Bên lề Quốc hội: Ban hành Luật PPP để phù hợp với thông lệ quốc tế

12:42' - 11/11/2019
BNEWS Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. 
Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải sớm ban hành Luật này để phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút và lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực... nhằm giảm bớt gánh nặng cho đầu tư công. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

*Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Hoàn thiện nhiều nội dung trong Luật

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Uyên Hương-Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Tôi cho rằng, rất cần ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), làm sao để đưa ra một sản phẩm dịch vụ công tốt nhất cho người dân, đây là mục tiêu cơ bản cho dự thảo luật lần này.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tôi cho rằng phải giải quyết được 5 vấn đề trọng tâm mà trong luật này phải đạt được.

Thứ nhất, phải quy định rõ xem những dự án nào được thực hiện theo hình thức PPP, tránh tình trạng lẫn lộn giữa các hình thức đầu tư và các tiêu chí cho quy định này cần phải được thể hiện rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, khi xác định một dự án cần đưa vào triển khai theo hình thức PPP thì phải có được hình hài của dự án đó từ khâu khảo sát, thiết kế, điều tra, thẩm định... để đảm bảo rằng dự án này được nhiều người biết và nắm được rằng khi đầu tư dự án này thì phải làm cái gì? chi phí bao nhiêu? hiệu quả như thế nào?

Và như vậy, khâu lập dự án cần phải làm thật kỹ để tránh tình trạng như thời gian vừa qua có nhiều dự án đã đầu tư theo hình thức PPP xong, nhưng khi kiểm toán lại thì giá trị đầu tư lại không đúng như dự toán ban đầu. Hoặc là khi triển khai các hạng mục, kỹ thuật, lợi ích không được như dự toán.

Một vấn đề nữa, để thu hút được các nhà đầu tư tư nhân thì cần phải có cơ chế đảm bảo quyền lợi, tránh rủi ro cho nhà đầu tư. Đây chính là nội dung chia sẻ lợi ích và rủi ro, đây cũng là nội dung trọng tâm của Luật PPP.

Đồng thời Luật cũng cần phải đưa ra các quy định, tiêu chí để lựa chọn được đúng nhà đầu tư có tiềm lực về nguồn vốn, kinh nghiệm để đẩy nhanh được các dự án cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Cuối cùng, khi có dự án rồi thì cần phải có cơ chế giám sát quá trình đầu tư và vận hành dự án. Bởi đây thực chất là một dự án đầu tư công và mang lại lợi ích công cho người dân. Khi người dân trả tiền để hưởng dịch vụ đó thì người dân cũng có quyền tham gia giám sát.

*Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Phù hợp với thông lệ quốc tế

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Theo tôi, một trong những lý do có dự án theo hình thức PPP là khi đất nước phát triển thì kèm theo đó phải đầu tư công rất nhiều, nhất là kết cấu hạ tầng, năng lượng, giáo dục, y tế... Vốn đầu tư công sẽ tăng, dẫn đến nợ công tăng. Do đó, để giải quyết bài toán vừa đầu tư đáp ứng được việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, năng lượng, y tế..., vừa kéo giảm nợ công thì Luật PPP ra đời, tức là hợp tác công tư.

Trước đây Việt Nam đã triển khai bằng nhiều Nghị định của Chính phủ và bây giờ luật hoá các quy định đó để đưa Luật PPP vào cuộc sống chuẩn mực hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, tôi cho rằng rất cần thiết phải có luật PPP và trong luật này sẽ ban hành rất cụ thể để có thể triển khai các hình thức hợp tác công tư trong đầu tư.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định rõ đối với những lĩnh vực nào có thể triển khai hợp tác công tư; hay quy định thêm việc giới hạn số tiền đầu tư cho từng dự án cụ thể để triển khai; thậm chí cũng có nội dung chia sẻ rủi ro đối với nhà đầu tư khi triển khai.

Đối với quy định chia sẻ rủi ro thì sẽ có 2 mặt, nếu nhà đầu tư vượt doanh thu dự kiến thì phải chia sẻ lại cho nhà nước; còn nếu hụt doanh thu thì nhà nước sẽ chia sẻ lại. Nó phải đảm bảo sự công bằng và luật phải quy định rõ 2 điểm đó.

Ngoài ra luật cũng giới hạn các lĩnh vực mà có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tức là luật thể chế hoá một cách cụ thể hơn Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài.

Khi luật hoá một cách cụ thể, minh bạch thì sẽ thu hút được nhà đầu tư ngoài nhà nước. Có thể hình dung một bên là của nhà nước và một bên là ngoài nhà nước. Ngoài nhà nước không có nghĩa là tư nhân mà có thể là các công ty cổ phần có vốn nhà nước tham gia vào đầu tư để giảm đầu tư công mà vẫn triển khai được các dự án.

Tôi cho rằng, nếu luật này được hoàn thiện một cách chuẩn mực thì sẽ tạo điều kiện phát triển trở lại các hợp tác PPP. Bởi thời gian qua, việc triển khai các dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) gặp rất nhiều trở ngại; thậm chí có môt số dự án phải dừng. Do đó, cần phải sớm thông qua Luật PPP để thực hiện các dự án theo hình thức này.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện Luật PPP cũng cần kết hợp với Luật Xây dựng, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)..., làm sao để có sự kết hợp hài hoà giữa các luật đó nhằm tránh xung đột./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục