Bỉ lần đầu tiên trở thành nhà sản xuất lê lớn nhất châu Âu

08:00' - 08/10/2023
BNEWS Bất chấp lệnh tẩy chay mà Nga triển khai từ năm 2014, gần 40% lê của Bỉ vẫn được xuất khẩu sang nước này mỗi năm.

Khi kết thúc vụ thu hoạch hiện tại, Bỉ sẽ lần đầu tiên chính thức trở thành nhà sản xuất lê lớn nhất châu Âu, vị trí lâu nay thuộc về Italy. Theo ước tính được công bố tại hội nghị quốc tế "Prognosfruit" ở Trento (Italy) diễn ra hồi tháng trước, sản lượng lê của Bỉ ước tính đạt 412.000 tấn trong năm nay, tăng 19% so với năm ngoái.

Trong khi đó, tình hình ở Italy lại trái ngược. Ông Olivier Warnier, Giám đốc Trung tâm trái cây vùng Wallonia của Italy, cho biết sản lượng của nước này thường đạt khoảng 800.000 tấn nhưng trong năm nay sẽ chỉ đạt 250.000 tấn, do dịch bệnh và bọ xít tấn công cây lê, trong khi ở miền Bắc, lũ lụt gây thiệt hại đáng kể vào đầu mùa. Trên khắp châu Âu, mức giảm sản lượng lê dự kiến là 13%. Theo Chủ tịch Hợp tác xã làm vườn Bỉ (VBT), Luc Vanoirbeek, sự suy giảm này chủ yếu là do biến đổi khí hậu.

 

"Conference", "deanery of Comice", "durondeau" hay thậm chí "Alexandre Lucas bơ" là những giống lê chính được sản xuất trên đất Bỉ, trong đó một phần được tiêu thụ trong nước, phần còn lại được xuất khẩu.

Ông Glenn Sebregts, Trưởng bộ phận tiếp thị và truyền thông đối ngoại của Hợp tác xã Bel'Orta, cho biết : “Khách hàng chính của chúng tôi là Trung Quốc. Phần còn lại được bán cho các nước láng giềng như Đức, Hà Lan, Pháp hoặc Anh. Cho đến năm 2014, Nga là thị trường lớn nhất của chúng tôi, nhưng lệnh cấm vận đối với trái lê đã buộc chúng tôi phải tìm kiếm khách hàng mới. Chúng tôi đang khám phá châu Á và Việt Nam sẽ là một thị trường đầy hứa hẹn trong tương lai".

Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết: “Tất nhiên, lệnh cấm được các nhà sản xuất Bỉ tôn trọng. Không ai trong số họ bán hoa quả trực tiếp sang Nga. Mặt khác, những người trung gian kém cẩn trọng hơn nhiều đã làm việc này trong nhiều năm. Hàng năm, khoảng 30% đến 40% sản lượng lê của Bỉ được nhập vào Nga. Những người mua nước ngoài này, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, loại bỏ nhãn hiệu và bất cứ thứ gì cho thấy quả lê liên quan với Bỉ rồi đưa chúng vào Nga".

Sau khi thu hoạch, lê phải được bảo quản trong kho lạnh lớn có nhiệt độ không quá 1°C để có thể bán ra thị trường quanh năm. Để cố gắng giảm hóa đơn năng lượng, Hợp tác xã Bel'Orta và các xã viên đã kêu gọi công ty Optiflux phát triển một hệ thống để tối ưu hóa các điều kiện bảo quản trái cây.

Một cơ chế thu thập dữ liệu từ việc đo lượng oxy, carbon dioxide, ethylene, amoniac và nhiệt độ trong kho lạnh rồi gửi đến phần mềm điều chỉnh chất lượng không khí trong phòng. Đây cũng một cách để giảm hóa đơn năng lượng và lượng khí thải carbon./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục