Bất cập hạ tầng nghề cá ở Quảng Bình

17:48' - 24/08/2019
BNEWS Theo số liệu của Ban Quản lý cảng cá tỉnh Quảng Bình, hiện nay có đến 70% tàu cá của tỉnh phải đi neo đậu các tỉnh bên ngoài, hoặc chấp nhận cập cảng tạm nguy cơ mất an toàn rất cao.
Tình trạng cảng quá tải thường xuyên xảy ra dẫn đến nhiều cầu bến tạm trái phép mọc lên. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Với tốc độ phát triển 6-7%/năm, nghề đánh bắt thủy sản tỉnh Quảng Bình đã có những bước phát triển ấn tượng, số lượng tàu cá loại từ 15 m trở lên không ngừng gia tăng về số lượng, công suất. 

Tuy nhiên, hạ tầng nghề cá Quảng Bình lại chưa phát triển tương xứng, 70% các tàu phải cập bến ở những cảng cá ngoài tỉnh hoặc phải cập ở các cầu bến tạm, ảnh hưởng đến tiến độ bốc dỡ hải sản, tiềm ẩn những rủi ro cho tàu cá.

Cảng cá sông Gianh là cảng cá lớn nhất của tỉnh Quảng Bình, theo thiết kế ban đầu đây là cảng loại I, nhưng do thiếu kinh phí nên hiện tại cơ sở hạ tầng của cảng cá sông Giang chỉ mới cơ bản đáp ứng các tiêu chí cảng cá loại II.

Cảng cá sông Gianh được xây dựng từ lâu, thiết kế chỉ đón nhận tàu có công suất khoảng 150 CV trở xuống. Với 2 cầu cảng hình chữ T, mỗi cầu cảng dài khoảng 50 m tàu thuyền có thể neo đậu được hai bên.

Tuy nhiên, hiện tại đội tàu cá đã có bước phát triển vượt bậc, công suất tàu cá đạt từ vài trăm đến 1.000 CV trong khi cơ sở hạ tầng bến cảng không được đầu tư, mặt trong của cầu chữ T hiện nay đã bị bồi lấp không thể sử dụng được, hệ thống chống va đập cho tàu cũng hư hỏng không đảm bảo an toàn.

Khoảng 70% các tàu cá Quảng Bình phải cập bến ở những cảng cá ngoài tỉnh hoặc phải cập ở các cầu bến tạm tiềm ẩn nguy cơ mấy an toàn. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Mỗi lần, cảng cá sông Gianh chỉ đón được khoảng 5-7 tàu cá loại dài 25 m là hết chỗ đỗ cho các tàu khác vì vậy tình trạng cảng quá tải thường xuyên xảy ra.

Ông Trần Quang Khải, chủ tàu cá Quảng Trị số hiệu QT 90222 TS cho biết, tàu của ông thường cập cảng cá sông Gianh, nhưng hiện cảng quá bé so với lượng tàu ra vào. Nhiều khi phải chờ đợi rất lâu mới được vào bốc dỡ hàng hóa, cũng như tiếp thêm nhu yếu phẩm. Bà con mong muốn nhà nước sớm đầu tư mở rộng cảng để tàu thuyền ra vào cảng dễ dàng hơn.

Việc các cảng cá luôn trong tình trạng quá tải dẫn đến các cầu cảng xây dựng trái phép mọc lên. Theo số liệu của Ban Quản lý cảng cá tỉnh Quảng Bình, hiện nay có đến 70% tàu cá của tỉnh phải đi neo đậu các tỉnh bên ngoài, hoặc chấp nhận cập cảng tạm nguy cơ mất an toàn rất cao.

Ông Đặng Thuyên, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quảng Bình cho biết, tỉnh hiện chỉ có 2 cảng cá  Nhật Lệ và cảng cá sông Gianh hoạt động từ năm 2001 với năng lực tiếp nhận của 2 cảng hiện khoảng 80 tàu/ngày.

Những năm gần đây thực hiện chính sách phát triển thủy sản, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi. Trong khi đội tàu phát triển mạnh thì cơ sở hạ tầng cho nghề cá tại Quảng Bình không phát triển tương xứng mà ngược lại ngày càng tụt hậu.

Một trong những vấn đề nhức nhối đối với cảng cá sông Gianh, cảng cá Nhật Lệ là tình trạng ô nhiễm môi trường.

Mặt trong cầu chữ T ở cảng cá Nhật Lệ hiện nay đã bị bồi lấp không thể sử dụng được, hệ thống chống va đập cho tàu cũng hư hỏng không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền cập cảng. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Hiện mặt bằng cảng bị sụt lún khiến hệ thống thu gom nước thải không thể hoạt động, nước thải từ hoạt động vận chuyển, xử lý hải sản chảy tràn ra sân, xuống sông gây ô nhiễm môi trường. Ngoài các cảng cá, những âu thuyền phục vụ neo đậu tàu thuyền tránh bão cũng chưa được đầu tư, khiến ngư dân luôn trong tình trạng thấp thỏm lo âu mỗi mùa mưa bão.

Ông Lê Ngọc Linh. Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Bình thừa nhận hiện nay cơ sở hạ tầng nghề cá Quảng Bình còn nhiều bất cập so với đội tàu khai thác của tỉnh. Thứ nhất các cửa sông bị cạn, thường xuyên bị bồi lấp, luồng lạch ra vào cảng thay đổi do vậy tàu cá ra vào thường xuyên bị cạn; chỉ có cửa Gianh tàu cá ra vào thuận lợi còn cảng Nhật Lệ, cảng Roòn thường xuyên bị cạn.

Khó khăn thứ 2 là công suất bốc dỡ hàng hóa của cảng còn thiếu do đó cần thiết phải đầu tư thêm khu neo đậu, cảng cá để thuận lợi cho tàu cá vào bốc dỡ hàng và kiểm tra hàng hóa. Ngoài ra, các cơ cơ sở chế biến đáp ứng năng lực xuất hàng đi châu Âu vẫn còn thiếu, buộc nhiều tàu phải cập các cảng ngoài tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang đầu tư xây dựng thêm 3 khu hậu cần nghề cá, gồm cảng cá khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ (dự án cảng cá Nhật Lệ) và khu neo đậu tránh bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Bắc sông Gianh với quy mô neo đậu khoảng 1.000 tàu loại tàu có công suất 1.000 CV./.

>> Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tại 4 tỉnh miền Trung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục