Bất đồng Pháp - Đức cản trở EU cải cách thị trường điện

07:09' - 18/10/2023
BNEWS Tranh cãi giữa Đức và Pháp đang cản trở nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc thúc đẩy thỏa thuận về cải cách thị trường điện bị trì hoãn lâu nay.

Hồi tháng Ba vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một loạt điều chỉnh về thị trường điện của EU sau khi ngừng sử dụng nguồn cung khí đốt của Nga. Những đề xuất này nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn trước biến động của thị trường nhiên liệu hóa thạch bằng việc chuyển sang các hợp đồng có giá cố định và lâu dài hơn, hay còn gọi là hợp đồng chênh lệch (CFD).

 

Theo đó, chính phủ ấn định giá cho nhà sản xuất điện. Nếu giá thị trường thấp hơn mức giá cố định, chính phủ sẽ bồi thường nhà sản xuất. Nếu giá thị trường cao hơn, chính phủ có quyền sử dụng lợi nhuận thặng dư của nhà sản xuất để hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tiến trình đưa những đề xuất trên thành luật bị "kẹt" do bất đồng giữa Đức và Pháp xoay quanh nội dung liên quan đến cách thức sử dụng trợ cấp của chính phủ trong các dự án điện.

Đức quan ngại rằng Pháp, nước sở hữu nhiều nhà máy điện hạt nhân, sẽ có lợi thế cạnh tranh do năng lượng hạt nhân rẻ hơn và phần doanh thu từ các hợp đồng điện do chính phủ hỗ trợ có thể được sử dụng để trợ giá cho các ngành công nghiệp.

Pháp phản đối ý kiến trên. Trong một tuyên bố ngày 17/10,  Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng của Pháp Agnes Pannier-Runacher nhấn mạnh "bất kỳ điều gì tạo ra chênh lệch giữa điện hạt nhân và năng lượng tái tạo đều không tốt cho người dân châu Âu bởi sẽ làm tăng giá ở châu Âu".

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhấn mạnh "sân chơi bình đẳng" tại châu Âu và nêu rõ không được phá hoại sân chơi này bằng các hình thức thị trường năng lượng đặc biệt.

Đứng về phía Pháp trong cuộc tranh cãi này là các quốc gia Trung và Đông Âu vốn cũng có tham vọng mở rộng năng lượng hạt nhân, trong khi Đức nhận được sự ủng hộ của Áo, Bỉ, Đan Mạch và Luxembourg.

Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Năng lượng các nước EU dự kiến nhóm họp vào ngày 17/10 nhằm tháo gỡ bất đồng giữa Đức và Pháp, qua đó hướng tới bắt đầu các cuộc đàm phán cuối cùng với mục tiêu hoàn thành cải cách trong năm nay. Cuộc họp này diễn ra dưới sự chủ trì của Tây Ban Nha, quốc gia đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU đến cuối năm nay.

Trong trường hợp các nước EU không đạt được nhất trí, Pháp và một số quốc gia khác vẫn có thể ký hợp hợp đồng giá điện cố định với các nhà máy điện, song phải được sự chấp thuận của EU theo quy định về trợ cấp của chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục