Bên lề Quốc hội khóa XIV: Khả năng năm 2017 đạt và vượt 13 chỉ tiêu kế hoạch

16:29' - 24/10/2017
BNEWS Hầu hết ý kiến đại biểu cho rằng với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 Việt Nam có khả năng đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong phiên thảo luận tại tổ sáng 24/10 của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, hầu hết ý kiến đại biểu bày tỏ nhất trí với báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và cho rằng với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 Việt Nam có khả năng đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đây là thành công lớn của đất nước bởi, các ngành, lĩnh vực đều có bước tăng trưởng khá, có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đại biểu Vương Đình Huệ, Đoàn Hà Tĩnh: Tăng trưởng không phụ thuộc vào tài nguyên

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện không phụ thuộc vào tài nguyên dầu thô và than đá. Bởi công nghiệp khai khoáng đang giảm sâu. Năm 2017, sản lượng khai thác dầu thô đặt ra là 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016, so với năm 2015 giảm 4,54 triệu tấn, trong khi đó, cứ 1 triệu tấn dầu thô bằng 0,25% GDP.

Điều đáng mừng thứ nhất là sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tăng rất mạnh. Điều này không chỉ bù đắp cho sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng, mà nó thực sự là động lực tăng trưởng của 9 tháng, nhất là quý III. Điện tử linh kiện và máy tính xuất khẩu tăng 41,4%, ngành xây dựng tăng từ 9-9,5%, do đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị cũng như các dự án của FDI.

Mức tăng trưởng chung của cả ngành xây dựng năm 2017 dự kiến đạt từ 7,5-8%. Dịch vụ năm 2017 bứt phá với mũi nhọn du lịch và tăng trưởng đồng đều ở tất cả các lĩnh vực.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Đoàn Cao Bằng). Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn Cao Bằng: Nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị

Theo báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, kết quả đã và dự kiến sẽ đạt được cho năm 2017 là điều rất phấn khởi. Có được kết quả như vậy ngoài sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, là sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị ngay từ đầu thập kỷ.

Trước tiên, chúng ta đã nhận diện được những hạn chế, yếu kém, tồn tại trong nền kinh tế. Từ đó đề ra các giải pháp kịp thời như: hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách kinh tế; tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cắt giảm thủ tục cũng như các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp đồng thời phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô.

Với tất cả những yếu tố và giải pháp tổng hợp đó đã tạo nên kết quả bước đầu cho năm 2017. Tôi hoàn toàn tin tưởng, trong những tháng cuối năm chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu đề ra.

Ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa như ở Cao Bằng, điều kiện đi lại rất khó khăn, dân cư thưa thớt, địa hình không thuận lợi, nên rất khó thu hút doanh nghiệp tới để đầu tư. Vì vậy, Nhà nước cần giữ vai trò chủ chốt trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng; tìm những thế mạnh của địa phương và có những cơ chế chính sách hấp dẫn để tập trung thu hút các doanh nghiệp. Đồng thời, cũng cần có chính sách hỗ trợ để người dân nơi đây vươn lên, thoát nghèo và phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Để phát triển kinh tế một cách bền vững, tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Đồng thời, đôn đốc việc giải ngân, đặc biệt đối với những dự án có nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách. Chẳng hạn như chủ trương tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là chủ trương rất lớn cần được quán triệt từ Trung ương đến địa phương, đó chính là nền tảng phát triển bền vững.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn Thái Bình: Cần cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực trong dân

Hiện nay, nguồn lực trong dân là rất lớn nhưng tại sao chúng ta không thu hút được trong khi các Tổng Công ty, Tập đoàn làm rất giỏi vấn đề này.

Do đó, tôi cho rằng cần phải có cơ chế đặc thù trong việc thu hút nguồn lực trong dân, hơn là phải đi vay ODA. Bởi khi vay ODA có nhiều điều khoản mà doanh nghiệp không đáp ứng được. Trong khi đó, nếu huy động nguồn lực trong dân kể cả trả lãi suất với mức cao 6% thì chính người dân được hưởng. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất này để huy động được nguồn lực lớn trong dân.

Liên quan đến đất đai, tôi không ủng hộ với việc làm sổ đỏ như hiện nay. Bởi chúng ta tốn khá nhiều tiền trong việc in sổ đỏ, trong khi đó, khoa học kỹ thuật phát triển, nên việc làm sổ đỏ là không cần thiết. Việc này nhiều nước đã làm rồi và họ chỉ tôn trọng bản hợp đồng có công chứng giữa người bán và người mua. Họ mã hoá hợp đồng đó, từ đó đưa toàn bộ dữ liệu vào toà án. Nếu có người thứ 3 mua thì trên cơ sở dữ liệu đó, người mua có thể tìm thấy dữ liệu về mảnh đất, căn nhà đó...và điều này giảm được nhiều cơ chế.

Trong khi đó, hiện nay, tình trạng làm giả sổ đỏ rất tinh vi, thế chấp ở nhiều nơi, hệ lụy về vấn đề này là rất nhiều.

Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta có 5 triệu hộ kinh doanh; trong đó, có 1,7 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, còn 3,3 triệu hộ không có. Trong khi đó, nếu đã kinh doanh thì phải đóng thuế. Vậy 3,3 triệu hộ kinh doanh này Nhà nước không quản lý được, dẫn đến thất thu thuế rất nhiều. Nếu không quản lý được thì chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp sẽ không đạt được, bởi họ đứng ngoài sẽ có lợi hơn nhiều.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh ở ngoài sẽ phải nộp các khoản phí không chính thức, trong khi đúng ra khoản phí đó phải nộp về cho Nhà nước. Điều này sẽ rất lãng phí. Ví dụ, nếu thu mỗi hộ 1 triệu đồng/tháng thì ta sẽ thu về hơn 400.000 tỷ đồng/năm. Điều này chúng ta đang bỏ ngỏ và hiện nay, Thái Bình đang khảo sát làm thí điểm việc này. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu làm việc với Chính phủ về vấn đề này bởi nguyên tắc kinh doanh là phải đóng thuế. Nếu làm tốt thì đấy là nguồn thu rất lớn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Tp. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Việc Chính phủ phê duyệt mức tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, nhiều đại biểu rất lo lắng rằng Chính phủ sẽ không đạt được mục tiêu trên. Nhưng bằng sự nỗ lực quyết tâm của Chính phủ và cả hệ thống chính trị thì năm nay chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng 6,7%. Điều quan trọng là chúng ta đạt được mục tiêu kép, đó là vừa đảm bảo kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát, kéo giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá tạo niềm tin vào đồng tiền.

Một điểm nữa là giữ được mức trần nợ công mà trước đó chúng ta rất lo lắng. Như vậy, sẽ kéo giảm được từ 63,6% GDP xuống còn 62,6% GDP, đó là sự nỗ lực mà chúng ta đã kiểm soát được, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng lo lắng những yếu tố có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu, FDI của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này luôn thấy có hai mặt, về mặt tích cực thì ta thấy là tốt, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài, cho nên họ đã đến Việt Nam, cùng với Việt Nam phát triển kinh tế.

Một điểm đáng lo nữa là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta cần phải có quyết sách cụ thể hơn. Chẳng hạn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có nhưng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng chưa rõ.

Nếu các chính sách này cụ thể hơn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn, có điều kiện đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung. Đồng thời, tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 là kinh tế tư nhân giữ vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tôi cho rằng, các đại biểu quốc hội cũng đặt ra vấn đề Chính phủ cần tiếp tục phát huy những gì đang làm tốt và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phải đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước và gắn với nó là phải bắt buộc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, phải cải cách hành chính tốt hơn, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị một cách hiệu quả và hiệu lực hơn. Việc thực thi pháp luật cũng phải được triển khai một cách nghiêm minh. Trên cơ sở đó, phát huy được kết quả đã đạt đươc; trong đó, chú ý đến việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là lực lượng, nội lực của nền kinh tế cần phải được chung sức.

Còn đối với kế hoạch kinh tế - xã hội mà Chính phủ đặt ra cho năm 2018 là tăng trưởng đạt từ 6,5 - 6,7% , tôi cho rằng phải đặt quyết tâm là 6,7%. Bởi tổng vốn đầu tư xã hội là phải ở mức từ 33-34%, trong khi năm 2017, mức vốn đầu tư xã hội chỉ đặt ra ở mức 31,5%, chúng ta ước tính là khoảng 33,4% và đóng góp làm tăng GDP là 6,7%. Vậy, năm 2018, tổng vốn đầu tư xã hội đặt ra là 33-34%, tương thích với năm 2017 thì tốc độ tăng trưởng phải từ 6,7% trở lên mới hợp lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục