Bên lề Quốc hội: Đổi mới tư duy, đồng hành cùng kinh tế tư nhân

15:19' - 12/05/2025
BNEWS Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, đặc biệt quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thúc đẩy phát triển xã hội có tư tưởng khởi nghiệp...

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết: Động lực mới cho phát triển kinh tế; trong đó, nhấn mạnh việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các công tác sớm đưa Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, đặc biệt quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thúc đẩy phát triển xã hội có tư tưởng khởi nghiệp, khát vọng làm chủ, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 12/5, các đại biểu Quốc hội đã trao đổi xung quanh về các vấn đề như sớm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW thành chính sách cụ thể; đảm bảo môi trường pháp lý minh bạch, không hình sự hóa các hành vi kinh tế thuần túy. Đây sẽ là chìa khóa giúp khơi thông năng lực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển bền vững và đóng góp hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng, hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam phát triển, hùng cường, thịnh vượng trong thời đại mới.

*Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh): Cần chính sách và con người hành động

Trước kỳ họp này, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết rất quan trọng; trong đó, có Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và mục tiêu kinh tế tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới rất cần chính sách vượt trội cho kinh tế tư nhân. Cùng với đó là Nghị quyết số 68-NQ/TW khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Những nghị quyết này đã trở thành cơ sở chính trị then chốt để Quốc hội thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng thành những điều khoản đột phá trong hệ thống pháp luật. Thực tế cho thấy, các dự thảo luật hiện nay như dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã tích hợp nhiều nội dung quan trọng từ các nghị quyết của Đảng. Ví dụ liên quan đến chính sách thuế, nhiều quy định mới đã được bổ sung theo hướng ưu đãi mạnh hơn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và các hoạt động khoa học – công nghệ. Theo đó, việc cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 20% để lập quỹ phát triển khoa học – công nghệ, thay vì giới hạn ở mức 5% hoặc 10% như trước. Đây là một thay đổi rất đáng chú ý, thể hiện tinh thần đổi mới và khuyến khích đầu tư vào tri thức, công nghệ.

Trong các nội dung Nghị quyết số 68-NQ/TW, điều tôi tâm đắc nhất là tư duy đổi mới trong cách nhìn nhận về kinh tế tư nhân. Không chỉ dừng lại ở thể chế hóa bằng các điều luật, điều quan trọng là tư duy này cần được thẩm thấu vào nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến địa phương để các chính sách, luật pháp thực sự đi vào cuộc sống hiệu quả.

Thực thi pháp luật không chỉ phụ thuộc vào quy định trên giấy, mà còn phụ thuộc vào cách tổ chức thực hiện. Tôi kỳ vọng, các nghị định hướng dẫn sắp tới sẽ cụ thể hóa tốt các điều khoản mà Quốc hội đã thông qua. Từ đó, góp phần đưa các nghị quyết của Đảng thực sự trở thành hiện thực sinh động trong đời sống kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, yếu tố quyết định vẫn là con người do đó, thời gian tới, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và các cấp ủy Đảng sẽ tập trung quán triệt sâu sắc những nội dung cốt lõi của các nghị quyết chiến lược. Đặc biệt là 'bộ tứ nghị quyết' về khoa học – công nghệ, hội nhập quốc tế, hoàn thiện thể chế pháp luật và phát triển kinh tế tư nhân để thẩm thấu vào tư duy, hành động của cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết số 68-NQ/TW là một nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng một đất nước phát triển, có thu nhập cao trong tương lai gần. Chính phủ và Quốc hội đang thể hiện rõ quyết tâm chính trị mạnh mẽ, đồng hành cùng làm việc ngày đêm, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật từ các phiên họp của Thủ tướng đến các phiên làm việc của Ủy ban Quốc hội nhằm đẩy nhanh tiến độ cụ thể hóa các chủ trương đổi mới từ tầm nhìn, trí tuệ đến hành động. Tất cả những điều đó đều hướng đến một mục tiêu chung: xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc – sớm đạt trình độ phát triển cao trong thời đại mới.

 

*Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Tự quyết nhưng không thể thiếu định hướng từ Nhà nước

Kinh tế tư nhân có đặc thù rất khác so với doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước thường chịu sự định hướng chiến lược từ Nhà nước, còn khu vực kinh tế tư nhân thì phần lớn tự quyết định, tự định hướng phát triển. Điều này có thể dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp tư nhân thiếu phương án cụ thể, không xác định rõ mục tiêu phát triển phù hợp với định hướng chung của quốc gia.

Mặc dù là khu vực tư nhân, nhưng Nhà nước vẫn mong muốn các doanh nghiệp tư nhân phát triển theo định hướng chiến lược quốc gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp tư nhân quốc gia là cần thiết. Hội đồng này sẽ đóng vai trò định hướng, tư vấn chiến lược cho khu vực kinh tế tư nhân, từ đó giúp hình thành một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển có trật tự, hiệu quả và đúng hướng.

Khi đã có định hướng rõ ràng, Nhà nước có thể ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đi theo định hướng đó. Những doanh nghiệp tiên phong, phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia sẽ trở thành các "doanh nghiệp đầu đàn", đóng vai trò dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp khác trong cùng ngành hoặc chuỗi giá trị. Điều này sẽ khắc phục tình trạng hiện nay khi khu vực tư nhân cạnh tranh tự phát, thiếu định hướng và làm giảm sức mạnh tổng thể của nền kinh tế.

Thực tế đã cho thấy, nếu xác định được đâu là doanh nghiệp chủ lực, doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp hỗ trợ thì sẽ tạo ra một sức mạnh hợp lực, góp phần vào sự phát triển ổn định của các ngành, lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam đã có Nghị quyết số 68-NQ/TW định hướng cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Sắp tới, Quốc hội cũng dự kiến ban hành một nghị quyết về tạo lập khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế tư nhân. Khu vực này hiện đang là đối tượng điều chỉnh của nhiều đạo luật khác nhau và về cơ bản, các khung pháp lý hiện hành đã phần nào đáp ứng được yêu cầu điều tiết.

Tuy nhiên, nếu xây dựng một Luật riêng về phát triển kinh tế tư nhân thì bản chất cũng là việc tổng hợp, hệ thống hóa các quy định đang nằm rải rác trong các luật chuyên ngành thành một bộ luật thống nhất. Đây là một điều kiện tốt để tạo sự rõ ràng và đồng bộ, nhưng tôi cho rằng hiện tại chưa phải thời điểm cấp bách để ban hành luật riêng.

Trong bối cảnh hệ thống pháp luật đang được tiếp tục hoàn thiện, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc có nên xây dựng luật riêng không. Nếu cơ chế điều tiết hiện hành đã đầy đủ và hiệu quả thì có thể chưa cần thiết phải hình thành một bộ luật riêng về kinh tế tư nhân trong thời điểm này.

 

*Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh): Phát huy đồng thời hai động lực tăng trưởng

Tôi cho rằng cần nhanh chóng triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW một cách thực chất, đưa nghị quyết vào cuộc sống nhằm phát huy đồng thời hai động lực tăng trưởng quan trọng là đầu tư công và khu vực kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, nhất quán trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và khởi nghiệp. Nghị quyết số 68-NQ/TW tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng đông đảo nhất trong nền kinh tế có khả năng chuyển đổi linh hoạt, thích ứng nhanh và luôn đi đầu trong đổi mới nếu được hỗ trợ đúng hướng.

Tuy nhiên, cần có chính sách khuyến khích các lĩnh vực kinh tế đang hoạt động hiệu quả như nông nghiệp và một số ngành xuất khẩu chủ lực nhằm tận dụng tối đa các tiềm năng hiện có để thúc đẩy tăng trưởng. Với tinh thần quyết tâm cao và ý chí mạnh mẽ, cộng với việc huy động hiệu quả các nguồn lực từ đầu tư công đến đầu tư tư nhân, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Trên tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW, Quốc hội cần sớm ban hành các nghị quyết cụ thể, đồng thời tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành nhằm tạo đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân; trong đó, có vấn đề không hình sự hóa các tranh chấp, vi phạm thuần túy mang tính hành chính kinh tế. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới thực sự yên tâm, tin tưởng và mạnh dạn đầu tư, đóng góp tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục