Bên lề Quốc hội: Sửa Luật để cải thiện môi trường kinh doanh xây dựng

16:22' - 28/10/2019
BNEWS Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Đây là một trong những nội dung được dư luận quan tâm với kỳ vọng tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Các chuyên gia ghi nhận, Luật Xây dựng được ban hành năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, sau hơn 4 năm thực hiện đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung quy định của Luật đã bộc lộ không ít hạn chế.

Đặc biệt sau khi luật Xây dựng 2014 có hiệu lực, đã có một số luật mới liên quan được ban hành như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Kiến trúc, cũng như nhiều Luật khác được sửa đổi.

Vì vậy, quan điểm, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn đầu tư xây dựng, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) Hoàng Quang Nhu cho biết, dự án Luật được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.

Một trong những đổi mới đáng ghi nhận tại Luật Xây dựng sửa đổi là giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đại diện Sở Xây dựng Hải Phòng nhận xét, dự thảo Luật sửa đổi có bước tiến lớn trong ngành xây dựng, tháo gỡ nhiều khó khăn cho địa phương, giúp thu hút và chuyển giao dự án tích cực. Việc song hành 3 bước khi thẩm định dự án, phê duyệt phòng cháy chữa cháy và môi trường nhận được sự đồng tình cao.

Hiện nay, các dự án xây dựng đang phải thực hiện tuần tự từng bước rất mất thời gian khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư ở địa phương bức xúc. Việc điều chỉnh này là bước tiến, tránh cho các nhà đầu tư phải chuyển hồ sơ nhiều lần. 

Có thể thấy, đối với nhóm chính sách, “cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng”, dự án Luật sẽ sửa đổi, bổ sung về: nguyên tắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng; quy định về phân loại, phân cấp công trình xây dựng, dự án đầu tư xây dựng.

Cùng đó là các cải thiện về việc thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; thẩm quyền, trình tự, đối tượng cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng trong hoạt động xây dựng; quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng; an toàn công trình; xây dựng công trình theo lệnh khẩn cấp; phá dỡ công trình; bàn giao dự án; quy định về các cấp độ quy hoạch xây dựng khu chức năng…

Ông Hoàng Quang Nhu phân tích, các quy định về thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo hướng phân tách nội dung, trách nhiệm của các chủ thể.

Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong thẩm định dự án, thiết kế, theo đó rút gọn nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, giảm thời gian thẩm định dự án.

Cùng đó, giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng; quy định về nguyên tắc thực hiện song song, đồng thời các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình thẩm định dự án, thiết kế.

Quy định về cấp phép xây dựng cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng rà soát các đối tượng được miễn phép xây dựng, đơn giản hóa thủ tục cấp phép và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng.

Theo nội dung Dự thảo Luật, điều kiện, hồ sơ thủ tục xin giấy phép xây dựng được bảo đảm đơn giản, thuận tiện, thời gian cấp phép xây dựng được đề xuất giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.

Ông Ngô Anh Trí - Trưởng Ban phát triển dự án Tập đoàn Geleximco nhận xét, doanh nghiệp rất mong chờ nội dung này bởi sẽ rút ngắn được thời gian trong quá trình thực hiện dự án từ triển khai, phê duyệt, cấp phép...

Đặc biệt, trong sửa đổi lần này có ghép phần thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép thi công lại với nhau. Trên quan điểm của doanh nghiệp tư nhân, nếu ghép được các bước lại với nhau hoặc cho phép làm song song sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn được thời gian triển khai dự án và hiệu quả dự án được tốt hơn.

Tương tự, quy định về các cấp độ quy hoạch cũng được sửa đổi theo hướng bổ sung các trường hợp được lập quy hoạch phân khu của khu chức năng không cần lập quy hoạch chung khu chức năng, trường hợp được lập quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung để giảm thủ tục hành chính song vẫn đảm bảo tính thống nhất của các đồ án quy hoạch theo cấp độ…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục