Bến Tre không thành lập hợp tác xã ồ ạt

18:10' - 29/11/2016
BNEWS Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Bến Tre sẽ chỉ tập trung củng cố và phát triển từ 15 - 20 hợp tác xã do nguồn nhân lực không đảm bảo.
Bến Tre không thành lập hợp tác xã ồ ạt. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Theo Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung củng cố và phát triển khoảng 300 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trong 3 lĩnh vực: lúa gạo, trái cây, thủy sản.

Các hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị bền vững gắn với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra có thế mạnh về tiêu thụ nông sản. Mỗi tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tập trung củng cố và phát triển trung bình từ 20 – 30 hợp tác xã. 

Riêng với tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Văn Thượng, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Bến Tre chỉ tập trung củng cố và phát triển từ 15 - 20 hợp tác xã do nguồn nhân lực không đảm bảo. Khi các hợp tác xã thành lập đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả sẽ làm điểm để nhân rộng. Trong quá trình thành lập hợp tác xã, Chi cục Phát triển nông thôn luôn quan tâm phương châm “phát triển hợp tác xã tích cực, phù hợp từng vùng, nhu cầu của người dân - tự nguyện, chậm mà chắc, không nóng vội”. Hợp tác xã ra đời phải xuất phát từ nhu cầu của xã viên, trên tinh thần tự nguyện; chỉ khi người dân nhận thức sự cần thiết phải hình thành mối liên kết đầu vào, đầu ra thì hợp tác xã hình thành hoạt động mới hiệu quả. 

Năm 2016, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tuyên truyền, vận động thành lập 5 hợp tác xã: Hợp tác xã bưởi da xanh ở huyện Châu Thành trên cơ sở 10 tổ hợp tác của 7 xã; Hợp tác xã trái cây Sơn Định (huyện Chợ Lách) trên cơ sở tổ hợp tác chôm chôm của xã Sơn Định; Hợp tác xã lúa ở huyện Thạnh Phú; Hợp tác xã dừa ở huyện Giồng Trôm và Hợp tác xã bưởi da xanh ở huyện Mỏ Cày Bắc. Hiện các hợp tác xã dự kiến thành lập đã gắn kết với doanh nghiệp trong giải quyết đầu ra sản phẩm. 

Năm 2017, Chi cục Phát triển nông thôn dự kiến tuyên truyền, vận động thành lập hợp tác xã thuộc lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản cũng trên cơ sở tổ hợp tác nâng lên thành hợp tác xã. Từ năm 2018 - 2020 hướng đến việc thành lập liên hiệp hợp tác xã. 

Theo ông Nguyễn Văn Thượng, cái khó của tỉnh hiện nay là cán bộ phụ trách hợp tác xã cấp huyện và xã đa phần kiêm nhiệm, không thể hỗ trợ liên tục cho hợp tác xã trong quá trình hoạt động. 

Ông Phan Chánh Thi, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Bến Tre cho rằng, hợp tác xã muốn hoạt động hiệu quả phải hội tụ đủ các yêu cầu như: thành lập hợp tác xã đúng Luật Hợp tác xã năm 2012 và các quy định khác có liên quan; có phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi; vốn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cán bộ có trình độ, năng lực, nhất là người đứng đầu hợp tác xã phải là người có tầm nhìn của người lãnh đạo. Hợp tác xã hoạt động trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ, bình đẳng, công khai;… 

Ước tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Bến Tre có 70 hợp tác xã hoạt động trên 8 lĩnh vực: công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, điện, nông nghiệp, thủy sản, tín dụng nhân dân, thương mại và dịch vụ kinh doanh tổng hợp, giao thông – vận tải, tài nguyên – môi trường. 

Trong tổng số 70 hợp tác xã có 48 hợp tác xã đang hoạt động, sử dụng khoảng 1.230 lao động thường xuyên, 4.600 lao động thời vụ và 22 hợp tác xã ngừng hoạt động hoặc thuộc diện giải thể./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục