Nhà đầu tư ngoại quan tâm tới cơ chế chia sẻ rủi ro của Luật PPP

14:04' - 13/05/2020
BNEWS Việt Nam có nhiều dư địa để các dự án PPP có khả năng thành công; đặc biệt là trong một số lĩnh vực quan trọng như: năng lượng, giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng....quan trọng là cần được luật hóa.
 
Hội thảo "Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?". Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews-TTXVN
Sáng 13/5 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?", sự kiện do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức theo hình thức tọa đàm trực tuyến.

Thông qua tọa đàm, hầu hết các diễn giả đều có chung nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng lớn để phát triển các dự án Hợp tác đối tác công tư hay còn gọi là PPP. Việt Nam cũng có nhiều dư địa để các dự án PPP có khả năng thành công rất lớn; đặc biệt là trong một số lĩnh vực quan trọng như: năng lượng, giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng. Việc xây dựng, soạn thảo Luật PPP tại thời điểm này là hết sức quan trọng và cần thiết bởi nhu cầu đặt ra của thực tiễn ngày càng lớn, đòi hỏi nguồn lực ngày càng nhiều trong khi ngân sách Nhà nước có hạn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, dự án xây dựng Luật PPP là rất khó, nhưng cần thiết nhằm tạo lực đẩy, giúp nhanh chóng phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19. Dù không có nhiều thời gian, nhưng các đơn vị soạn thảo đã rất tích cực nghiên cứu, thiết kế và xây dựng dự thảo Luật PPP với tinh thần bình đẳng, hợp tác và tối ưu hóa hiệu quả thu được.

Khi đã được luật hóa, tất cả các bên tham gia hợp đồng PPP đều phải tôn trọng hợp đồng. Hợp đồng PPP sẽ là cơ sở để điều tiết các mối quan hệ đối tác trong đó, xét cả về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm. Việc tổ chức tọa đàm để thu thập những ý kiến đóng góp xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật PPP, hy vọng sẽ đạt kết quả; đề cập đúng những vấn đề mà các nhà đầu tư, các bên đối tác là Nhà nước hay tư nhân đều quan tâm. Đó chính là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để Luật PPP nói riêng cùng các văn bản pháp luật khác có liên quan nhanh chóng đi vào đời sống và phát huy hiệu quả tích cực. 

Ông Phạm Ngọc Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng quốc hội cho hay, tới nay dự thảo Luật PPP đã qua rất nhiều vòng, với tinh thần cầu thị, toàn bộ các nội dung góp ý đã được các cơ quan tham mưu tổng hợp, thảo luận. Có những nội dung đã được tiếp thu chỉnh sửa và được cấp có thẩm quyền đồng ý, còn có nội dung thì chưa được chấp thuận. Hay, có nội dung không quy định trong luật mà sẽ quy định trong văn bản hướng dẫn hoặc chỉ quy định nguyên tắc và để dư địa cho các bên tham gia trong hợp đồng tự đàm phán. Ngoài ra, cũng có những nội dung cơ quan soạn thảo xin bảo lưu, không tiếp thu.... Đó là quá trình bình thường trong xây dựng pháp luật. 

Theo ông Đào Việt Dũng, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, điểm nổi bật là cần phải xây dựng các quỹ phát triển để tạo nền tảng cho việc triển khai các dự án PPP. Thiếu những quỹ như vậy sẽ khó bảo đảm thành công cho các dự án PPP quy mô lớn. Việc xây dựng quỹ phải được thực hiện theo một quá trình minh bạch và phải có công cụ giám sát, theo dõi. Quỹ này chính là nguồn tài chính và cũng chính là đảm bảo chủ trương đa dạng nguồn vốn cho các công trình, dự án PPP như Chính phủ từng cam kết với các nhà đầu tư.

Nội dung liên quan tới cơ chế chia sẻ rủi ro, hiện đã có 1 bước tiến theo như các quy định trong dự thảo Luật. Nhưng, cần cụ thể hóa các nội dung cho phù hợp với từng ngành, lĩnh vực đầu tư để tăng khả năng tiếp cận các thông tin cần thiết đối với các nhà đầu tư. 

Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do nguyên nhân từ phía Nhà nước hoặc do sự kiện bất khả kháng, chi phí tối thiểu trước hết cần phải bồi thường cho các nhà đầu tư đối với các khoản đầu tư của họ, thanh toán cho các khoản nợ tồn đọng và hoàn trả chi phí chấm dứt hợp đồng, việc mua lại các doanh nghiệp dự án PPP sẽ được phân bổ từ nguồn vốn của Nhà nước theo quy định của pháp luật, ông Dũng góp ý.

Liên quan tới nội dung quyền chuyển nhượng một phần cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng, ông Nguyễn Thanh Hải, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ taiij Việt Nam (AmCham) cho rằng, dự thảo Luật PPP không nên hạn chế quyền của nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sau khi hoàn thành xây dựng.

Đồng thời, dự thảo không nên có quy định cấm quá cứng nhắc về vấn đề này, mà nên để khu vực tư nhân có quyền hạn nhất định trong việc quản lý vốn chủ sở hữu, tính khả thi và hiệu quả của dự án. Trong nhiều trường hợp, sự tham gia bổ sung thêm thành viên (thành viên mới hoặc thành viên liên kết) trong tổ hợp các nhà đầu tư sẽ đóng góp thêm giá trị và giúp ích thêm cho dự án. 

Tổng hợp chung các vấn đề mà nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đặt ra đối với dự thảo Luật PPP, đại diện đơn vị soạn thảo, ông Phạm Ngọc Lâm cho hay, có nhiều ý kiến quan tâm tới cơ chế chia sẻ rủi ro, chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo dự thảo Luật PPP. Qua đó, đề cập tới việc những điều kiện như trong dự thảo là quá chặt chẽ, mang tính thuận lợi hơn cho khu vực công.

Trong khi đó, khu vực tư nhân bị áp dụng nhiều điều kiện hơn và có một số điều kiện còn khó khăn, thậm chí có thể chứng minh được trên thực tế. Do đó, nhiều đại biểu đề nghị để đàm phán trong hợp đồng về mức bảo lãnh doanh thu tối thiểu, điều kiện cụ thể của bảo lãnh doanh thu tối thiểu tùy thuộc vào bản chất của từng dự án. Cần có cơ sở pháp lý đủ rõ để chi tiêu ngân sách đối với bảo lãnh doanh thu dự án PPP hay thực hiện cơ chế quỹ như kinh nghiệm một số nước.

Ngoài ra, cần mở rộng lĩnh vực đầu tư, hơn là chỉ quy định cứng 5 nhóm lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt và tăng tính hấp dẫn của dự án. Bởi việc tham gia từ khu vực tư nhân có thể phát sinh trong các lĩnh vực mới cần thực hiện theo hình thức PPP. Vấn đề quy định hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ không quá 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam cũng được khuyến nghị bỏ mức trần này và giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất Chính phủ phê duyệt từng dự án.

Để khuyến khích các dự án do nhà đầu tư đề xuất, một số đại biểu tại tọa đàm đã khuyến nghị bổ sung quy định nguyên tắc các ưu đãi trong đấu thầu cho tất cả nhà đầu tư đề xuất dự án. Ưu đãi chi tiết nên được quy định cụ thể tại nghị định hướng dẫn thi hành của Luật PPP. Dự thảo Luật không nên bắt buộc sử dụng nhà thầu trong nước và thầu phụ trong nước mà cho phép sử dụng nhà cung cấp trong nước và nước ngoài theo sự lựa chọn của nhà đầu tư.

Dự thảo Luật PPP lần này được yêu cầu bổ sung làm rõ quyền của bên cho vay với tư cách là bên nắm giữ tài sản bảo đảm, bên cho vay sẽ có quyền đề xuất nhà đầu tư khác thay thế nhà đầu tư cũ để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Dự thảo Luật chỉ nên quy định các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và bên cho vay được phép thỏa thuận quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay và sự thỏa thuận đó (nếu có) có hiệu lực đối với các bên tham gia ký kết hợp đồng dự án.

Hay như quy định hạn chế quyền của nhà đầu tư chuyển nhượng một phần cổ phần/phần vốn góp trong dự án PPP cho một nhà đầu tư khác cho đến khi hoàn thành xây dựng công trình cũng chưa phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, cần cho phép bổ sung thêm thành viên (thành viên mới hoặc thành viên liên kết) trong tổ hợp các nhà đầu tư ngay trong giai đoạn xây dựng.

Liên quan tới quy định thu xếp tài chính trong vòng 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng PPP (hoặc trong vòng 18 tháng trong trường hợp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ), phần đông các ý kiến cho rằng không phù hợp. Hơn nữa, nên có các ngoại lệ cho việc quy định thời hạn nói trên hoặc gia hạn thời hạn thu xếp tài chính cho nhà đầu tư để thực hiện dự án nghị định hoặc thông tư phụ thuộc vào ngành nghề, quy mô và những yếu tố khác.

Cũng tại tọa đàm, các đại biểu quan tâm tới một số vấn đề khác như dự thảo Luật quy định doanh nghiệp dự án PPP được thành lập sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên nên cho phép sử dụng doanh nghiệp đang tồn tại làm doanh nghiệp dự án. Phạm vi ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp dự án cần bao gồm cả những ngành liên quan trong khi ngành chính là thực hiện dự án PPP. Quy định về giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng bằng 1%-3% tổng mức đầu tư của dự án tại thời điểm ký hợp đồng là rất khó thực hiện đối với các nhà đầu tư, bởi việc thu xếp tài chính chưa hoàn thành. Có ý kiến đề xuất, nên quy định một mức bảo đảm tối đa nhỏ hơn hoặc yêu cầu bảo đảm muộn hơn.

Kiểm toán cũng là nội dung quan trọng thu được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng. Theo đó, các đại biểu cho rằng, chỉ nên tuân thủ việc áp dụng đối với cơ quan Chính phủ hay khu vực công, chứ không phải cho các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án. Đồng thời, nêu rõ khi nào, thời điểm nào sẽ tiến hành việc Kiểm toán Nhà nước; việc định giá tài sản khi chuyển giao cho Nhà nước nên được thực hiện bởi một kiểm toán viên độc lập hoặc công ty định giá. Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm tra sau đó các kết quả định giá là một phần của kiểm toán tuân thủ.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục