Bên lề Quốc hội: Luật PPP cần rõ ràng để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh

11:36' - 27/05/2020
BNEWS Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 11 chương, 105 điều.
Bộ Giao thông Vận tải công bố danh mục 8 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Theo kế hoạch, ngày mai (28/5), tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận về một số ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan soạn thảo dự thảo luật này cho biết, đây là dự án luật thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư, doanh nhân. Do đó, mọi cơ chế, chính sách quy đinh tại luật phải thật rõ ràng để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh.

Cơ quan soạn thảo Luật cho biết, dự thảo Luật PPP trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 11 chương, 105 điều.

Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, quy định này đã được bổ sung, chỉnh lý theo hướng chỉ những lĩnh vực đầu tư công do Nhà nước chịu trách nhiệm nhưng doanh nghiệp không làm được hoặc không đủ khả năng để làm mới áp dụng hình thức PPP, có sự hỗ trợ của Nhà nước như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư.

Về quy mô đầu tư dự án PPP, đối với những công trình đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và lĩnh vực y tế, giáo dục thì tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng; các dự án khác không thấp hơn 200 tỷ đồng.

 
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án để Quốc hội thảo luận. Theo đó, phương án 1 là: khi tăng hoặc giảm doanh thu thì chia sẻ theo tỷ lệ 50/50. Phương án 2 là khi doanh nghiệp bị thua lỗ mà xuất phát từ nguyên nhân do Nhà nước thay đổi quy hoạch, chính sách pháp luật thì Nhà nước hỗ trợ bù lỗ không quá 50% số lỗ, khi doanh nghiệp phát sinh lãi lớn hơn phương án dự kiến thì Nhà nước được hưởng 50% số lãi tăng thêm.
 
Cơ quan soạn thảo Luật cho biết, quá trình xây dựng Luật PPP trong 2 năm qua nhận được sự ủng hộ, quan tâm rất lớn của cơ quan chính phủ, cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Cơ quan soạn thảo cũng đã tổ chức trao đổi nhiều lần với cộng đồng tài trợ, cộng đồng doanh nghiệp, nhiều ý kiến góp ý từ những góc độ khác nhau.
 
Tuy nhiên có một số vấn đề dự thảo Luật chưa thể đáp ứng hết các đề xuất. Ví dụ như: đề xuất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị về hạn mức bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ. Khi Việt Nam mới thu hút đầu tư nước ngoài, nền kinh tế thị trường sơ khai, giao dịch quốc tế ít, quản lý ngoại hối chặt chẽ, nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu có bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ. Nhưng đến nay nền kinh tế Việt Nam mở đến 200%, nếu vẫn đặt vấn đề này sẽ rất khó khăn cho cơ quan Chính phủ trong giải trình ra Quốc hội. Nếu Quốc hội chấp thuận ở mức 30% đã là mức ưu ái rất lớn cho dự án PPP…
 
Bên cạnh đó, kiến nghị của ADB đề xuất giữ lại Điều 3 tại dự thảo Luật cũ, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với tinh thần đảm bảo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án PPP, dự thảo cũ có quy định về ưu tiên áp dụng Luật PPP tại Điều 3 đối với một số nội dung đặc thù của phương thức PPP. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, quy định này cần thiết, nhưng chuyên gia pháp luật lại nói không được, phá vỡ tính tổng thể của hệ thống pháp luật.
 
Ông Nguyễn Đăng Trương cũng khẳng định, dự thảo Luật mới nhất cố gắng giải quyết vấn đề một cách hài hòa, vấn đề nào ưu tiên, ưu đãi cho dự án PPP thì quy định ngay tại Luật PPP và áp dụng theo Luật này.
 
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý trong trường hợp xung đột thì cho phép sửa Luật PPP ngay, quy định ngay tại nội dung Luật”, ông Nguyễn Đăng Trương nhấn mạnh.
 
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ban hành Luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư cần đúng lộ trình, để sớm có khung pháp lý cao nhất triển khai dự án PPP là rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu hoàn thiện kết cấu hạ tầng của Việt Nam. Mặt khác, nâng cao cạnh tranh trong thu hút vốn nước ngoài vào kết cấu hạ tầng với các nước khác trong khu vực vốn đang có thể chế về PPP khá hấp dẫn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục