Bên lề Quốc hội: Chấp nhận hy sinh một vài chỉ tiêu kinh tế để phòng chống dịch

17:11' - 25/07/2021
BNEWS Bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, phóng viên BNEWS/TTXVN đã trao đổi với các đại biểu về các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Ngày 25/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các đại biểu về các nội dung đang bàn thảo này.

*Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình): Trong trường hợp cấp thiết phải chấp nhận hy sinh một vài chỉ tiêu kinh tế

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, với 70.209 doanh nghiệp, tăng gần 25% so với cùng kỳ; trong đó, có 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.

Tôi cho rằng, việc này không ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm. Bởi, thực tế trên thị trường có những doanh nghiệp giải thể thì cũng có những doanh nghiệp thành lập mới.

Quan trọng là chúng ta phải biết ưu tiên làm gì trong giai đoạn hiện nay. Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cần có chỉ đạo, điều hành linh hoạt trong việc lúc nào ưu tiên phòng, chống dịch, lúc nào ưu tiên phát triển kinh tế, ở địa phương nào thì ưu tiên sản xuất kinh doanh…

Đôi khi chúng ta phải chấp nhận hy sinh một vài chỉ tiêu kinh tế để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cũng như sức khoẻ cho người dân, thậm chí cộng đồng, xã hội; không nên chạy theo bằng được các chỉ tiêu kinh tế đề ra, chưa nói đến thực hiện mục tiêu kép cũng như các chỉ tiêu tăng trưởng khác.

Về phía các doanh nghiệp, Chính phủ đã có những gói hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động với những điều kiện cởi mở hơn, tiệm cận với thực tiễn hơn, tránh tình trạng chính sách hỗ trợ an sinh xã hội nhưng người làm không dám làm, người hưởng không được hưởng do vướng mắc về thủ tục, giấy tờ.

Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID–19. Nhờ đó, doanh nghiệp hiện đã khoanh được nợ, điều chỉnh được nợ, cơ cấu lại nợ. Tuy nhiên, ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên cũng cần có sự bảo đảm về hoạt động

Đơn cử, trong vấn đề hạ lãi suất của ngân hàng, tôi cho rằng, Chính phủ nên xem xét việc lấy ngân sách để bảo lãnh trong thời gian tới. Vì, ngân hàng chỉ có thể hạ lãi suất cho vay tới một mức nào đó, nếu vì đại dịch mà phải hạ nữa hay khoanh nữa, giãn nợ nữa cho doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của ngân hàng, cũng chính là một nhóm doanh nghiệp trong nền kinh tế.

*Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Nhanh chóng bắt tay triển khai các dự án đầu tư công

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức, ngày 1/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 với gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng. Việc ban hành gói hỗ trợ này cho thấy sự điều hành linh hoạt của Chính phủ trong việc tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.

Song, theo tôi cần tăng cường các chính sách an sinh xã hội, có thêm một gói hỗ trợ nữa để giúp người dân, người lao động cũng như doanh nghiệp trong khi thời gian thực hiện giãn cách có thể kéo dài. Gói hỗ này sẽ giúp cách doanh nghiệp giữ chân người lao động trong thời gian tạm ngừng hoạt động.

Để ngày sau khi thị trường bình thường trở lại, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng bắt tay vào phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, không mất công đào tạo lại lao động, đặc biệt các lao động chất lượng cao.

Về giải pháp dài hạn, bộ, ngành và địa phương cần nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư công ngay khi Quốc hội thông qua để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động ; đồng thời, tạo ra năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Cùng với đó, chúng ta sớm rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế, nhất là thể chế thị trường nhằm tháo gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy hoạt động đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Riêng về đầu tư, cần quan tâm hơn đến đầu tư hạ tầng đồng bộ tại các điểm kết nối mang tính chất liên vùng như các đường vành đai 3 - 4 tại Hà Nội, đường vành đai 3, 4 tại Đông Nam Bộ bao gồm Tp. Hồ Chí Minh. Qua đó tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, đóng góp vào phát triển chung cho đất nước.

*Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre): Cần tính đến các gói hỗ trợ dài hạn, chuyển đổi số để phát triển kinh tế số

Từ khi dịch bệnh xuất hiện tại nước ta, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều gói hỗ trợ, từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 năm 2020 và mới đây nhất năm 2021 là gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68.

Về cơ bản, các gói hỗ trợ đã bảo đảm vấn đề an sinh xã hội, đời sống cho người dân, người lao động; tuy nhiên, tôi quan tâm việc có một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để làm sao họ có nguồn lực để có thể quay khó trở lại sản xuất.

Thực tế, làn sóng dịch COVID lần này có tác động rất mạnh đến các doanh nghiệp, đặc biệt khi thiệt hại từ các đợt dịch trước chưa được cải thiện, chuỗi cung ứng đứt chưa kịp phục hồi.

Nhiều doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động bình thường, phải tạm ngừng kinh doanh, mất thị trường, nguồn lao động. Nếu muốn khôi phục sản xuất kinh doanh phải cần rất nhiền vốn để kết nối lại chuỗi cung ứng, thuê tuyển lao động, tìm kiếm khách hàng…

Hiện các gói hỗ trợ thông qua ngân hàng chỉ dừng ở mức cơ bản, mà nếu các gói hỗ trợ chỉ mang tính chất ngắn hạn như vậy thì rất khó giải quyết triệt để vấn đề của doanh nghiệp.

Trong khi đó, doanh nghiệp là thành phần quan trọng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho trong người dân, giải quyết vấn đề đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nói cách khác, muốn thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế mà không tính đến các biện pháp hỗ trợ dài hạn thì khó tục đẩy tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh những khó khăn do dịch bệnh mang lại, chúng ta cần nhìn vào những cơ hội được tạo ra trong giai đoạn này. Đó là nền kinh tế số với giao dịch trực tuyến không ngừng tăng cả trong và ngoài nước mang lại giá trị thương mại cao.

Đã đến lúc, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình chuyển đối số quốc gia, cải cách chất lượng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trên mạng, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục