Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cuộc cạnh tranh của những nhân vật cũ
Trái với bầu không khí ảm đạm của ngày bầu cử "Siêu thứ Ba" cách đây 4 năm khi đại dịch COVID-19 đang là nỗi ám ảnh với người dân, cuộc bầu cử sơ bộ trong ngày này năm nay (5/3) diễn ra khi nước Mỹ đã hoàn toàn trở lại nhịp sống bình thường mới.
Tuy nhiên, tâm lý của người dân và các cử tri Mỹ nhìn chung kém hào hứng khi cục diện cuộc đua ở mỗi đảng thiếu đi sự hấp dẫn và kịch tính thường thấy với ưu thế áp đảo hoàn toàn thuộc về Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ và người tiền nhiệm Donald Trump bên đảng Cộng hòa.
Không nằm ngoài dự báo, cuộc bầu cử sơ bộ trong ngày "Siêu thứ Ba" để lựa chọn ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới với kết quả chiến thắng gần như tuyệt đối của hai "đại kình địch".
Bên đảng Dân chủ, kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Biden đã giành chiến thắng ở 14 bang và chỉ "sảy chân" tại vùng lãnh thổ Samoa nhỏ bé, nâng tổng số phiếu đại biểu ông đang nắm giữ lên 1.527 và chỉ cần thêm 441 phiếu là cán mốc 1.968 phiếu cần thiết để nhận tấm vé ra tranh cử tổng thống Mỹ.
Kết quả bỏ phiếu tại bang Alaska sẽ được công bố vào ngày 6/4 tới và nhiều khả năng thắng lợi cũng thuộc về tổng thống đương nhiệm.
Với đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Trump chỉ thua đối thủ duy nhất là cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley tại bang Vermont và giành thắng lợi tại 14 bang, nâng tổng số phiếu hiện có lên 1.031. Ông chỉ cần gom thêm 184 phiếu nữa là cán mốc 1.215 phiếu để được đề cử tại Đại hội đảng toàn quốc vào trung tuần tháng 7 tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin.
Sau những thất bại cách biệt và chịu lép vế hoàn toàn, các đối thủ của ông Trump và Biden đã lần lượt rút khỏi cuộc đua, dọn đường cho một cuộc tái đấu giữa hai chính khách này. Vài giờ sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, bà
Haley, người từng hai lần làm Thống đốc bang South Carolina, đã tuyên bố từ bỏ nỗ lực chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng sẽ không ủng hộ ông Trump.
Động thái này cũng cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa trong bối cảnh sức ảnh hưởng của ông Trump ngày càng lớn và nhiều người đã gọi chính đảng này là "đảng của ông Trump". Trước những áp lực giữ gìn đoàn kết nội bộ, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell - người có quan hệ không tốt với cựu Tổng thống Trump - đã lên tiếng ủng hộ ông.
Bên đảng Dân chủ, mọi việc diễn ra thuận lợi hơn với Tổng thống Biden khi Hạ nghị sĩ Dean Phillips của bang Minnesota đã quyết định rút lui và tuyên bố ủng hộ ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Việc ông Phillips từ bỏ khiến tác giả, nhà hoạt động Marianne Williamson trở thành đối thủ đáng chú ý cuối cùng còn lại của Tổng thống Biden trên đường đua giành đề cử tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ tổ chức tại thành phố Chicago, bang Illinois từ ngày 19-22/8.
Với các kết quả trong bầu cử "Siêu thứ Ba" và không có đối thủ cạnh tranh, cả hai ứng cử viên chỉ cần một thời gian ngắn nữa là chính thức có đủ số phiếu đại biểu cần thiết để "danh chính ngôn thuận" đối đầu với nhau. Cho đến thời điểm này thì người dân Mỹ đã bắt đầu chuyển sang đánh giá xem ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Hiện tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden tiếp tục tái đắc cử có vẻ thấp hơn ông Trump, nhưng không phải không có cơ hội lật ngược.Theo một số kết quả thăm dò dư luận mới nhất, ông Biden có khoảng 43-44% cơ hội tiếp tục ở lại Nhà Trắng trong khi cựu Tổng thống Trump nhỉnh hơn chút ít với 46-48%. Theo đó, ông Trump đang có cơ hội lặp lại lịch sử lần thứ hai khi một tổng thống thất cử ra tranh cử và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, giống cuộc bầu cử năm 1892.
Mặc dù tiếp tục duy trì được sự ủng hộ của các cử tri trung thành, mức độ dẫn đầu của cựu Tổng thống Trump đang có xu hướng giảm. Kết quả một số cuộc thăm dò cũng cho thấy vị thế của ông Biden đang dần ổn định trong cuộc đua vào Nhà Trắng và sự trỗi dậy của ông Trump đã hạ nhiệt. Đặc biệt tại các bang chiến địa, tỷ lệ ủng hộ ông Biden cũng ngang ngửa, thậm chí có bang còn vượt trội hơn so với ông Trump.
Tại các vòng bầu cử sơ bộ vừa qua, ông Trump đã thể hiện được sức mạnh, củng cố sự ủng hộ của các cử tri trung thành, nhưng cũng có một số dấu hiệu đe dọa như không được sự ủng hộ của nhóm cử tri trẻ tuổi, có trình độ đại học, các cử tri ủng hộ bà Haley có thể quay sang bỏ phiếu cho ông Biden.
Mặc dù Tổng thống Biden tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri Dân chủ, nhưng chính sách đối với cuộc xung đột Gaza có thể khiến ông mất điểm trong thời gian tới. Kết quả bầu cử sơ bộ phản ánh xu hướng phản đối ngày càng tăng , đặc biệt trong số các cử tri trẻ tuổi. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở Michigan, Minnesota, North Carolina... có khoảng 12-20% cử tri lựa chọn "không cam kết" để phản đối chính sách của chính quyền Tổng thống Biden liên quan cuộc chiến Israel-Hamas.
Các nhóm ủng hộ Palestine đã nhắm tới cuộc bầu cử sơ bộ vào tuần tới ở bang Washington, nơi có đông đảo các nhà hoạt động cánh tả. Xu hướng phản đối ông chủ Nhà Trắng đang lan rộng ra nhiều bang khác và có thể trở thành thách thức lớn nhất đối với ông trong chiến dịch tranh cử sắp tới.
Theo giới quan sát, kết quả bầu cử và chiến thắng của ông Trump trong bầu cử "Siêu thứ Ba" có thể khiến đảng Cộng hòa thay đổi cương lĩnh tranh cử, quan điểm chính trị, đặc biệt là chính sách đối ngoại trong thời gian tới. Trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, lãnh đạo đảng Cộng hòa đã nhiều lần phản đối các quyết định của ông, đặc biệt là về các chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, sự phản đối với các quan điểm chính sách của ông Trump trong đảng Cộng hòa đang giảm dần, ví dụ như đa số thừa nhận Mỹ nên đứng ngoài các vấn đề toàn cầu, đồng thuận phản đối việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine…
Trong trường hợp Tổng thống Biden tái cử, nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục xu hướng chính sách đối ngoại ủng hộ chủ nghĩa đa phương nhưng mang tính thực dụng hơn nhằm củng cố vai trò dẫn dắt toàn cầu của Mỹ.
Chính quyền ông Biden tiếp tục can dự sâu rộng với Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), tái tham gia các thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu năng lượng xanh… nhưng thực dụng hơn trong lĩnh vực kinh tế, thương mại khi nỗ lực xây dựng các thể chế mới như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), thay vì thúc đẩy các thỏa thuận kiểu cũ hoặc các thỏa thuận thương mại song phương (FTA).
Một điểm đáng lưu ý, trận tái đấu giữa ông Trump (78 tuổi) và ông Biden (82 tuổi) là cuộc tranh cử mà rất ít người Mỹ mong muốn. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cả hai đều có tỷ lệ cử tri ủng hộ thấp. Đây là cuộc tranh cử lặp lại đầu tiên giữa hai vị tổng thống Mỹ kể từ năm 1956. Cuộc bầu cử tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ sâu sắc ở một đất nước vốn nhiều mâu thuẫn do sự phân cực chính trị, nhất là sau màn tranh cử gây tranh cãi giữa hai ứng cử viên này năm 2020.
Nếu không có gì thay đổi, sau khi chính thức nhận đề cử, các ứng cử viên tổng thống sẽ có 3 phiên tranh luận trực tiếp, gồm một phiên trong tháng 9 và 2 phiên trong tháng 10. Trong bối cảnh chiến dịch tranh cử còn kéo dài, ông Trump tiếp tục phải đối mặt với các rắc rối pháp lý phía trước, cuộc đua song mã dự báo tiềm ẩn nhiều bất ngờ trước "Ngày phán xét" 5/11 tới.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Bầu cử Mỹ 2024: Ứng cử viên Donald Trump giành chiến thắng tại Alaska
17:58' - 06/03/2024
Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang trong ngày bầu cử "Siêu thứ Ba", mở đường cho "cuộc tái đấu lịch sử" tháng 11 tới.
-
Kinh tế Thế giới
Bầu cử Mỹ 2024: Ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump tiếp tục giành chiến thắng tại Oklahoma, Maine
09:59' - 06/03/2024
Tối 5/3 theo giờ Mỹ (tức sáng 6/3 theo giờ Việt Nam), ứng cử viên Donald Trump đã giành thêm chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại các bang Oklahoma và Maine.
-
Kinh tế Thế giới
Bầu cử Mỹ 2024: Chiến thắng của Tổng thống Biden ở Iowa mở màn cho "Siêu Thứ Ba"
07:58' - 06/03/2024
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn dự báo của các cơ quan truyền thông sở tại ngày 5/3 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc họp kín của đảng Dân chủ tổ chức tại bang Iowa.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương cho 29 nước
16:03'
Nước này đã thực hiện chính sách miễn thị thực cho 29 nước, trong đó có Đức và Pháp, nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc kỳ vọng thu lợi 42 tỷ USD từ năng lượng sạch
15:01'
Hàn Quốc đang kỳ vọng sẽ thu được 59.000 tỷ won (42 tỷ USD) bằng cách thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các nguồn năng lượng không carbon đến năm 2033.
-
Kinh tế Thế giới
Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế 140 tỷ USD
14:47'
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ công bố gói kích thích kinh tế trị giá 22.000 tỷ yen (khoảng 140 tỷ USD) nhằm tăng nguồn thu nhập cho người tiêu dùng vào thứ Sáu (22/11) sau kết quả bầu cử vừa qua.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy quan hệ kinh tế ổn định với Mỹ
13:46'
Theo Thứ trưởng Trung Quốc Vương Thụ Văn, Trung Quốc sẵn sàng đối thoại, mở rộng các lĩnh vực hợp tác và quản lý những khác biệt với Mỹ, nhằm thúc đẩy quan hệ theo hướng ổn định và bền vững.
-
Kinh tế Thế giới
Mexico phản đối kế hoạch trục xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ
12:43'
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 21/11 đã lên tiếng phản đối các kế hoạch về người di cư của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
-
Kinh tế Thế giới
Số doanh nghiệp tại Đức phá sản tăng mạnh
12:42'
Số doanh nghiệp tại Đức phá sản trong tháng 10/2024 tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái, do những khó khăn liên tục của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc muốn xây dựng 4 thành phố khởi nghiệp hàng đầu thế giới
12:40'
Cho đến năm 2030, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy việc xây dựng 4 thành phố lọt vào danh sách 100 thành phố tốt nhất thế giới để khởi nghiệp.
-
Kinh tế Thế giới
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Bulgaria
11:43'
Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Rumen Radev tới Việt Nam diễn ra vào thời điểm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước có nhiều bước phát triển quan trọng.
-
Kinh tế Thế giới
Indonesia cam kết giảm tỷ trọng điện than xuống 33%
10:31'
Chính phủ Indonesia có kế hoạch cắt giảm tỷ trọng điện than trong cơ cấu năng lượng của nước này xuống còn 33%, đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 42% vào cuối năm 2040.