Bến Tre dồn sức phát triển các ngành công nghiệp chủ lực

10:59' - 06/09/2021
BNEWS Thời gian tới Bến Tre sẽ dồn sức phát triển các ngành công nghiệp chủ lực để tạo sức lan tỏa, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tỉnh Bến Tre đang thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp với chủ trương phát huy tối đa thế mạnh để phát triển nhanh các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Từ đó, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa và phát triển bền vững trong thời gian tới.

*Ưu tiên công nghiệp chủ lực

Theo UBND tỉnh Bến Tre, ngành công nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Do đó, tỉnh luôn quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đồng thời, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện tốt chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư. Cùng đó, ưu tiên bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp để chủ động thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, Bến Tre luôn xác định vai trò của phát triển nhanh các ngành công nghiệp chủ lực.Thực tế cho thấy, tỉnh đã có nhiều giải pháp ưu tiên mời gọi thu hút đầu tư vào tỉnh đối với lĩnh vực này.

Tỉnh đã xác định các ngành công nghiệp chủ lực gồm: sản xuất, chế biến dừa; chế biến thủy sản và năng lượng tái tạo, để ưu tiên đầu tư và bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Bến Tre đã thu hút được 51 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp chủ lực, với tổng vốn hơn 2.130 tỷ đồng.

Bến Tre là “thủ phủ” dừa của cả nước, với diện tích hơn 74.000 ha, sản lượng hơn 600 triệu trái/năm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ dừa.

Hiện tỉnh xác định dừa là cây trồng chủ lực trong lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp chủ lực sản xuất, chế biến dừa xuất khẩu. Ngoài ra, việc chú trọng phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với diện tích hơn 10.000 ha theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và châu Âu cũng là một lợi thế lớn đối với tỉnh.

Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, Bến Tre có khoảng 182 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa, chiếm 28,57% tổng số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất chế biến với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm đa dạng, giá trị gia tăng cao.

Các sản phẩm chế biến từ dừa khá đa dạng gồm: sữa dừa, cơm dừa nạo sấy, tinh dầu dừa, than hoạt tính, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa…với kim ngạch xuất khẩu gần 350 triệu USD mỗi năm.

Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) chia sẻ, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty vẫn đa dạng các sản phẩm chế biến từ dừa để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ.

Thời gian tới, công ty tiếp tục nâng cao giá trị của từng sản phẩm, hướng tới giá trị gia tăng của sản phẩm; tăng đầu tư đổi mới công nghệ chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ dừa. Công ty cũng từng bước nâng cao chuỗi giá trị từ dừa, tham gia chuỗi cung ứng của thế giới, nhất là các thị trường lớn của châu Âu, Mỹ và các nước Nam Mỹ, Trung Đông.

Ngoài ra, Bến Tre còn có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, với diện tích 45.000 ha, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản hằng năm trên 500.000 tấn. Bến Tre hiện có khoảng 38 doanh nghiệp chế biến thủy sản các loại, chiếm gần 6% tổng số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Các doanh nghiệp chế biến, cơ sở nuôi trồng thủy sản ngày càng quan tâm đầu tư áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo sản xuất theo hướng an toàn môi trường và vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, Bến Tre còn có nhiều tiềm năng phát triển các dự án năng lượng như: năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh họ; trong đó, các dự án điện gió, điện mặt trời đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bến Tre, tỉnh có 6 dự án điện gió đang được triển khai xây dựng và 5/6 dự án có khả năng đóng điện vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 với tổng công suất 179,7 MW;

13 dự điện gió khác đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch, với tổng quy mô 828 MW; khoảng 30 dự án điện tái tạo công suất gần 7.000 MW và hai dự án điện khí (LNG) với công suất 7.000 MW vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, việc phát triển ngành công nghiệp chủ lực của Bến Tre vẫn còn nhiều hạn chế như: ngành dừa quy mô, công nghệ, năng suất còn thấp; tỷ lệ sản phẩm thô, sơ chế còn cao nhưng giá trị tăng thêm không cao; chất lượng vùng nguyên liệu chưa đồng đều, giá nguyên liệu cao so với khu vực.

Tương tự, ngành chế biến thủy sản cũng chủ yếu chế biến thô, tỷ trọng chế biến sâu thấp. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch, chưa hình thành chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản….

*Gia tăng sản phẩm chế biến

Chế biến đóng gói dừa xuất khẩu. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, thời gian tới Bến Tre sẽ dồn sức phát triển các ngành công nghiệp chủ lực để tạo sức lan tỏa, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Điều này nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến dừa, chế biến thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng và các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển khác trở thành những ngành chủ lực của tỉnh.

Theo đó, Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị ngành sản xuất, chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm, chiếm tỷ trọng 17,3% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,6%/năm và đạt khoảng 1 tỷ USD, chiếm 38,5% kim ngạch xuất khẩu.

Bến Tre phấn đấu đến năm 2025, giá trị ngành sản xuất chế biến thủy sản tăng bình quân 16,8%/năm, chiếm tỷ trọng 26,7% so với giá trị sản xuất công nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tăng bình quân 72,6%/năm, đạt khoảng 1,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 46,2% so với kim ngạch xuất khẩu.

Thêm vào đó, tỉnh phấn đấu phát triển ít nhất 1.500 MW điện tái tạo, giá trị sản xuất từ điện chiếm khoảng 15% so với giá trị sản xuất công nghiệp. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện triển khai đầu tư dự án điện khí hóa lỏng (LNG); đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng lưới điện truyền tải 220KV và 500 KV kết nối địa bàn 3 huyện biển, đảm bảo giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh, tỉnh cũng sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để phát triển công nghiệp; huy động đa dạng nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu và tăng cường liên kết phát triển vùng…

Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho hay, tỉnh sẽ tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đối với ngành công nghiệp chế biến dừa. Đến năm 2025, tỉnh có khoảng 50 sản phẩm sản xuất từ dừa được xuất khẩu sang thị trường các nước.

Mặt khác, Sở Công Thương Bến Tre sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp liên quan đến ngành dừa thay đổi quy trình sản xuất, chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm dừa để phục vụ nhu cầu xuất khẩu; rà soát các doanh nghiệp có đủ điều kiện được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công phục vụ cho việc đầu tư thay đổi quy trình công nghệ, đa dạng hóa các mặt hàng sản xuất.

Về lâu dài, Bến Tre phấn đấu trở thành trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ dừa của tiểu vùng Duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, xây dựng và phát triển hoàn thiện, đồng bộ chuỗi giá trị dừa; mở rộng diện tích dừa hữu cơ và đa dạng hóa hình thức hợp tác liên kết chặt chẽ giữa các nhân tố trong chuỗi giá trị.

Đối với lĩnh vực chế biến thủy sản, Bến Tre sẽ xúc tiến mời gọi các dự án đầu tư chế biến thủy sản xuất khẩu quy mô lớn, công nghệ hiện đại; trong đó, ưu tiên lĩnh vực chế biến tôm biển, hải sản đánh bắt và các ngành cơ khí, hậu cần nghề cá. Đặc biệt, tỉnh quy hoạch, phát triển vùng nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn khoảng 4.000 ha, với sản lượng 144.000 tấn vào năm 2025.

Cùng với đó, Bến Tre tỉnh cũng xúc tiến đầu tư kêu gọi phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực chủ yếu như công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da-giày, điện tử, tin học, cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục