Bí thư Thành ủy TP HCM: Cần linh động trong mọi tình huống liên quan đời sống người dân

21:27' - 15/07/2021
BNEWS Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng cần linh động, khéo léo trong mọi tình huống liên quan đến đời sống người dân bởi an dân là rất quan trọng.

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, đời sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn khiến lực lượng phòng, chống dịch lúng túng, trong đó có vấn đề cung cấp nhu yếu phẩm và vận chuyển hàng hóa… 

Đây là nội dung được ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội nghị sơ kết sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh, tối 15/7.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng cần linh động, khéo léo trong mọi tình huống liên quan đến đời sống người dân bởi an dân là rất quan trọng.

Theo đó, người dân đang gặp sức ép lớn khi giãn cách xã hội, Thành phố phải kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Những quy định cần rõ ràng để người dân không lúng túng khi thực hiện, tạo ra sự bức xúc.

“Trường hợp nhóm người tổ chức buôn bán, lực lượng chức năng đã ngăn chặn. Tuy nhiên, người dân cho rằng họ làm từ thiện giúp người nghèo chứ không buôn bán, lực lượng chức năng phải giải quyết thấu đáo, lắng nghe người dân;

Vận động để người dân hiểu vấn đề quan trọng hàng đầu là đảm bảo việc giãn cách xã hội; hạn chế tối đa các trường hợp gây bức xúc trong nhân dân”, ông Nguyễn Văn Nên nói.

Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, toàn hệ thống chính trị đã nỗ lực phòng, chống dịch ở quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất. Công tác phòng, chống dịch chuyển sang trạng thái mới, có sự phân công rõ ràng cho các lực lượng.

Công tác xét nghiệm, thu dung, cách ly, điều trị, tổ chức Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng đã đồng đều, có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện phòng, chống với 5 trụ cột như xét nghiệm; khoanh vùng; truy vết; cách ly điều trị và tiêm vaccine có hiệu quả. Chiến lược chống dịch có sự cải tiến, không xét nghiệm đại trà, kết hợp xét nghiệm PCR và test nhanh.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, thời gian qua, công tác cách ly điều trị thực sự là một sức ép chưa từng có, vượt xa so với sự chuẩn bị. Tuy nhiên, thành phố đã cố gắng khắc phục nhanh chóng. Đồng thời, Thành phố đã kịp thời tăng cường nhân lực, trang thiết bị y tế…

Tính đến thời điểm hiện tại, những nguồn lây dịch trước đây đã cơ bản ngăn chặn được, giảm phát tán mầm bệnh ở cộng đồng.

Vì vậy, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, trong thời gian tới, thành phố cần có phương án chuẩn bị cho tình huống các địa phương lân cận đồng loạt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, việc vận chuyển hàng hóa sẽ khó khăn hơn. 

Đồng thời, cần nghiên cứu triển khai nhanh biện pháp của Bộ Y tế trong phân loại F0, F1 để cách ly, điều trị tại nhà.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày qua, dù vẫn còn những khiếm khuyết như tập trung đông người... 

"Theo báo cáo, số ca F0 không có biểu hiện trên 80%, số bệnh nhân nặng trên 1.000 người. Nếu như không kéo giảm được sẽ xem xét kéo dài giãn cách thêm 1 tuần nữa, quyết liệt để giải quyết dứt điểm. 

Vì vậy, từ nay đến khi chấm dứt thời hạn thực hiện Chỉ thị 16, các cơ quan của thành phố cần tập trung đánh giá kỹ để có quyết sách phù hợp", Phó Thủ tướng nói.

Về vấn đề cung ứng hàng hóa cho người dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu, cần tiếp tục huy động nguồn lực, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện một số địa phương có đưa ra ý kiến về việc tổ chức bán hàng ở các quảng trường, đường lớn thay vì tổ chức bán trong chợ truyền thống; kẻ ô, kẻ vạch bán giữa lòng đường, lề đường, đảm bảo khoảng cách cho người dân đi mua hàng. 

Tuy nhiên, việc này cần xem xét, có tính toán phương án để phục vụ người dân khi hệ thống các cửa hàng tiện lợi đang vượt quá khả năng cung ứng.

Bên cạnh đó, do khoảng 38% số ca nhiễm tại các khu phong tỏa và khu cách ly là do lây nhiễm chéo, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị, cá nhân tập trung siết chặt, không để lây nhiễm chéo tại khu cách ly.

Phát huy vai trò của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định nơi phong tỏa.

Vì vậy, trong thời gian còn lại của việc giãn cách xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị chức năng đặt mục tiêu tách nhanh nhất F0 ra khỏi cộng đồng, rút ngắn thời gian đưa F0 đi cách ly, chữa trị; cung cấp các đường dây nóng để người dân thông báo khi có ca bệnh cần đến bệnh viện.

Song song đó, 100% các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức phải lập tổ hỗ trợ và phản ánh nhanh tại địa phương; vận hành ngay đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân phiền hà vì hành xử của cơ quan chức năng.

Thông tin tại cuộc họp, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 9/7 đến nay, Thành phố phát sinh 9.736 ca nhiễm, trong đó có 1.794 ca phát hiện trong cộng đồng, 7.942 ca trong khu cách ly, phong tỏa.

Mặc dù số ca phát sinh tăng từng ngày, nhưng số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng và bệnh viện có xu hướng giảm.

Hiện, huyện Bình Chánh có số ca nhiễm phát sinh nhiều nhất, sau đó là quận Bình Tân, Quận 8, Thành phố Thủ Đức… Các phường có ca dương tính phát sinh nhiều nhất là Phường 13, Quận 10 (43 ca); phường Hiệp Tân, quận Tân Phú (41 ca); Phường 7, Quận 8 (41 ca)…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục