Bè nổi thực vật trên kênh Brussels, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học

07:35' - 01/10/2024
BNEWS Kênh Brussels, vốn được biết đến với vẻ ngoài công nghiệp, đang dần trở thành một ốc đảo xanh tươi, thu hút đa dạng sinh học.

Nhờ những nỗ lực không ngừng của cảng Brussels, kênh này đã trở thành một môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài động thực vật.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, mặc dù bề ngoài có vẻ không mấy thân thiện với tự nhiên, nhưng kênh Brussels lại là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật. Ông Marius Pailhès, nhà nghiên cứu chim và trợ lý dự án đa dạng sinh học đô thị tại Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Natagora cho biết kênh Brussels là một môi trường sống phong phú và đa dạng sinh học.

Kênh là nơi cư trú của nhiều loài cá, côn trùng và đóng vai trò như hành lang sinh thái cho loài dơi. Vào mùa Đông, nơi đây là điểm dừng chân của các loài chim di cư như mòng biển, le le, cò và vịt trời.

Để bảo vệ và phát triển hệ sinh thái kênh đào, cảng Brussels đã triển khai nhiều dự án khác nhau. Điển hình là việc cải tạo bờ kè để tạo điều kiện cho loài chim én bờ cát, một loài chim từng biến mất khỏi thủ đô trong gần 40 năm, quay trở lại. Ông Pailhès chia sẻ: “Việc lắp đặt các tổ nhân tạo đã mang lại kết quả tích cực và hàng năm chúng tôi đều ghi nhận số lượng loài này gia tăng”.

Năm 2021, một dự án thử nghiệm các bè thực vật nổi đã được triển khai. Những bè nổi này không chỉ cung cấp nơi trú ẩn cho các loài động vật, mà còn là nguồn thức ăn cho côn trùng và là nơi làm tổ lý tưởng cho chim nước.

Kết quả của dự án bè thực vật nổi rất khả quan. Nhờ có chúng, 11 loài thực vật mới đã xuất hiện và các loài sinh vật bản địa cũng phát triển mạnh hơn. Đặc biệt, các nhà khoa học đã phát hiện ra sự hiện diện của lươn châu Âu - một loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Bè nổi cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của sinh khối, là nguồn thức ăn quan trọng cho các loài cá non.

Ông Marius Pailhès đánh giá cao ý nghĩa của dự án: "Bằng cách tạo ra các bè thực vật, chúng ta đang góp phần xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Đây là một giải pháp hữu ích trong bối cảnh diện tích đất trống ngày càng thu hẹp".

Kênh Brussels đang dần trở thành một ví dụ điển hình về việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Nhờ những nỗ lực không ngừng, kênh đào này không chỉ là một tuyến giao thông thủy quan trọng mà còn là một không gian xanh, nơi con người và thiên nhiên cùng chung sống hòa hợp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục