ bãi rác Đa Phước rỉ chảy gây ô nhiễm. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Trước áp lực xử lý hàng nghìn tấn rác mỗi ngày, chủ trương xây dựng và vận hành Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (gọi tắt là bãi rác Đa Phước) tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh là đúng và cần thiết.

Tuy nhiên, trong thời gian dài, xử lý chất thải rắn tại đây chủ yếu vẫn là công nghệ chôn lấp, dẫn tới việc không xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, gây nhiều lãng phí cho ngân sách thành phố.

Từ câu chuyện lựa chọn nhà đầu tư, công nghệ tại bãi rác Đa Phước, có thể nhận thấy, công tác xử lý chất thải rắn hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh còn tồn tại nhiều bất cập, cần gấp rút thay đổi công nghệ và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, uy tín.

Bài 1: Những ưu ái khó hiểu

Theo Quy hoạch và thực hiện quy hoạch các Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, Thành phố Hồ Chí Minh có các bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi), Đa Phước (huyện Bình Chánh), Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) và Khu công nghệ môi trường xanh (thường gọi là Khu Thủ Thừa, tỉnh Long An) đang xúc tiến đầu tư. Cuối năm 2002, bãi rác Đông Thạnh đóng cửa nên thực tế chỉ còn hai bãi là Đa Phước và Phước Hiệp.

Đáng chú ý là việc ông David Dương với tư cách người sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty California Waste Solution (Công ty CWS), có trụ sở tại California, Hoa Kỳ được giao làm dự án bãi rác Đa Phước.

* Tức tốc giao dự án

Tháng 11/2003, ông David Dương đến Thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ lãnh đạo UBND thành phố, thể hiện mong muốn đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn đô thị.

Đầu năm 2004, UBND thành phố có chủ trương xây dựng Dự án xử lý rác Đa Phước với 3 mục tiêu gồm: Xây dựng nhà máy phân loại vật liệu tái chế áp dụng công nghệ hiện đại, xây dựng nhà máy chế biến compost (phân từ rác) và sản xuất phân hữu cơ, xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Đến tháng 2/2004, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý chủ trương cho Công ty CWS lập dự án nghiên cứu khả thi trình UBND thành phố thông qua trong thời gian sớm nhất. Hai tháng sau, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm đó đưa ra kết luận giao Công ty CWS làm chủ đầu tư 100% vốn nước ngoài dự án Đa Phước, đồng thời chấp thuận cho Công ty này xây dựng cầu đi vào khu xử lý rác như là một phần trong dự án khả thi; chỉ định Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đền bù giải tỏa, giao quyền sử dụng đất 73ha trong giai đoạn 1 cho Công ty CWS ngay trong tháng 6/2004.

Bản thỏa thuận ngày 21/7/2005 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố với Công ty CWS thể hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường phải giao đủ, giao liên tục không ngưng ngày nào từ 2.500 - 3.000 tấn rác/ngày cho Công ty CWS xử lý, đồng thời giao phần xây dựng cầu đi vào khu vực dự án Đa Phước cho chính Công ty CWS làm chủ đầu tư lập dự án và xây dựng. Chi phí xây cầu sẽ khấu trừ vào đơn giá xử lý mỗi tấn rác về sau.

Tiếp đến tháng 9/2004, Công ty CWS đề nghị xin thêm 50 ha đất để mở rộng và xây dựng Khu xử lý rác Đa Phước với lý do để “an toàn” hơn, đồng thời với việc trình bày khó khăn về tài chính trong giai đoạn đầu, Công ty này đã đề nghị thành phố trả trước 6 tháng tiền xử lý rác để dùng số tiền này xây dựng một phần cơ sở hạ tầng.

Trên cơ sở thẩm định và đề xuất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các Bộ, ngành liên quan, ngày 25/11/2005, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc thực hiện Dự án bãi rác Đa Phước, giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về các cam kết của mình trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án.

Từ đây, Công ty CWS thành lập công ty thành viên là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Công ty VWS), do ông David Dương làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc. Đến ngày 28/2/2006, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố và Công ty CWS chính thức ký hợp đồng giao nhận, xử lý chất thải rắn, thời gian kéo dài đến ngày 27/12/2055 (khoảng 50 năm). Để đến tháng 11/2007, bãi rác Đa Phước chính thức đi vào hoạt động với công suất 3.000 tấn/ngày.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, UBND thành phố đã lựa chọn nhà đầu tư dự án mà chưa kiểm chứng năng lực cụ thể, để rồi Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký Hợp đồng giao, nhận và xử lý chất thải rắn với Công ty VWS với nhiều điều khoản có lợi cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Công ty này còn được ngân sách thành phố ứng trước tiền xử lý rác 6 tháng làm cơ sở hạ tầng, đồng nghĩa với việc ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án, Công ty VWS chưa phải bỏ ra chi phí.

* Năng lực yếu

Người dân sống gần bãi rác Đa Phước không dám dùng nước ngầm bị ô nhiễm mà phải dùng nước mưa. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Báo cáo số 4665/BKH/TĐ&GSĐT ngày 12/7/2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ thể hiện nhiều quan điểm chưa thống nhất về dự án trên của một số Bộ, ngành.

Cụ thể, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đề nghị cần làm rõ thiết bị dự án mới 100%, chứng minh khả năng kinh nghiệm chuyên môn và uy tín của chủ đầu tư. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, tài liệu chứng minh năng lực tài chính của chủ đầu tư, hiệu quả kinh tế, tài chính dự án chưa thật rõ ràng.

Bộ Tài chính đề nghị cần bổ sung các giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của ông David Dương và mức vốn pháp định của chủ đầu tư. Chủ đầu tư góp vốn bằng bí quyết công nghệ nên cần lập hồ sơ chuyển giao công nghệ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hồ sơ dự án chưa rõ về khả năng, kinh nghiệm, chuyên môn và uy tín quốc tế của chủ đầu tư, khả năng tài chính góp vốn pháp định là không khả thi, năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu, không đảm bảo vốn triển khai dự án.

Trong tháng 10/2005, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục báo cáo bổ sung Dự án Đa Phước lên Thủ tướng Chính phủ và đánh giá, thời gian hoạt động của dự án tới 50 năm là chưa hợp lý, thay vào đó chỉ cần 30 năm.

Năng lực tài chính của chủ đầu tư còn yếu, chi phí xử lý rác quá cao so với dự án tương tự đã được cấp phép, hiệu quả dự án vẫn còn hạn chế so với các dự án đã có và các phương án có thể lựa chọn.

Báo cáo số 246/BC-TTCP ngày 27/2/2017 của Thanh tra Chính phủ nhận định: Trong quá trình thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các văn bản cho rằng, năng lực tài chính đối với dự án của chủ đầu tư còn yếu, chi phí xử lý rác quá cao so với dự án tương tự được cấp phép nhưng UBND Thành phố Hồ Chí Minh vẫn kiên quyết lựa chọn và tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa xử lý đầy đủ các vấn đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Trách nhiệm này thuộc về UBND Thành phố Hồ Chí Minh cần phải kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân để rút kinh nghiệm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục