Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV: Xử lý nợ xấu giúp khơi thông nguồn lực tồn đọng

14:38' - 01/06/2018
BNEWS Sau gần 1 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, đến cuối tháng 3/2018, tỷ lệ nợ xấu còn 2,18%.

Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả, giúp khơi thông nguồn lực tồn đọng và dần đi vào cuộc sống. Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại những đánh giá của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Khơi thông nguồn lực tồn đọng

Đại biểu quốc Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Nghị quyết 42 ra đời đã kịp thời giải quyết vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu do các luật hiện hành khác chưa kịp điều chỉnh. Mặc dù, được triển khai chưa đầy 1 năm, nhưng kết quả đạt được rất khả quan.

Chính vì vậy, đã khơi thông được nguồn lực bị tồn đọng trong nhiều năm (tổng giá trị nguồn lực bị tồn đọng lên tới 10% tổng dư nợ tín dụng).

Bên cạnh đó, nhờ khơi thông được nguồn lực này sẽ tạo ra thêm các tác dụng như: bổ sung nguồn vốn cho nền kinh tế; các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất, bởi thu nhập của các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên thông qua việc xử lý nợ xấu.

Trên thực tế, hệ thống các ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất trong thời gian vừa qua. Đây cũng chính là động lực để thúc đẩy tăng đầu tư cho nền kinh tế.

Các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn với lãi suất ưu đãi hơn. Đồng thời, cũng làm tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Trước đây, khi chưa có Nghị quyết 42, các Ngân hàng thương mại chỉ bán được nợ xấu cho Công ty VAMC. Nhưng sau khi có Nghị quyết 42, các ngân hàng thương mại thấy rằng họ có đủ năng lực để thực hiện xử lý khoản nợ xấu đó.

Như vậy, hiện không chỉ có VAMC thực hiện xử lý nợ xấu mà ngay cả các Ngân hàng thương mại cũng tham gia xử lý nợ xấu. Nhờ đó, việc xử lý nợ xấu được triển khai rộng hơn, đồng đều hơn và được giải quyết nhanh hơn.

Tuy nhiên, mặc dù Nghị quyết 42 đã được ban hành và dần di vào cuộc sống, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc. Cụ thể, đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của các cơ quan tư pháp để hướng dẫn trình tự rút gọn khi xử lý các vụ việc có liên quan đến nợ xấu.

Ngoài ra, các cơ quan thực thi ở cấp dưới vẫn chưa thực sự gắn kết với các tổ chức tín dụng để cùng vào cuộc... Đó là những vướng mắc theo tôi cần phải tháo gỡ sớm trong thời gian tới để Nghị quyết 42 thực sự đi vào cuộc sống, là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Quốc hội và các Uỷ ban của Quốc hội sẽ có chương trình giám sát xem Nghị quyết 42 đã thực sự đáp ứng đầy đủ chưa và còn vướng mắc gì chưa được thực hiện. Trên cơ sở đó, để có những điều chỉnh, sửa đổi bổ sung kịp thời.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Xử lý nợ xấu theo con đường của thị trường

Đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Nghị quyết 42 đã tháo gỡ cho hệ thống ngân hàng rất nhiều trong việc rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, có nhiều khoản vay không nhất thiết phải qua thông qua toà án mà có thể trực tiếp các ngân hàng xử lý với khách hàng.

Như vậy, nó đã đơn giản hơn rất nhiều. Để thực hiện được việc tự xử lý như vậy thì bản thân phương thức đó phải được thị trường tương đối chấp nhận. Tức là, đưa khoản nợ xấu đó bán ra thị trường và bản thân người có nợ cũng chấp nhận được.

Bên cạnh đó, thực tế nền kinh tế trong năm 2018 có nhiều yếu tố phục hồi, đặc biệt là thị trường bất động sản. Khi thị trường tốt hơn thì nó dễ làm cho việc giải quyết tình trạng vỡ nợ bằng các quan hệ thị trường chứ không phải xử lý thông qua quan hệ toà án. Tôi kỳ vọng, nếu giải quyết được bằng con đường đó là tốt nhất, còn không thì buộc phải giải quyết thông qua toà án.

Mặc dù Nghị quyết 42 cho thấy, việc giải quyết các thủ tục một cách rút gọn hơn, nhưng chưa chắc đã nhanh được. Bởi không chỉ có toà án mà còn có các cơ quan khác cùng tham gia xử lý nợ xấu. Như vậy, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cơ quan. Thực tế hiện nay, các cơ quan này đều đang "quá tải".

Điều mà tôi kỳ vọng là Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan này phối hợp với nhau đẩy nhanh hơn quá trình giải quyết xử lý nợ xấu không cần thông qua con đường tranh tụng mà qua con đường thị trường (tức là ngân hàng tự giải quyết với khách hàng) thông qua Nghị quyết 42.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục