Bầu cử Mỹ 2020: Giới chức khẳng định "không có bằng chứng" ​các phiếu bầu bị thất lạc

11:59' - 13/11/2020
BNEWS Ngày 12/11, các quan chức bầu cử Mỹ đã lên tiếng khẳng định "không có bằng chứng" các phiếu bầu bị thất lạc, bị thay đổi hay hệ thống bầu cử bị can thiệp trong cuộc tổng tuyển cử ngày 3/11 vừa qua.

Theo hãng tin AFP, trong một tuyên bố, các quan chức phụ trách an ninh bầu cử Mỹ nêu rõ: "Cuộc bầu cử ngày 3/11 là cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử Mỹ. Không có bằng chứng cho thấy hệ thống bỏ phiếu đã xóa bỏ, làm mất, thay đổi phiếu bầu hay bị xâm phạm theo bất kỳ hình thức nào".

Tuyên bố cũng nhấn mạnh mặc dù xuất hiện nhiều cáo buộc vô căn cứ cũng như các thông tin sai lệch về quá trình bầu cử, song giới chức bầu cử hết sức tin tưởng tính bảo mật và minh bạch của cuộc bầu cử.

Hiện các quan chức bầu cử trên cả nước đang "xem xét và kiểm tra kỹ lưỡng" các kết quả bầu cử địa phương trước khi chứng nhận các con số. Theo các quan chức này, phiếu bầu sẽ được kiểm lại ở hầu hết những bang có kết quả sít sao.

Tuyên bố trên được Hội đồng Điều phối Cơ sở hạ tầng bầu cử chính phủ, một nhóm bảo trợ thuộc Cơ quan An ninh mạng và An ninh Cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA) đưa ra. Văn bản này có chữ ký của những người đứng đầu Hiệp hội quốc gia Các giám đốc bầu cử bang và Hiệp hội Quốc gia các Thư ký bang - các quan chức phụ trách bầu cử cấp bang, và Chủ tịch Ủy ban Hỗ trợ bầu cử Mỹ.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và các thành viên đảng Cộng hòa cáo buộc đã xảy ra gian lận và thất lạc phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua song không đưa ra bằng chứng.

Ngày 7/11 vừa qua (giờ Mỹ), 4 ngày sau ngày bầu cử chính thức 3/11, các hãng truyền thông lớn tại Mỹ đồng loạt đưa tin kết quả kiểm phiếu tại bang Pennsylvania nghiêng về ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden, qua đó ông Biden giành được tổng cộng 273 phiếu đại cử tri, vượt mức 270 phiếu cần thiết trong tổng số 538 phiếu để đắc cử Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa thừa nhận kết quả này, đồng thời tuyên bố thúc đẩy cuộc chiến pháp lý tại một số bang mà ê-kíp bầu cử của ông cho rằng kết quả kiểm phiếu không chính xác như Pennsylvania, Nevada, Georgia và Arizona.

Cũng liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ, ngày 12/11, mạng xã hội Twitter thông báo đã dán nhãn "có thể gây hiểu lầm" đối với 300.000 bài đăng trong tuần trước và sau ngày bầu cử 3/11, chiếm 0,2% các bài đăng liên quan đến bầu cử.

Theo người đứng đầu bộ phận pháp lý, chính sách, sự tin cậy và an toàn của Twitter Vijaya Gadde, việc dán nhãn này được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 27/10 tới ngày 11/11.

Trong số 300.000 bài đăng bị dán nhãn này có 456 bài bị che bằng thông báo cảnh báo và bị giới hạn các tính năng tương tác, theo đó người dùng không thể nhấn nút "Thích" ("Like"), đăng lại hoặc phản hồi bài đăng.

Trong suốt thời gian diễn ra bầu cử, Twitter đã đăng thông điệp trên các trang của người dùng Mỹ với 389 triệu lần nhắc nhở rằng "việc công bố kết quả bầu cử có thể bị trì hoãn, và bỏ phiếu qua bưu điện là an toàn và hợp pháp".

Đầu tháng này, nhà chức trách Mỹ đã phát hiện nhiều tài khoản Twitter giả danh các hãng truyền thông lớn như AP và CNN để phát tán những thông tin sai lệch về chiến thắng của hai ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ và Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa. Ngay sau khi phát hiện, Twitter đã lập tức khóa các tài khoản trên.

Từ nhiều tháng nay, các cơ quan tình báo và an ninh bầu cử Mỹ đã cảnh báo về khả năng xảy ra các hoạt động can thiệp nhằm gây hoang mang, nghi ngờ về tiến trình bầu cử dân chủ tại Mỹ.

Họ cho rằng chính cuộc đua sít sao hiện nay của hai ứng cử viên tổng thống là “mảnh đất màu mỡ” để những đối tượng gây rối phát tán các thông tin sai lệch../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục