Bến Tre tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

14:57' - 14/08/2021
BNEWS UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các ngành chức năng triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản thông qua đa dạng các kênh như: sàn thương mại điện tử, kinh doanh online.

Để bảo đảm lưu thông hàng hóa và ổn định sản xuất, trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, tỉnh Bến Tre triển khai các giải pháp tích cực tạo thuận lợi kết nối giữa các hợp tác xã, tổ chức, nông dân với các doanh nghiệp và đầu mối thu mua, tiêu thụ mang lại hiệu quả cao, đảm bảo giữa phòng, chống dịch với phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh tiêu thụ

Vừa bán được 500 kg bưởi da xanh cho công ty đã được ký kết bao tiêu trước đó, ông Nguyễn Văn Công, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Bến Tre) cảm thấy nhẹ nhõm, khi trước đó ông lo lắng không bán được bưởi do thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Ông Công cho biết, vườn bưởi 4.000 m2 của gia đình đến ngày thu hoạch, nhưng do áp dụng giãn cách xã hội nên không thể thu hoạch được.

Tuy nhiên, may mắn là gia đình có tham gia tổ hợp tác sản xuất bưởi ký kết với công ty thu mua bao tiêu sản phẩm, do đó công ty cho người đến tận vườn để chở. Sau đó, công ty sẽ phân loại, trả tiền lại cho nhà vườn.

Ông Công cho hay, hiện nay, các vườn bưởi chưa tham gia tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã rất khó khăn khi bán bưởi vì thương lái trên thị trường không tổ chức thu mua, do áp dụng giãn cách xã hội.

Ông Công chia sẻ, cũng nhờ có công ty hỗ trợ thu mua cho người dân nên người dân an tâm sản xuất hơn.

Ông Đàm Văn Hưng, Giám đốc doanh nghiệp Hương Miền Tây cho hay, do tình hình dịch bệnh COVID-19, thị trường tiêu thụ bưởi trong nước rất khó khăn.

Nhưng cùng chia sẻ khó khăn với người nông dân, công ty vẫn tổ chức thu mua bưởi tại các tổ hợp tác, hợp tác xã công ty đã ký kết bao tiêu sản phẩm. Hiện công ty đảm bảo sản xuất "3 tại chỗ".

Đồng thời do đang trong giai đoạn giãn cách xã hội, công ty không thể tổ chức thu mua như trước đây mà chuyển đổi sang hình thức người dân tự hái bưởi, công ty sẽ cho người đến lấy, sau đó phân loại và trả tiền sau.

Với cách làm này, người dân rất đồng tình ủng hộ, vì sẽ đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả, tuân thủ theo quy định giãn cách xã hội.

Theo ông Hưng, thời gian này, công ty chỉ thu mua tại 30 tổ hợp tác, hợp tác xã công ty đã ký kết với hơn 300 ha, sản lượng hơn 200 tấn, với giá 30.000 đồng/kg (bưởi da xanh loại 1, loại 2).

Công ty đang sắp xếp đội ngũ công nhân, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, sau đó mở một số điểm thu mua cho các nhà vườn không ký kết tiêu thụ, nhằm giúp người dân tiêu thụ sản phẩm trong thời gian dịch bệnh xảy ra.

Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây MeKong Bến Tre cho hay, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, công ty vẫn đảm bảo cả 2 mục tiêu là vừa duy trì sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh. Để duy trì hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", công ty giảm 40% số lượng lao động tại nhà máy.

Đặc biệt, đội ngũ thu mua nguyên liệu, vận chuyển dừa vẫn đảm bảo số lượng để thu mua tại các vùng nguyên liệu, nhất là đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Trước tình hình dịch bệnh, công ty vẫn đảm bảo giá thu mua 90.000 đồng/chục (12 trái), không xuống giá hay ép giá người nông dân.

Diện tích vùng liên kết của công ty hiện khoảng 200 ha. Để hỗ trợ tiêu thụ dừa uống nước vào đợt thu hoạch, công ty cho biết, sẽ bố trí nguồn lực để tiếp nhận thu mua thêm dừa ở các vườn ngoài vùng liên kết nhưng cũng đang vào vụ thu hoạch, cần được thu mua đúng thời gian.

Theo Sở Công Thương Bến Tre, ngoài các sản phẩm dừa, bưởi các loại cây ăn quả khác, các loại rau, củ của người nông dân trong tỉnh cũng được các ngành, các địa phương hỗ trợ tiêu thụ, thông qua các kênh đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội đã hỗ trợ liên kết tiêu thụ, giải quyết phần nào sản lượng nông sản.

Đối với các loại cây ăn trái, do rải vụ và có thể kéo dài thời gian thu hoạch, người dân hạn chế thu hoạch nên sản lượng tiêu thụ chưa cao.

Gỡ khó tiêu thụ nông sản

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, để tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ dừa, sở đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sơ chế dừa, đội ngũ thu hái dừa có thể tiếp tục hoạt động trở lại và thực hiện theo quy định phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Bến Tre có văn bản gửi Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản của Bến Tre cho Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó các mặt hàng cần tiêu thụ trong thời gian tới như: 650 tấn nhãn xuồng cơm vàng, 150 tấn chôm chôm (thái, nhãn, Java), 1.650 tấn dưa hấu, 3.600 tấn tôm thẻ, 300 tấn sò huyết ...

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, thời gian tới, ngành chức năng Bến Tre tiếp tục theo dõi chặt tình hình sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh, cập nhật danh sách đầu mối cung ứng một số sản phẩm nông sản.

Đồng thời xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho người dân hạn chế tồn đọng, ùn ứ trong thời gian tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách.

Bên cạnh đó, khuyến khích người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên Sàn thương mại điện tử của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn postmart.vn) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (sàn voso.vn), kể cả các sản phẩm thông thường chưa phải là sản phẩm OCOP.

Sở phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các điểm bán hàng bình ổn và hàng hóa thiết yếu; hỗ trợ người dân các xã tiêu thụ nông sản trong mùa dịch nhất là sản phẩm nông sản có sản lượng lớn.

Ngoài ra, phối hợp ngành y tế tổ chức ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng tham gia chuỗi sản phẩm nông nghiệp, hoạt động trong cơ sở chế biến, sơ chế, đóng gói, giết mổ, đầu mối thu gom nông sản, thủy sản và thương lái thu mua nông sản trên địa bàn.

Để nâng cao tiêu thụ sản phẩm và tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm cho người dân, UBND tỉnh Bến Tre ban hành kế hoạch về tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay.

Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các địa phương, các sở, ban, ngành trong tỉnh cần tập trung tối đa cho phòng chống dịch, xây dựng phương án "3 tại chỗ" trong tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản; bố trí các tổ, đội chống dịch ở các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng nông sản tập trung của địa phương để hỗ trợ phương tiện, người thu mua ra vào thu hoạch thuận tiện, đồng thời kiểm soát tốt phòng chống dịch COVID-19 trong suốt thời gian thu hoạch và tiêu thụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, với những nông sản không thể kéo dài thời gian thu hoạch cần tiếp tục kết nối với các đầu mối sẵn có, đồng thời mở rộng kết nối tiêu thụ đến các tỉnh mà tình hình dịch bệnh đã ổn định.

Những nông sản nào có thể neo lại, chờ thu hoạch sau, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn về mặt kỹ thuật để người dân thực hiện đảm bảo năng suất, chất lượng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh yêu cầu các ngành chức năng triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản thông qua đa dạng các kênh như: sàn thương mại điện tử, kinh doanh online, liên kết tiêu thụ theo vùng, khu vực và tiêu thụ nội địa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục