Bên lề kỳ họp Quốc hội: Công nghệ và con người là động lực cần đầu tư

20:00' - 26/10/2018
BNEWS Việc sử dụng tri thức và những thành tựu công nghệ có thể giúp khai thác và sản sinh ra những giá trị chi phối thế giới, chi phối chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.

Trong kỷ nguyên số hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và sức lan tỏa của nó tới mọi quốc gia, mọi lãnh thổ trên toàn cầu đã cho thấy yêu cầu cấp thiết phải đầu tư vào khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV lần này, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất quan điểm, cần thay đổi tư duy về phát triển kinh tế, vốn và tư liệu sản xuất đã không còn là chủ thể chính, mà công nghệ và tri thức mới thực đóng vai trò quan trọng.

Việc sử dụng tri thức và những thành tựu công nghệ có thể giúp khai thác và sản sinh ra những giá trị chi phối thế giới, chi phối chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng; thậm chí còn quyết định và định hướng tâm lý xã hội.

Vinfast và sự kiện ra mắt mẫu xe hơi Made in Vietnam tại Triển lãm Paris Motor Show đã trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi bên lề kỳ họp của các đại biểu Quốc hội.

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi, trong khi nền công nghiệp ô tô của Việt Nam bị coi là "èo uột", nhiều năm phát triển vẫn chỉ dừng lại ở khâu gia công, lắp ráp thì một doanh nghiệp tư nhân như Vinfast, sao lại có thể "qua mặt" nhiều tên tuổi, thương hiệu ô tô lớn khác không chỉ trong khu vực mà trên thế giới.

Chưa nói đến cách làm của Vinfast ra sao, nhưng đó là minh chứng thể hiện khát vọng của các doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình chinh phục thị trường thế giới.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Vinfast là một câu chuyện hay. Nhiều năm qua, mặc dù với nhiều cơ chế và chính sách để xây dựng ngành công nghiệp cơ khí, nhưng đến nay Việt Nam cũng chưa thể sản xuất được ô tô. Trong khi đó, chỉ khoảng 1 năm gần đây, Vinfast đã có một số mẫu xe để quảng cáo tại Paris và nhận đặt hàng sản xuất.

Đó thực là điều đáng suy nghĩ. Vậy họ đã làm bằng cách nào ? Từ đây, Nhà nước cần có những chính sách gì để hỗ trợ những doanh nghiệp tương tự như Vinfast không? Có như vậy mới thúc đẩy được phong trào sáng tạo và những doanh nghiệp tiên phong trên thị trường.

Các đại biểu và quan khách quốc tế đang chiêm ngưỡi dòng xe Sedan LUX A2.0 của Vinfast tại Triển lãm quốc tế Paris Motor Show 2018. Ảnh: Nguyễn Toàn Trí-Pv TTXVN tại Pháp

Qua tiếp xúc và tìm hiểu trực tiếp cách làm của Vinfast, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh câu chuyện này. Đây là một ví dụ điển hình của việc, người Việt Nam muốn lên nấc thang cao nhất của chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong chuỗi giá trị toàn cầu có mấy khâu gồm thương hiệu, phân phối, nghiên cứu phát triển, sản xuất. Từ trước đến nay, Việt Nam chỉ đảm nhiệm khâu lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ cũng chỉ có thế và các doanh nghiệp khá nhất của Việt Nam hiện nay cũng chỉ làm được đến khâu nghiên cứu phát triển, thiết kế mẫu mã.

Ví dụ giày Thái Bình là điển hình. Họ thiết kế mẫu mã, chào bán cho nước ngoài và nhận đơn đặt hàng sản xuất... chứ không còn chỉ dừng lại ở lắp ráp, gia công như trước đây. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được khâu phân phối và thương hiệu.

Chính đây lại là khâu đỉnh cao nhất của chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng chính là cách làm của Vinfast, ông Lộc phân tích.

Trong kỷ nguyên 4.0 như hiện nay, cách tiếp cận thế này xứng đáng được đặt niềm tin. Bởi, hơn bao giờ hết, lúc này ý tưởng sáng tạo mới là dẫn đầu.

Trong chuỗi giá trị toàn cầu, không có nghĩa là ta phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mà cần phải sáng tạo ra chuỗi giá trị toàn cầu và kéo các doanh nghiệp toàn cầu vào làm cùng với ta.

Đó là một cách mà chúng ta có thể làm. Đáng buồn là phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam chưa làm như vậy, nên mô hình tăng trưởng của Việt Nam chưa có nhiều thay đổi. Điều đó, chứng tỏ, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa có nhiều cải thiện như mong đợi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Đồng tình với quan điểm của ông Lộc, Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Cà Mau cho rằng, cần nhận diện lại nền kinh tế, cần phải xem xét lại nếu tiếp tục đi theo mạch tư duy là huy động vốn hay bơm vốn vào nền kinh tế. Chúng ta hay nói đến Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, nhưng chúng ta không biết rằng, chúng ta đang đi trong cuộc cách mạng ấy, chứ không phải đi bên lề để đón đầu hay thích nghi với chúng.

Trở lại câu chuyện tăng trưởng bền vững, trong 5 yếu tố cấu thành nên sự phát triển bền vững thì yếu tố vốn và tài nguyên, đối với Việt Nam, gần như không còn dư địa.

"Vốn vay giờ đã kịch trần. Cơ cấu nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn còn có nhiều bất ổn. Tài nguyên thì đã cạn kiệt…. Đích nhắm cần được tập trung đầu tư lúc này, chính là yếu tố công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Những yếu tố này có thể chi phí đầu vào đắt nhưng nó có thể sản sinh giá trị gia tăng rất lớn so với đồng vốn thô mà chúng ta bỏ ra", ông Vân nhấn mạnh.

Chất lượng nhân lực, chất lượng con người được nâng lên, chắc chắn sẽ dẫn tới cải thiện chất lượng thể chế, từ đó giúp đem lại thế và lực mới cho Việt Nam và sự phát triển bền vững của Việt Nam, Đại biểu Vân khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục