Bên lề Quốc hội: Lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu cho dự án sân bay Long Thành

15:41' - 24/10/2019
BNEWS Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã chia sẻ về việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án sân bay Long Thành và giải pháp khắc phục tình trạng chậm tiến độ hiện nay.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có số vốn đầu tư gần 112.000 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD) và thời gian thực hiện kéo dài 5 năm từ 2020 - 2025. Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã chia sẻ về việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án sân bay Long Thành và giải pháp khắc phục tình trạng chậm tiến độ hiện nay.

* Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị): Quan trọng là lựa chọn nhà đầu tư 

Theo quan điểm cá nhân tôi, phải xuất phát từ mục tiêu xây dựng sân bay để giải toả áp lực về vận tải hàng không, nhất là trong giai đoạn hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất đang phải chịu nhiều áp lực. Ngoài ra, việc lựa chọn nhà đầu tư cũng rất quan trọng, nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là kết cấu hạ tầng hệ thống sân bay.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Bên cạnh việc phát triển hệ thống kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội thì vấn đề đặt ra là phải đáp ứng được yêu cầu về quốc phòng và an ninh. Thực tế cho thấy, tất cả các sân bay hiện đều là "lưỡng dụng" nhằm phục vụ cho cả kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Chính vì vậy, đây là một trong những mục tiêu hết sức quan trọng.

Xét về đầu tư quản lý sân bay trong nước, Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang quản lý toàn diện 21 sân bay và duy chỉ có sân bay Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư. Song tất cả các hoạt động phục vụ đều có sự hỗ trợ của ACV trong việc xử lý, vận hành. Do đó, ACV dường như là doanh nghiệp duy nhất có thể tổ chức vận hành Cảng hàng không Việt Nam.

Vì vậy, để thực hiện dự án sân bay Long Thành, tôi đồng tình lựa chọn các nhà đầu tư trong nước có đủ năng lực huy động vốn, đủ năng lực khai thác, vận hành có hiệu quả về kinh tế và đáp ứng yêu cầu về quốc phòng và an ninh.

Hiện nay, trong Luật Đấu thầu quy định rõ, đặc biệt là việc chỉ định nhà đầu tư tại khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu. Cùng với đó, Luật Đấu thầu cũng quy định việc lựa chọn nhà đầu tư thẩm quyền phụ thuộc vào Chính phủ và Thủ tưởng Chính phủ quyết định.

Những gì Luật chưa quy định thì mới phải xin ý kiến và thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những gì đã có trong Luật thì cứ theo Luật để triển khai.

Phương án đấu thầu hiện có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nếu không lựa chọn được nhà thầu nào đáp ứng được mục tiêu đề ra thì rất khó cho việc quản lý, ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Do vậy, ngoài việc tìm nguồn vốn trong thời gian trước mắt thì vấn đề quan trọng là chọn được nhà đầu tư và sự phối hợp giữa các bên liên quan.

* Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An): Tháo gỡ "nút thắt" trong giải phóng mặt bằng

Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải rất tích cực trong việc triển khai dự án sân bay Long Thành, nhưng điều tôi lo ngại nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng với hơn 5.000 ha.

Hiện tại, việc giải phóng mặt bằng đã giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư và UBND tỉnh giao lại cho UBND huyện Long Thành. Tuy nhiên, đây là một dự án lớn mang tính quốc gia nên không thể để cho huyện Long Thành thực hiện.

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Nếu giải phóng mặt bằng một lần không xong và phải thực hiện theo từng giai đoạn sẽ khiến việc triển càng thêm khó khăn và phức tạp, nhất là khu tái định cư cho người dân trong khu vực này hiện vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Câu hỏi đặt ra lúc này là người dân sẽ đi đâu khi chưa có khu tái định cư?. Do đó, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thì phải triển khai đồng thời khu tái định cư cho người dân.

Thực tế cho thấy, dự án đã được bố trí vốn giai đoạn 2017 - 2018, nhưng đến nay theo tính toán mới chỉ giải ngân được khoảng 2% và con số này nằm trong phần chi phí thuê tư vấn. Đặc biệt, việc chi trả đền bù cho các hộ dân trong khu vực phải giải phóng mặt bằng cũng chưa được thực hiện.

Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai cho thấy, đến hết năm 2020 sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai các hạng mục của dự án. Dù vậy, dự án mới đang trong giai đoạn áp giá đền bù giải phóng mặt bằng, trong khi đó chỉ còn hơn 2 tháng là kết thúc năm 2019. Rõ ràng, từ nay đến cuối năm phải giải ngân trên 1.500 tỷ đồng là điều bất khả thi.

Theo tôi, nếu không làm tốt khâu giải phóng mặt bằng sẽ tạo ra những hệ lụy không đáng có. Do đó, lúc này rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai trong công tác giải phóng mặt bằng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục