Tiến độ chuyển đổi hợp tác xã theo mô hình mới vẫn còn chậm

17:54' - 19/11/2016
BNEWS Sau gần 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc mới có 185 hợp tác xã thực hiện chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, chiếm 28,8%.
Tiến độ chuyển đổi hợp tác xã theo mô hình mới ở Vĩnh Phúc vẫn còn chậm. Ảnh minh họa: Phạm Kha–TTXVN
Theo kế hoạch, đến tháng 7/2016, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành chuyển đổi mô hình theo Luật hợp tác xã năm 2012 hoặc giải thể. Tuy nhiên đến nay nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang loay hoay chưa chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. 

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồng Xuân, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 2000, hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi nội đồng, tưới tiêu và bảo vệ ruộng đồng. Nhiều năm nay hợp tác xã này vẫn ở trong tình trạng khó khăn đủ bề vì không có trụ sở, thiếu vốn, thiếu nhân lực…Do vậy hợp tác xã chỉ hoạt động cầm chừng, chờ giải thể để làm đẹp theo tiêu chí số 13 về xây dựng nông thôn mới ở xã. 

Ông Hoàng Văn Trung, Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồng Xuân cho biết, kinh phí hoạt động của hợp tác xã dường như chỉ trông chờ vào nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước. Nếu không chuyển đổi sang hợp tác xã kiểu mới thì hợp tác xã Đồng Xuân buộc phải giải thể, sau đó sẽ thành lập tổ hợp tác hoặc nhóm sản xuất... Sau khi chuyển sang hình thức hoạt động mới cần mất một thời gian nhất định để ổn định tổ chức trong lúc đó vụ sản xuất mới đang đến gần, các dịch vụ phục vụ xã viên đang bỏ ngỏ. Tuy nhiên, hiện nay hợp tác xã vẫn chưa làm được hồ sơ giải thể vì còn phải chờ chính quyền xã xác nhận, do đó đến nay mọi công tác trên đều chưa được triển khai. 

Tương tự như vậy, được thành lập từ những năm 60 của thế kỷ trước, hợp tác xã nông nghiệp Vị Thanh, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ hoạt động để "làm vỏ" cho tiêu chí số 13 về nông thôn mới của xã. Cả hợp tác xã có 3 thành viên và công việc duy nhất của chủ nhiệm hợp tác xã là đi họp giao ban hàng tháng. Do đó, trên danh nghĩa, hợp tác xã vẫn còn những thực tế đã “chết” từ lâu. 

Ông Trần Thanh Tình, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Vị Thanh phân trần: Từ năm 2010 đến nay, hợp tác xã không còn hoạt động nào trong lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã vẫn được duy trì trên giấy tờ. Hiện nay, hợp tác xã đang hoàn tất các thủ tục để giải thể và hướng tới chuyển sang mô hình tổ hợp tác nông nghiệp theo quy định chung. 

Không chỉ có trường hợp của hai hợp tác xã trên mà hiện nay rất nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc do hiệu quả của hoạt động sản xuất, dịch vụ hạn chế; thiếu điều kiện vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng thương mại; không triển khai đầu tư được các dự án sản xuất, kinh doanh có tính khả thi cao… nên cũng chỉ hoạt động cầm chừng, hoặc đã giải thể. 

Theo số liệu thống kê của Liên minh hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, Vĩnh Phúc có 714 hợp tác xã, trong đó, có 643 hợp tác xã thành lập trước khi Luật hợp tác xã 2012 có hiệu lực và hoạt động chưa phù hợp với quy định của Luật mới cần phải đăng ký lại hoặc chuyển đổi. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh hiện chỉ có 185 hợp tác xã đã hoàn thành việc chuyển đổi; trong đó, có 61 hợp tác xã nông nghiệp và 124 hợp tác xã phi nông nghiệp. Việc chuyển đổi hoạt động theo Luật hợp tác xã 2012 còn chậm, chỉ đạt khoảng 28,8% tổng số hợp tác xã cần phải chuyển đổi. 

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Diệp, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trong quá trình hoạt động của mình, nhiều hợp tác xã đã bộc lộ những bất cập làm cản trở quá trình phát triển như trình độ, năng lực quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế; hiệu quả hoạt động còn thấp. Các hợp tác xã không có khả năng tích lũy vốn nội bộ để tái đầu tư; năng lực nội tại của nhiều hợp tác xã còn yếu kém về cả tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và quy mô hoạt động… nên phải đứng trước nguy cơ giải thể. 

Ông Nguyễn Xuân Diệp cho biết thêm, theo quy định, đến hết ngày 31/6 là các hợp tác xã phải chuyển đổi xong, hợp tác xã nào chưa chuyển đổi sẽ phải tiến hành giải thể. Nhưng, đến nay rất nhiều hợp tác xã ở Vĩnh Phúc vẫn muốn tham gia chuyển đổi, nếu Liên minh hợp tác xã tiếp tục cho thực hiện thì sẽ là trái với quy định. Vì thế, Liên minh hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn Nhà nước có cơ chế phù hợp tạo điều kiện để các hợp tác xã ở Vĩnh Phúc tiếp tục được chuyển đổi để hoạt động vì hiện nay, Vĩnh Phúc còn hơn 400 hợp tác xã chưa chuyển đổi được theo Luật. 

Trước thực tế ấy, Vĩnh Phúc đề xuất cần tạo điều kiện hướng dẫn và làm các thủ tục để các hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo thành viên tham gia. Cùng với đó, Vĩnh Phúc cũng cần nhân rộng các mô hình điểm, sự thành công và hướng đi đúng của các hợp tác xã trong thời kỳ mới để thu hút đông đảo thành viên tham gia, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục