Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh “cắm chốt” duy trì sản xuất trong đại dịch COVID-19
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN trong ngày 14/7, các doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt tay chuẩn bị các điều kiện cần thiết để duy trì sản xuất trong điều kiện siết chặt quy định phòng chống dịch.
Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quá đông lao động không thể đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch ở cấp độ cao nhất, phải chấp nhận tạm ngưng hoạt động.
*Huy động mọi nguồn lực đáp ứng “3 tại chỗ” Theo quy định của UBND Tp. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp được phép hoạt động khi đáp ứng một trong hai điều kiện sau: Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”, chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức thẩm định các doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện nêu trên và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì mới cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo một trong hai yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cho biết, trước khi Thành phố ra chỉ đạo, Công ty đã lường trước tình huống phải thực hiện cách ly sản xuất tại chỗ trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến quá phức tạp.Chính vì vậy, từ sáng nay (14/7), ban lãnh đạo Công ty đã họp nhanh và gấp rút triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện thực hiện tiêu chí “3 tại chỗ” cho lực lượng lao động sản xuất tại nhà máy.
Cụ thể, Công ty đã bố trí và tiến hành làm vệ sinh các khu vực hội trường, khu vực văn phòng chưa sử dụng và khu vực tiếp khách để làm chỗ ở cho khoảng 200 công nhân viên. Trang bị thêm các vật dụng cần thiết để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi sau giờ làm việc. Các nhân viên nhà bếp cũng được huy động ở lại Công ty để phục vụ đủ 3 bữa ăn cho toàn bộ nhân viên ở lại. “Hiện tại Công ty chỉ bố trí 50% số lao động ở lại để thực hiện “3 tại chỗ” mà vẫn đảm bảo giãn cách tối thiểu giữa người với người. Ngoài ra số lao động này sẽ được test COVID-19 sớm để đảm bảo không có bất cứ nguy cơ lây nhiễm nào khi doanh nghiệp tổ chức sản xuất, cách ly tại chỗ cho đến khi tình hình dịch bệnh tại thành phố tốt hơn”, ông Trương Tiến Dũng chia sẻ. Theo ông Trương Tiến Dũng, duy trì sản xuất tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm không chỉ để tạo việc làm hay doanh thu cho doanh nghiệp mà còn là một trong những yêu cầu thiết yếu để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân Thành phố và cả nước trong cuộc chiến chống dịch. Vì vậy, dù phải cắt giảm các đơn hàng gia công bên ngoài để tập trung sản xuất đơn hàng trực tiếp nhưng lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cố gắng trang bị thêm đồ dùng; miễn phí toàn bộ tiền ăn cho lao động làm việc tại doanh nghiệp trong thời gian “cắm chốt” nhằm động viên tinh thần, giúp họ yên tâm làm việc. Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cho biết, Công ty đã chủ động chuyển chế độ cách ly hoàn toàn với bên ngoài theo phương thức ăn ở, sản xuất tại chỗ từ chiều ngày 10/7, trước khi Thành phố yêu cầu.Theo đó, 130/160 lao động của Lập Phúc ở lại xưởng sản xuất, họ được Công ty bố trí chỗ ăn, ngủ và sinh hoạt; 30 công nhân còn lại vì lý do gia đình nên Công ty giải quyết tạm thời cho về nhà và hưởng lương cơ bản.
Theo ông Nguyễn Văn Trí, thuận lợi của doanh nghiệp là số lượng công nhân ít, khoảng cách giữa các thiết bị trong xưởng sản xuất rộng rãi nên có thể bố trí sinh hoạt, nghỉ ngơi cho từng công nhân ngay tại vị trí máy mà họ phụ trách. Thêm vào đó, toàn bộ công nhân của Công ty đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối, trước khi tổ chức “3 tại chỗ”, Công ty cũng chủ động liên hệ trung tâm y tế quận để xét nghiệm cho toàn bộ số lao động làm việc tại nhà máy và đã có kết quả âm tính.Đội ngũ nhân viên bếp ăn cũng được yêu cầu ở lại, hàng ngày sẽ đặt thực phẩm từ siêu thị và chế biến để phục vụ bữa ăn sáng, trưa, chiều cho người lao động.
*Nhiều doanh nghiệp phải “đóng băng” Bên cạnh những doanh nghiệp có khả năng tổ chức sản xuất, cách ly tại chỗ theo yêu cầu phòng chống dịch mới của Thành phố, không ít doanh nghiệp khác phải chấp nhận "hy sinh" tạm dừng sản xuất vì sự an toàn của người lao động.Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tập đoàn Gia Định cho biết, doanh nghiệp hiện có 2.000 lao động. Trong những ngày qua thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất theo hình thức 50/50 số lao động.
Tuy nhiên theo chỉ đạo mới nhất của Thành phố, doanh nghiệp phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện là “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm”; công nhân phải ở tập trung một điểm, không được di chuyển bằng phương tiện cá nhân thì doanh nghiệp không thể đáp ứng. Vì vậy, doanh nghiệp phải chấp nhận tạm dừng sản xuất từ ngày 14/7 cho đến khi Thành phố nới lỏng quy định phòng chống dịch. Theo ông Nguyễn Chí Trung, các doanh nghiệp da giày, dệt may thường có số lượng lao động lớn, lên tới hàng nghìn công nhân. Để đảm bảo giãn cách, doanh nghiệp có thể chia ca sản xuất luân phiên nhưng việc bố trí cho lao động ăn ở, sinh hoạt trong nhà máy rất khó khăn.Tại Công ty Tập đoàn Gia Định, khi bố trí 50% lao động sản xuất, có thể xếp được chỗ cho lao động nghỉ ngơi nhưng còn rất nhiều vấn đề khác như ăn uống ngày 3 bữa, giữ vệ sinh, kiểm soát việc giữ khoảng cách sau giờ làm không thể quản lý được. Việc bố trí cho toàn bộ lao động tập trung tại một cơ sở khác như ký túc xá, nhà ở tập thể, khách sạn cũng không khả thi khi số lao động quá đông và doanh nghiệp không có đủ thời gian chuẩn bị.
“Các doanh nghiệp da giày, dệt may đang vào mùa sản xuất, đơn hàng rất nhiều, bây giờ không sản xuất và giao hàng kịp thì nguy cơ đền bù thiệt hại các đơn hàng đã ký, mất đơn hàng và mất khách những mùa tới rất cao, thiệt hại khó mà tính hết", ông Nguyễn Chí Trung chia sẻ. Hàng nghìn lao động phải nghỉ việc cũng gặp nhiều khó khăn khi không có thu nhập, về quê cũng không được sẽ phát sinh thêm gánh nặng cho hoạt động an sinh xã hội trong thời gian chống dịch.Quyết định tạm dừng sản xuất là một quyết định vô cùng khó khăn nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến nhanh và phức tạp thì không còn cách nào khác. Chỉ hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, Thành phố có thể nới lỏng quy định phòng chống dịch để doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất trở lại, ông Nguyễn Chí Trung cho hay.
Cũng trong ngày 14/7, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (chuyên sản xuất giày thể thao cho các nhãn hàng lớn ở quận Bình Tân) có 56.000 công nhân lao động cũng đã quyết định tạm ngừng hoạt động 10 ngày để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu chính quyền địa phương. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết, doanh nghiệp không thể bố trí tất cả lao động sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ bởi số lượng công nhân quá lớn, trong khi diện tích nhà xưởng đều lắp thiết bị, máy móc. "Công ty đã tính đến phương án giảm sản xuất để giảm số lao động trong thời điểm Thành phố thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nếu duy trì sản xuất ở mức tối thiểu 30% thì số công nhân ở lại nhà máy đã hơn 16.000 người và Công ty khó đảm bảo nhu cầu về sinh hoạt, ăn ở của số lượng lớn công nhân suốt trong 10 ngày liên tục nên giải pháp tạm ngừng sản xuất là khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay", ông Củ Phát Nghiệp chia sẻ. Thống kê sơ bộ tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, đến thời điểm chiều 14/7 đã có 34 doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất do có yếu tố dịch tễ hoặc chủ động ngừng hoạt động để chống dịch theo yêu cầu của Thành phố; trong đó, Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7) có 29 doanh nghiệp; Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh có 3 doanh nghiệp; Khu chế xuất Linh Trung I và Khu chế xuất Linh Trung II mỗi nơi có 1 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động./.Tin liên quan
-
Thị trường
Hệ thống siêu thị của Central Retail tăng hàng hóa, bán giá bình ổn tại Tp. Hồ Chí Minh
15:51' - 14/07/2021
Hệ thống siêu thị Big C / GO và Tops Market đã tăng cường nhiều loại hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Tp. Hồ Chí Minh.
-
Kinh tế & Xã hội
Người dân Tp. Hồ Chí Minh chọn siêu thị khi chợ truyền thống tăng giá
14:49' - 14/07/2021
Ghi nhận tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 14/7, người dân tiếp tục đổ về điểm bán lẻ thuộc kênh phân phối hiện đại như: đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua sắm lương thực, thực phẩm.
-
Tài chính & Ngân hàng
Tp.Hồ Chí Minh không áp dụng yêu cầu “3 tại chỗ” với các tổ chức tín dụng
13:20' - 14/07/2021
Thành phố Hồ Chí Minh không áp dụng yêu cầu "3 tại chỗ" về phòng chống dịch COVID-19 với các tổ chức tín dụng, hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì bình thường.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm nhân sự Bộ Quốc phòng
22:25' - 24/04/2025
Ngày 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các Quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự Bộ Quốc phòng.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác dầu khí với Algeria
20:12' - 24/04/2025
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã tiếp và làm việc với Nghị sỹ Saleh Djeghloul, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Algeria - Việt Nam sang công tác tại Hà Nội từ ngày 21 - 26/4/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Áp lực cho logistics Việt trên đường đua số và xanh
19:49' - 24/04/2025
Chiều 24/4, Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”.
-
Kinh tế Việt Nam
Triển lãm công nghệ GITEX Asia 2025: Cửa ngõ kết nối toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam
19:16' - 24/04/2025
Tại GITEX Asia Singapore, Việt Nam gây ấn tượng với Gian hàng Việt Nam và “Ngày Việt Nam” nhằm kết nối cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam với toàn cầu
-
Kinh tế Việt Nam
Cơ hội hợp tác về giải pháp công nghệ đầu tư phát triển năng lượng sạch
17:59' - 24/04/2025
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) phối hợp tổ chức Diễn đàn Quốc tế Năng lượng Việt Nam – Trung Quốc – ASEAN 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Chấn chỉnh hoạt động đăng kiểm từ gốc
17:13' - 24/04/2025
Để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm định, các cơ sở đăng kiểm đã chủ động rà soát, chấn chỉnh thái độ phục vụ không đúng mực của một số đăng kiểm viên.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách
17:13' - 24/04/2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 812/QĐ-TTg ngày 24/4/2025 về việc thành lập Hội đồng Tư vấn chính sách.
-
Kinh tế Việt Nam
TTXVN tổ chức gặp mặt truyền thống Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
16:59' - 24/04/2025
Chương trình có sự tham dự của nhiều cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam từng tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải pháp nào kiểm soát ô nhiễm không khí, cải thiện chất lượng môi trường?
16:25' - 24/04/2025
Ô nhiễm không khí là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam. Số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng môi trường không khí tại các thành phố này thường xuyên ở mức trung bình