Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Kiểm soát lạm phát vẫn là áp lực trong ổn định tăng trưởng

12:58' - 27/05/2024
BNEWS CPI tháng 4 tăng gần 1% so với tháng trước và bình quân 4 tháng đầu năm đã tăng 3,93% cho thấy việc kiểm soát lạm phát là điều cần làm ngay để đảm bảo ổn định tăng trưởng vĩ mô.
Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội đã thông qua mục tiêu lạm phát năm 2024 ở mức từ 4 - 4,5%. Với tổng cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu khởi sắc, áp lực lạm phát trong năm 2024 vẫn khá lớn, nhất là trong bối cảnh lạm phát 4 tháng đầu năm đã đạt mức 3,93%. Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, phóng viên TTXVN đã trao đổi với một số đại biểu xung quanh nội dung này.

* Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu): Kiểm soát lạm phát để đảm bảo ổn định tăng trưởng vĩ mô

Trong những tháng đầu năm nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu... đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Song, đối chiếu với kết quả trong 4 tháng đầu năm 2024, những hạn chế của năm 2023 đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo, khắc phục khá tốt.

Vì vậy, các chỉ số được tăng lên rõ rệt; trong đó, GDP quý I tăng 5,66% - cao nhất kể từ năm 2020 trở lại đây, đưa Việt Nam vào top đầu so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều này cho thấy, nền kinh tế của Việt Nam từng bước phục hồi, vượt qua đại dịch, cũng như những khó khăn chung của kinh tế thế giới trong hơn 4 năm qua. Qua đó, khẳng định khâu chỉ đạo điều hành và phản ứng chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành đang đi đúng hướng và phát huy hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội. Điều này gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024.

Đối với áp lực lạm phát và chính sách tiền tệ, CPI tháng 4 tăng gần 1% so với tháng trước và bình quân 4 tháng đầu năm đã tăng 3,93% cho thấy việc kiểm soát lạm phát là điều cần làm ngay để đảm bảo ổn định tăng trưởng vĩ mô.

Đồng Việt Nam mất giá so với USD, giá nhiều mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu tăng là nguyên nhân chính khiến chỉ số lạm phát những tháng qua có xu hướng tăng, tiệm cận gần tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm nay là 4 - 4,5% được Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Cụ thể, đến ngày 23/4/2024, tín dụng chỉ tăng 1,6% so với cuối năm 2023 nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 được Ngân hàng Nhà nước đề ra là 15%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13,71%, tương đương số vốn 1,5 triệu tỷ đồng đã được cung ứng vào nền kinh tế.

Khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế thông qua việc liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm. Đến đầu tháng 4 năm 2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm. Do đó, cần đánh giá rõ vì sao lãi suất cho vay giảm nhưng các doanh nghiệp không vay, không tiếp cận nguồn vốn vay.

Cùng đó, áp lực tỷ giá cũng tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ giá USD từ đầu năm đến nay đã tăng tới 4,9%. Chỉ số USD tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hơn 5% đã gây áp lực lớn lên đồng nội tệ của Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ và nhu cầu vốn trong nền kinh tế yếu dẫn đến dư thừa thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ có chính sách điều tiết hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, cần kiểm soát tốt lạm phát; trong đó, cần tính đến yếu tố tăng lương vào tháng 7 tới dẫn đến giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác có xu hướng tăng theo để có chính sách điều hành vĩ mô phù hợp. Đồng thời, có kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu để có thể ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ tăng cường các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

*Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang): Mục tiêu kiểm soát lạm phát tuy là áp lực những vẫn khả thi

Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài chính, hỗ trợ tiền tệ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đi qua hơn 2 năm thực hiện cho thấy, việc ban hành với nội dung chính sách là cơ bản rất đúng và trúng, đạt được mục tiêu theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. Những chính sách được đưa ra với mục tiêu không để nền kinh tế rơi vào suy thoái; đồng thời, tạo ra động lực tăng trưởng tương lai cho dài hạn.

Năm 2022, nền kinh tế đã có mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay với hơn 8%. Năm 2023 căn cứ trên nền tăng trưởng năm 2022 cao như vậy thì mục tiêu cũng đạt được mức tăng trưởng 5,05% đã là mức khá so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Điều đó để thấy rằng Nghị quyết 43/2022/QH15 hiệu quả và rất kịp thời.

Với mục tiêu lạm phát năm 2024 ở mức từ 4 - 4,5 %, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tập trung vào nhiều chính sách điều hành vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng CPI có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá mức độ lạm phát hoặc giảm phát của một nền kinh tế. Khi CPI tăng, giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên, dẫn đến lạm phát và ngược lại.

Hiện nay, xét trên thực tế từ đầu năm đến nay, về cơ bản, yếu tố biến động giá thường xuất hiện nhiều trong giai đoạn đầu năm, cụ thể là quý I – thời điểm trùng giai đoạn Tết Nguyên đán nên yếu tố chi tăng cao. Cùng đó, là sự biến động của USD so với VND cũng có sự chênh lệch lớn hơn so với năm 2023. Bên cạnh đó, một số yếu tố chi phí khác cũng tăng lên như việc điều chỉnh tăng lương cũng có thể tạo ra hiệu ứng nhất định.

Tuy nhiên, với nền kinh tế được tăng cường tính tự lực, tự cường; trong đó nông nghiệp như một trụ đỡ, xu thế thắt chặt chi tiêu, chi tiêu thận trọng vẫn tiếp diễn. Tất cả những yếu tố này cùng với việc điều hành của Chính phủ có thể CPI vẫn đảm bảo được trong mục tiêu Quốc hội đề ra. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát tuy là áp lực những vẫn khả thi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục