Bí thư Hoàng Trung Hải: Năm 2016 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp Hà Nội

14:49' - 28/11/2016
BNEWS Hơn 400 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có buổi gặp gỡ và đối thoại với lãnh đạo Thủ đô trong ngày 28/11.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị Gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp với lãnh đạo thành phố Hà Nội. Ảnh: Diệu Linh/BNEWS

“Năm 2016 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội, bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp và các kế hoạch đầu tư mới”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải mở đầu bài phát biểu khai mạc Hội nghị Gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp với lãnh đạo thành phố Hà Nội, được tổ chức ngày 28/11, tại Hà Nội.

Theo Bí thư thành ủy Hà Nội, chỉ tính riêng năm 2016, Thủ đô đã thu hút được gần 23 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên mức 202.255 doanh nghiệp.

Những con số này góp phần quan trọng trong công tác tạo việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân và đóng góp cho tăng trường kinh tế của Thủ đô.

“Đây là mức tăng cao nhất trong vòng sáu năm qua, cho thấy hiệu quả của các chính sách tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp của Chính phủ và của Hà Nội, thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền, đồng thời ghi dấu vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp địa phương”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.

Với hơn 400 khách mời tham dự hội nghị, cuộc gặp mặt giữa cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố Hà Nội đã diễn ra trong sự trao đổi cởi mở và thẳng thắn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, Hà Nội sẽ là địa phương tiên phong về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình từ khi doanh nghiệp khởi nghiệp đến các hoạt động sau khởi sự kinh doanh.

Hiện thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động thường xuyên, liên tục và hiệu quả.

“Thành phố yêu cầu các đơn vị công khai minh bạch 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất…”, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.

Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp 2016 tại Hà Nội. Ảnh: Diệu Linh/BNEWS

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn.

Việc tiếp cận vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ… còn hạn chế; trong khi đó, chủ trương, chính sách của thành phố cũng chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo được động lực cho doanh nghiệp phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện kinh tế thị trường. Đây cũng là những băn khoăn chung của các doanh nghiệp tham dự hội nghị.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Đỗ Quang Hiển cho rằng quy trình giải quyết các văn bản của doanh nghiệp còn rườm rà, trùng lặp.

Ông Hiển dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành đăng ký kinh doanh điện tử, nhưng khi cần thay đổi một số nội dung thì lại phải tới gặp trực tiếp đơn vị quản lý vì chưa thực hiện thay đổi đăng ký kinh doanh qua mạng được.

Về đầu tư xây dựng, những thủ tục liên quan tới thu hồi đất, giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và định giá tài sản... còn nhiều phức tạp. Theo ông Hiển, vai trò của người đứng đầu thành phố thời gian qua đã được thể hiện rõ rệt, cả Bí thư thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã trực tiếp tháo gỡ nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tháo gỡ khó khăn, rút ngắn quy trình lấy ý kiến trong từng vấn đề cho doanh nghiệp.

“Nếu Hà Nội tin tưởng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ làm đầu mối, với sự kiểm soát của sở tài chính, để cùng xem xét các dự án theo các tiêu chí và quy định của pháp luật”, ông Hiển nói.

Liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thủ đô, đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Hiện giải trình, dự án của doanh nghiệp hiện nằm trong phân khu vành đai xanh của thành phố, đã tiến hành điều chỉnh lại mặt bằng và trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Tuy nhiên, đến nay đường 70 chưa được triển khai, gây ảnh hưởng tới tiến độ của dự án.

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoimilk cho biết, vượt qua những khó khăn, thử thách và trụ vững trên thị trường, Hanoimilk đã được sự quan tâm và tạo điều kiện của các cấp, các ngành thành phố.

Tuy nhiên, khâu giải phóng mặt bằng trong Dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa tự nhiên tại khu đất bãi sông Hồng thuộc địa phận các xã Văn Khê và Hoàng Kim (huyện Mê Linh) của doanh nghiệp vẫn đang gặp vướng mắc…

Doanh nghiệp đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sớm xem xét cho phép áp dụng các cơ chế hỗ trợ và mức đơn giá hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng thấp nhất để doanh nghiệp không gặp khó khăn về vốn đầu tư ban đầu và có thể thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao một cách hiệu quả.

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời cụ thể từng thắc mắc của các doanh nghiệp, khẳng định các ý kiến đóng góp sẽ được lãnh đạo thành phố lắng nghe và yêu cầu rà soát xử lý theo đúng quy trình pháp luật.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội cam kết từ 1/1/2017 sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt đại diện cho chuyên viên các sở ngồi tại một cửa, tiếp nhận các kiến nghị và giải quyết trong một lần cho doanh nghiệp.

“Chủ trương này đã được bàn bạc kỹ trong 6 tháng vừa qua. Mục tiêu của thành phố là yêu cầu của doanh nghiệp sẽ được giải quyết trong 1 tuần”, ông Nguyễn Đức Chung nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục