Bắt đầu đợt thanh tra tổng thể các nhà máy xi măng, nhiệt điện

15:47' - 07/10/2016
BNEWS Ngày 7/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tham gia đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường mở đầu cho đợt thanh tra tổng thể các nhà máy xi măng, nhiệt điện…

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty chủ động cung cấp thông tin về công tác bảo vệ môi trường cho các cơ quan truyền thông, báo chí để đảm bảo dư luận có cái nhìn khách quan về hoạt động của doanh nghiệp; ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty trong hoạt động bảo vệ môi trường. Đồng thời, xem xét thành lập bộ phận chuyên trách về công tác môi trường tại các doanh nghiệp quy mô lớn.

Theo đó, với công tác đánh giá tác động môi trường, Bộ Công Thương yêu cầu nhà thầu và chủ đầu tư phải hoàn thành đầy đủ các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo cam kết của Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong giai đoạn vận hành thử nghiệm 6 tháng trước khi bàn giao; thông báo rộng rãi đến chính quyền địa phương về hoạt động vận hành thử nghiệm để chính quyền và người dân địa phương cùng giám sát.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chất thải nguy hại, kiểm soát chặt chẽ nước thải, khí thải trước khi xả thải ra môi trường (không để diễn ra tình trạng xả thải không qua xử lý như tại Khu công nghiệp VINATEX (Phố Nối), lắp đặt hệ thống quan trắc online nước thải, khí thải theo quy định.

Đối với các vấn đề môi trường mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, Bộ trưởng cũng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện các giải pháp.

Cụ thể, đối với các nhà máy nhiệt điện đốt than của EVN, PVN, TKV phải xây dựng lộ trình để cải tạo hệ thống đốt khởi động lò, đảm bảo có thể đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào ngay khi bắt đầu khởi động.

Khi chưa cải tạo, khắc phục được, các nhà máy phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương thông báo rộng rãi cho người dân biết để tham gia giám sát.

Đối với chất thải rắn là tro xỉ nhà máy nhiệt điện, bã thải GYP của nhà máy phân bón hóa chất, chất thải rắn của nhà máy luyện thép, các Tập đoàn, Tổng công ty chỉ đạo các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với nguồn phát sinh chất thải của mình, chủ động tìm kiếm các giải pháp để xử lý và tiêu thụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản phải rà soát, đánh giá nguy cơ sạt lở của toàn bộ các bãi thải, phối hợp với chính quyền địa phương di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ đạo, các đơn vị quản lý thuộc Bộ Công Thương phải chủ động tham mưu, đề xuất việc xây dựng Quy hoạch theo hướng tiếp cận về sức chịu tải của môi trường để đảm bảo không tạo ra những khu vực, vùng có nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra việc tuân thủ các thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật do Bộ phê duyệt hoặc chủ trì tham gia góp ý kiến trong quá trình thẩm định, phê duyệt đối với các dự án quy mô lớn có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Ngoài ra, tăng cường công tác thẩm định thiết kế cơ sở thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương với việc phê duyệt thiết kế các công trình xử lý môi trường; khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành công thương trình Bộ trưởng ký ban hành.

Trước đó ngày 6/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn lãnh đạo các Tập đoàn lớn, yêu cầu báo cáo thực tế hiện trạng tại các dự án điện, than, xi măng, khoáng sản…để trực tiếp nghe chính những người đứng đầu các Tập đoàn, Tổng công ty lớn của ngành phải đứng ra cam kết “không đánh đổi môi trường lấy dự án”. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị chức năng đã tiến hành rà soát và kiểm tra việc bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau của ngành công thương, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguy cơ gây tác động lớn đến môi trường như khai thác và chế biến khoáng sản, nhiệt điện, hóa chất, các doanh nghiệp có hoạt động xả thải ra sông, ven biển, nhà máy đặt tại khu vực nhạy cảm và có nhiều dư luận xã hội về công tác bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở kết quả rà soát và kiểm tra trực tiếp tại 29 cơ sở, kết quả cho thấy nhìn chung các doanh nghiệp đã chấp hành các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường: báo cáo ĐTM, giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động, giấy phép xả thải.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Lượng vẫn còn những tồn tại một số doanh nghiệp đã đi vào vận hành nhưng chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường như: Nhôm Lâm Đồng, Nhiệt điện Vũng Áng - PVN, Nhiệt điện Duyên Hải 1.

Cùng đó là một số doanh nghiệp thay đổi các hạng mục bảo vệ môi trường trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt mà chưa thông báo cho cơ quan phê duyệt ĐTM biết, hoặc đã thông báo nhưng chưa được chấp thuận nhưng đã triển khai thực hiện như Nhôm Lâm Đồng, Nhiệt điện Duyên hải 1.

Hơn nữa, còn có các doanh nghiệp chưa có giấy phép khai thác tài nguyên nước như Nhiệt điện Duyên hải 1.

Ngoài ra, vẫn còn những doanh nghiệp chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước Nhiệt điện Duyên hải 1, Nhiệt điện Hải Phòng, Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp (PTSC) Quảng Bình, PTSC Đà Nẵng, PTSC Dung Quất, Công ty TNHH MTV phân bón dầu khí Cà Mau - PVN, Nhà máy đóng tầu Dung Quất – PVN.

Việc chậm xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường do nhiều nguyên nhân chủ đầu tư thuê tư vấn lập ĐTM không đủ năng lực dẫn đến phát sinh nhiều thay đổi trong thực tế triển khai.

Hơn nữa, chủ đầu tư thay đổi các công trình bảo vệ môi trường mà chưa được sự chấp thuận. Đáng lưu ý hơn là sự phối hợp giữa Ban quản lý dự án với đơn vị được giao vận hành thiếu chặt chẽ.

Đặc biệt, sự chậm chễ của cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, xác nhận… nên nhiều dự án khi đi vào vận hành nhưng chưa hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo cam kết đã được phê duyệt trong Báo cáo tác động môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục