Bên lề Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV: Tạo sự bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp

19:10' - 21/05/2020
BNEWS Nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp và góp ý một số nội dung để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động
Xung quanh việc các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 21/5, bên lề Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp và cũng góp ý một số nội dung để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hoá): Chưa thực  sự bình đẳng giữa các thành phần doanh

Theo quan điểm của tôi, hộ gia đình hiện nay không thể bao quát hết như một doanh nghiệp vì máy móc đến hoạt động hay tài chính, bộ máy đều quá nhỏ. Hơn nữa, nếu quy định cần phải có chính sách hỗ trợ nên nếu đưa vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ không thuyết phục.

Ngoài ra, cả một thời kỳ từ bao cấp đã rất khuyến khích nhưng không thể phát triển được, nên nếu đủ điều kiện thì áp dụng Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ và nâng lên hoạt động như doanh nghiệp sẽ rất tốt.

Mặt khác, doanh nghiệp Nhà nước phải đúng nghĩa 100% vốn bởi nếu trên 50% hoặc 65% thì hoàn toàn không đúng bản chất của doanh nghiệp Nhà nước.

Chính vì vậy, cần phải tính toán rất kỹ vấn đề này. Trước đó, thời bao cấp Việt Nam chỉ có doanh nghiệp Nhà nước, sau đó đổi mới cơ chế mới chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang Cổ phần và doanh nghiệp tư nhân.

Do vậy, đến khi ban hành Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là để bình đẳng giữa các thành phần kinh tế kể cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, không nên tạo khoảng cách.

Lần này, nếu Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần phải giữ đúng bản chất của doanh nghiệp Nhà nước vì trong suốt bao nhiêu năm khi cổ phần hoá đã từng nêu rõ việc chỉ giữ lại doanh nghiệp Nhà nước với mô hình thực hiện chức năng nhiệm vụ mà các doanh nghiệp tư nhân không làm được.

Vì thế, các doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải đảm nhiệm những vấn đề đó nên phải đáp ứng đủ 100% vốn Nhà nước chứ không thể 51%; 65% cũng đỡ hơn nhưng cũng không hoàn toàn thuyết phục.

Nếu cứ giữ doanh nghiệp Nhà nước ở dạng cổ phần trên 51% thì quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước để tư nhân hoá, cổ phần hoá sẽ rất khó khăn. Bởi vậy, người ta bám lấy doanh nghiệp Nhà nước vì chưa có sự bình đẳng giữa hai thành phần doanh nghiệp.

Doanh nghiệp là doanh nghiệp, Nhà nước cũng như tư nhân và chỉ khác là doanh nghiệp Nhà nước có 100% vốn nhà nước và thực hiện các chức năng mà doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp khác không thể làm được như quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và đảm bảo nền kinh tế của đất nước.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Luật Doanh nghiệp cần tạo điều kiện thông thoáng

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trong thời gian tới sẽ làm minh bạch hoá toàn bộ quá trình từ việc thành lập đến tổ chức hoạt động, quản trị doanh nghiệp. Hơn nữa, khi thành lập doanh nghiệp có thể tự vận động trong phạm vi pháp luật cho phép.

Ngoài ra, khẳng định quyền của doanh nghiệp trong mọi hoạt động kinh doanh cũng như quy định rõ quyền lợi của thành viên tham gia thành lập doanh nghiệp dưới hai hình thức là trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

Tuy nhiên, thời gian qua công ty cổ phần có rất nhiều xung đột trong vấn đề cổ đông và hội đồng quản trị nên lần này phải rành mạch rõ ràng về quyền quản trị tới đâu, quyền cổ đông…

Cùng với đó, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần tạo điều kiện thông thoáng nhất để nâng cao năng lực quản trị và sức mạnh của doanh nghiệp trong nước để đứng vững và phát triển trên thị trường.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình): Coi hộ kinh doanh là loại hình doanh nghiệp

Có thể nói, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này cần phải tạo ra những đột phá vì Việt Nam đang bước vào giai đoạn hậu COVID-19, tái khởi động để phục hồi nền kinh tế.

Nền kinh tế thế giới sẽ diễn ra những cuộc tái cấu trúc to lớn, thay đổi các mô hình kinh doanh cũng như dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Như vậy, tính đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đổi mới phải rất cao đối với mọi nền kinh tế và các doanh nghiệp. Vì vậy, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này phải hướng tới khung khổ pháp lý thúc đẩy sự sáng tạo và khởi nghiệp này.

Tôi cho rằng có rất nhiều nội dung được đưa ra tại Kỳ họp này, trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp lần này. Tuy nhiên, một nội dung theo tôi vô cùng quan trọng chính là chính thức hoá địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, coi hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp.

Điều này sẽ giúp dỡ bỏ những rào cản, bảo vệ tốt hơn điều kiện kinh doanh cũng như tạo áp lực cần thiết thúc đẩy sự minh bạch hoá, hoạt động chuyên nghiệp để tham gia vào thị trường trong nước và toàn cầu.

Các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ đang trở thành xương sống của nền kinh tế. Do vậy, muốn trở nên hiệu quả thì khu vực doanh nghiệp này phải hoạt động minh bạch.

Hiện nay, các hộ kinh doanh đang chiếm tới 30% GDP của cả nước, khu vực này đang được coi là không chính thức và bán chính thức. Vì thế, 30% GDP nằm trong khu vực này được ví như chỉ báo cho thấy tính không chính thức và thiếu minh bạch của nền kinh tế.

Do đó, việc đưa các hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là bước đột phá bởi Luật Doanh nghiệp không chỉ là bộ luật của 800 nghìn doanh nghiệp mà còn là của hàng triệu hộ kinh doanh, cần được đối xử bình đẳng, bảo vệ trước pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong nền kinh tế số hiện nay không chỉ hoạt động trên thị trường nội địa, không chỉ tại xã, phường hay khu phố mà còn mở rộng trên phạm vi toàn cầu cũng như tương tác với đối tác trên toàn thế giới.

Chính vì vậy, điểm đột phá quan trọng có tính chất khởi nghiệp của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này chính là đưa hộ kinh doanh thành đối tượng điều chỉnh của Luật.

Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam, tiến tới nền kinh tế có nhiều triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Đây chính là động lực để tăng trưởng nền kinh tế.

Đến thời điểm hiện nay, có thể nói chỉ riêng Trung Quốc và Việt Nam các hộ kinh doanh không nằm trong sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và mới chỉ nằm trong khu vực phi chính thức.

Tại tất cả các nước khác, khi triển khai hoạt động kinh doanh đều được coi là doanh nghiệp và được điều chỉnh bởi các luật điều tiết hoạt động của doanh nghiệp.

Hiện nay, trong bộ luật hiện hành của Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân cũng chỉ là cá nhân kinh doanh chứ không có tư cách pháp nhân nhưng vấn được coi là doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hộ kinh doanh cũng là cá nhân, nhóm người kinh doanh nhưng là cá nhân làm đại diện nên cần được đối xử bình đẳng, được coi là doanh nghiệp để được bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy.

Không những thế, do hộ kinh doanh là doanh nghiệp siêu nhỏ nên không thể mang khung khổ pháp lý của doanh nghiệp lớn để áp đặt mà phải có quy định về pháp lý một cách đơn giản nhất, phù hợp với trình độ của hộ kinh doanh.

Nếu Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) làm được điều này sẽ là cú huých thúc đẩy sự phát triển của khu vực này cũng như sự phát triển 30% GDP trong nền kinh tế Việt Nam. Đáng lưu ý, khu vực này là sinh kế của hàng chục triệu người nên thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, minh bạch sẽ tạo nên động lực phát triển.

Vì vậy, tôi tin rằng Quốc hội sẽ ủng hộ quan điểm này của Chính phủ để Việt Nam có phong trào khởi nghiệp rộng khắp trong nền kinh tế và các hộ kinh doanh sẽ chứng minh được vai trò, vị thế của mình trong nền kinh tế Việt Nam và trong hội nhập đỉnh cao của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục