Bên lề Quốc hội: Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó, phát triển

17:12' - 29/05/2024
BNEWS Nhiều đại biểu nêu ý kiến về việc cần quan tâm đến tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường để có giải pháp hỗ trợ.

Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Chia sẻ bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu nêu ý kiến về việc cần quan tâm đến tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường để có giải pháp hỗ trợ; đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Giúp doanh nghiệp vượt khó khăn và phát triển

Một số đại biểu bày tỏ thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; đánh giá, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm…

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao những giải pháp Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn. Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Chính phủ cũng trình việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%; cùng với đó tiếp tục cơ cấu nợ, ổn định tỷ giá, ổn định lãi suất kiểm soát lạm phát.

Đại biểu cho biết, thế giới ngày nay biến đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, kể từ khi có đại dịch COVID-19, do đó cần phải có những giải pháp tương thích. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu hiện biến động khó lường, khó đoán định, bất định, vì vậy phải tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo. Mặt khác, với tình hình giá cả biến đổi nhanh nên thủ tục trong đầu tư công về tổng vốn đầu tư hay thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần sớm luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù.

Cũng theo đại biểu, kinh tế thế giới ngày nay xuất hiện nhiều hình thức nên dễ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, đại biểu cho rằng phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế, cần quan tâm đến thị trường nội địa, đặc biệt phải ưu tiên xúc tiến thương mại đối với thị trường nội địa, thị trường lân cận, thị trường khu vực ASEAN.

Đại biểu bày tỏ lo lắng về những tồn tại hiện nay, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhiều dự án đầu tư còn dở dang; đồng thời đề nghị khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống để giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật điều chỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng, trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết; đồng thời đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu…

Quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, Chính phủ đã rất thẳng thắn nhìn lại toàn bộ kết quả thực hiện của mình, từ đó phân tích đánh giá kỹ các chỉ tiêu chưa đạt, đưa ra các giải pháp khả thi. Đại biểu đồng tình với 12 nhóm giải pháp trong báo cáo của Chính phủ, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Mức tăng 3,65% trong năm 2023 thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6,35%, giai đoạn 2016-2019. Một trong các nguyên nhân do chất lượng nguồn nhân lực, thiếu hụt kỹ năng nghề, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Tuy nhiên, có một nguyên nhân ngắn hạn khá quan trọng đó là môi trường kinh doanh và thể chế, làm giảm hiệu quả của các hoạt động kinh tế.

Về 3 trụ cột tăng trưởng (đầu tư-tiêu dùng-xuất khẩu), đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích sâu các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến trụ cột đầu tư chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc giải ngân đầu tư công tại các địa phương, Bộ, ngành; giải trình thêm về tiến độ chậm trễ trong phê duyệt các dự án ODA của các nhà tài trợ, kể cả nguồn vốn tài trợ không hoàn lại; làm rõ những yếu tố nào cần Quốc hội tháo gỡ sớm, những yếu tố nào Chính phủ, và các bộ, ngành cần quan tâm trong đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này?

“Tôi đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo UBND cấp tỉnh, thành phố nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tất cả nguồn vốn”, đại biểu nhấn mạnh.

Trước tình hình tiêu dùng trong nước có xu hướng tăng rất chậm, đại biểu đề nghị Chính phủ có những "cú huých" mạnh cho kích cầu tiêu dùng, khẩn trương đưa ra lộ trình tiếp tục giảm thuế VAT, rõ ràng và có kỳ hạn đủ dài, ít nhất là 1 năm, tránh quá ngắn và điều chỉnh liên tục như hiện nay để tăng hiệu quả kích cầu; cân nhắc điều chỉnh tăng, giảm một số nguồn thuế cho phù hợp, tận dụng tối đa mọi chính sách trong ngắn hạn để kích thích tiêu dùng kể cả chi tiêu của Chính phủ. Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu mở rộng tín dụng tiêu dùng cho phù hợp.

Đại biểu cho rằng, tình trạng xuất siêu hàng hóa, nhập siêu dịch vụ vẫn gia tăng, xuất khẩu dịch vụ còn hạn chế, nhất là dịch vụ vận tải biển, chưa tận dụng hiệu quả lợi thế địa lý với tiềm năng bờ biển dài, nhiều cảng nước sâu. Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ những xu hướng, rào cản trong mở rộng xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là các yếu tố phi thuế quan hoặc xu hướng thương mại xanh, bền vững hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hiệu quả thực thi các hiệp định cũng như kết quả về xuất khẩu trong giai đoạn tới, các giải pháp của Chính phủ là gì để ứng phó với các rào cản thương mại mới này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục