Bất đồng giữa Nga và EU về kịch bản “Đại châu Âu” (Phần 2)

05:30' - 19/10/2018
BNEWS Hiện nay, cách hợp lý nhất để Nga quay lại với châu Âu chính là đi qua châu Á.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu Moskva một mình hoặc cùng với EAEU không thể yêu cầu EU tiến hành đối thoại một cách bình đẳng thì nước này phải tham gia một liên minh mạnh mẽ hơn để có thêm đòn bẩy trong việc đối thoại với Brussels. Nói cách khác, đối với Nga, khái niệm “Đại châu Âu” cần phải và sẽ trở thành một phần của khái niệm “Đại Á – Âu”. 

Ý tưởng về sự xoay trục của Nga sang châu Á xuất hiện từ rất lâu; Nga đã cố gắng triển khai ý tưởng này qua nhiều thời kỳ và dưới nhiều hình thức khác nhau. Kết quả thì không chưa thật rõ ràng; Tóm lại, mặc dù có một số thành công, nhưng Nga vẫn chưa trở thành thành viên đầy đủ của cộng đồng các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên.

Một trong những vấn đề về phương pháp tiếp cận hiện tại của Nga đối với châu Á là lối nhận thức “truyền thống” của Nga rằng xoay trục sang châu Á chỉ là một sự thay thế thực dụng cho công cuộc hiện đại hóa kinh tế, xã hội và chính trị của Nga. 

Người ta cho rằng, việc hợp tác với các đối tác châu Á - từ Trung Quốc, Hàn Quốc cho đến Ấn Độ và Malaysia – không đòi hỏi nhiều về chất lượng quản trị, đa dạng hóa nền kinh tế, không cần đầu tư nhiều vào nguồn nhân lực và công nghệ, không phải đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, nghĩa là không giống như hợp tác với EU. 

Trên thực tế, những yêu cầu này ở châu Á thậm chí còn cao hơn châu Âu, bởi vì châu Á lục địa phát triển năng động, tính cạnh tranh trên thị trường châu Á khốc liệt hơn, chủ nghĩa đa phương kém phát triển hơn và các hoạt động kinh tế nhìn chung không có chỗ cho những người tụt lại phía sau.

Đồng thời, xuất phát điểm của Nga ở châu Á yếu hơn nhiều so với ở châu Âu. Tại châu Á, người ta chủ yếu vẫn cảm nhận Moskva là “đứng ngoài cuộc chơi”. Không có cộng đồng người Nga đông đảo trong khu vực, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội tại phần châu Á của Nga kém phát triển hơn nhiều so với phần châu Âu của Nga, khác biệt văn hóa sâu sắc giữa Nga và các quốc gia châu Á... 

Những tiến bộ gần đây trong thương mại song phương với Trung Quốc, trong việc tiếp cận với các đối tác châu Á mới, trong việc phát triển cơ cấu tổ chức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) không thể khỏa lấp nhiều vấn đề chưa được giải quyết, điều này đã làm chậm tiến trình Nga trở thành một quốc gia thực sự có ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vậy tại sao là châu Á mà không phải châu Âu? Dự án Á-Âu của Nga ngày nay có ít nhất hai lợi thế so với dự án châu Âu. Thứ nhất, mặc dù những tương tác của Nga với nhiều nước châu Á rất phức tạp và không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng sẽ không có vấn đề tiêu cực như với hầu hết quốc gia phương Tây. 

Các nước lớn ở châu Á hiện không coi Nga như một thách thức mà là một cơ hội tiềm năng. Ví dụ, diễn biến tại Ukraine rõ ràng tạo ra ít “cảm xúc” ở châu Á hơn là ở châu Âu và hầu hết các quốc gia châu Á cho rằng vấn đề trên không ảnh hưởng tới bất kỳ “trật tự châu Á” nào. 

Thứ hai, Dự án Á-Âu, không như dự án châu Âu, vẫn còn trong giai đoạn đầu triển khai và chưa tạo ra các quy tắc cứng nhắc, chưa tạo ra bộ máy quan liêu cồng kềnh, vốn đang là truyền thống ở châu Âu. Hơn nữa, hầu hết các sáng kiến “Á-Âu” (như Vành đai và Con đường, BRIСS+) thường chung chung để giảm chi phí đầu vào ban đầu cho các đối tác và thành viên tiềm năng. 

Đây là một cách tiếp cận rất khác so với khung thể chế rất cứng nhắc của EU. Do đó, Nga sẽ dễ dàng thâm nhập vào các cơ chế và chế độ mới nổi ở châu Á với tư cách không phải của một người đến sau, mà là một trong những người sáng lập, thậm chí trong một số trường hợp còn là một trong những nhà lãnh đạo. 

Ở đây không hàm ý rằng “dự án châu Âu” không có ý nghĩa gì đối với Nga. Sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Lợi thế quan trọng nhất của Moskva trong khu vực châu Á chính là “bản chất” châu Âu của Nga. Chỉ bằng cách làm rõ bản chất này, Nga mới có thể trở thành một nhân tố có giá trị trong khu vực Á - Âu mới. 

Với ý nghĩa này, một nước Nga thành công trong khu vực châu Á có thể được so sánh với Australia hoặc New Zealand - hai nước này đã hội nhập rất tốt vào chuỗi dây chuyền sản xuất kinh tế châu Á chính vì họ khác biệt với tất cả các nước châu Á khác. Do đó, đối với Moskva, điều quan trọng là phải duy trì và mở rộng quan hệ nhân văn, văn hóa, giáo dục và các mối quan hệ lịch sử khác dựa trên bản chất châu Âu của Nga.

Tương lai lâu dài của mối quan hệ giữa EU và Nga phụ thuộc phần lớn vào tương lai của chính EU trong khoảng 5-10 năm nữa, khi Nga bước vào chu kỳ chính trị mới. Khi đó, vấn đề "quay trở lại châu Âu" sẽ có vẻ không còn phù hợp nữa. 

Vấn đề đó nên được thay thế bằng một câu hỏi khác, thực tế hơn là Moskva và Brussels có thể cộng tác như thế nào trong khuôn khổ dự án Đại Á - Âu đang nổi lên. Suy cho cùng, không nên quên rằng toàn bộ châu Âu, thậm chí tính thêm cả phần châu Âu của Nga, cũng chỉ là một bán đảo lớn ở góc phía Tây của lục địa khổng lồ châu Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục