Bất chấp căng thẳng Mỹ -Trung giá dầu vẫn tăng lạc quan

13:59' - 30/11/2019
BNEWS Tính chung trên cả tháng 11, giá dầu vẫn tăng khá lạc quan do thị trường.
Giá dầu thế giới ghi nhận mức tăng khá trong tháng 11. Ảnh minh họa: TTXVN
Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 29/11, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chuyển hướng leo thang trong khi sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức cao kỷ lục mới là 12,46 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2019.
Tuy nhiên, khi tính chung trên cả tháng 11, giá dầu vẫn tăng khá lạc quan do thị trường kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng các nhà sản xuất ngoài khối sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp dự kiến tổ chức vào ngày 5-6/12 tới.
Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đã giảm 1,44 USD xuống 62,43 USD/thùng. Kể từ đầu tuần tới nay, giá loại dầu này đã giảm 1,5%. Nhưng khi tính chung cả tháng, dầu Brent đã ghi nhận mức tăng giá hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/2019 là khoảng 6%.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng đã giảm 2,94 USD xuống 55,17 USD/thùng trong phiên này và ghi nhận mức giảm 4,1% trong cả tuần, sau khi đã có chuỗi ba tuần tăng giá liên tiếp. Còn tính trên cơ sở cả tháng, giá dầu WTI đã tăng khoảng 2,3%, cao nhất kể từ tháng Sáu tới nay.
Cả hai loại dầu chủ chốt trên đều tăng trong tháng 11 một phần do kỳ vọng về việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” vào cuối năm nay. Nếu thành hiện thực, thỏa thuận này có thể làm nhẹ bớt những nghi ngờ về nhu cầu dầu thô trong tương lai, cùng với đó là cải thiện “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, niềm hy vọng này đã mờ dần sau khi Trung Quốc ngày 28/11 cảnh báo Mỹ rằng họ sẽ có "các biện pháp đối phó cứng rắn" để đáp trả dự luật về tình hình biểu tình tại Hong Kong (Trung Quốc) mà Mỹ mới chính thức thông qua.
Một yếu tố khác cũng nâng đỡ giá dầu thế giới trong tháng này là việc OPEC và các đồng minh bao gồm Nga (còn được gọi chung là OPEC+) dự kiến sẽ kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày hiện thời cho đến giữa năm 2020, thay vì kết thúc vào tháng Ba năm sau như thỏa thuận trước đó.
Theo giới quan sát, Moscow đang ủng hộ nỗ lực bình ổn giá dầu của Saudi Arabia trong bối cảnh tập đoàn dầu khí Aramco của quốc gia Vùng Vịnh này sắp sửa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc OPEC+ nhóm họp vào tuần tới cũng trùng thời gian công bố mức định giá cuối cùng cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Aramco.
Song các nhà đầu tư cũng đang để ý xem liệu nhóm sản xuất có đồng ý cắt giảm sâu hơn hay không. Theo ông Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates, dù nhiều người đang kỳ vọng OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn, ông không nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Thậm chí ông cảnh báo nếu kế hoạch cắt giảm không như mong đợi hoặc chỉ kéo dài thêm một vài tháng nữa, thị trường sẽ xảy ra tình trạng bán tháo.
Ngoài ra, các công ty dầu khí của Nga mới đây đã đề xuất giữ nguyên hạn ngạch sản lượng của họ, qua đó gây thêm áp lực về việc tránh bất kỳ sự thay đổi lớn nào tại cuộc họp tuần tới cho OPEC+ .
Một cuộc thăm dò ý kiến của 42 nhà kinh tế và phân tích của Reuters dự báo giá dầu Brent trung bình sẽ vào khoảng 62,50 USD/thùng vào năm tới, ít thay đổi so với triển vọng 62,38 USD/thùng đưa ra hồi tháng trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục