Biến đổi khí hậu đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người

12:00' - 31/10/2017
BNEWS Với những đợt nắng nóng gay gắt, sự lây lan của các bệnh do muỗi truyền và tình trạng suy dinh dưỡng do mùa màng thất bát, biến đổi khí hậu đang gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người.

Đây là cảnh báo từ Báo cáo mang tựa đề “Lancet Countdown” được công bố ngày 31/10 trên tạp chí y khoa Anh The Lancet thu hút sự tham gia của các chuyên gia đến từ 24 nhóm, trong đó có Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng nhiều trường đại học.

Báo cáo nêu rõ hành động của con người nhằm làm chậm lại quá trình nóng lên của Trái Đất trong 25 năm qua không đủ mạnh để ngăn chặn mối nguy hiểm đối với sức khỏe và kế sinh nhai của con người. Đã có những bằng chứng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với con người ngày càng rõ ràng và xuất hiện nhiều nguy cơ không thể đảo ngược. 

Dựa trên 40 chỉ số về sức khỏe và khí hậu, báo cáo cho thấy từ năm 2000-2016, mỗi năm lại có thêm 125 triệu người trên thế giới gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng, đặc biệt người cao tuổi thuộc nhóm người có rủi ro cao.

Kể từ năm 2000, năng suất lao động của nông dân giảm 5,3%, chủ yếu do thời tiết nắng nóng tại những nước như Ấn Độ, Brazil khiến sức khỏe của họ giảm sút. 

Do mùa màng thất bát, số người bị suy dinh dưỡng tại 30 nước ở châu Á và châu Phi tăng từ 398 triệu người của năm 1990 lên 422 triệu người vào năm 2016. Báo cáo nhấn mạnh tình trạng suy dinh dưỡng được xác định là tác động nghiêm trọng nhất của biến đối khí hậu đối với sức khỏe con người trong thế kỷ XXI. 

Trong khi đó, mức độ ô nhiễm không khí tại 87% các thành phố trên thế giới, nơi hàng tỷ người đang sinh sống, đã vượt giới hạn do WHO đặt ra. Biến đổi khí hậu dường như cũng là nguyên nhân gây ra dịch sốt xuất huyết, khiến mỗi năm có tới 100 triệu lượt người mắc bệnh này.

Báo cáo trên không đưa ra con số ước tính về số người tử vong do các lý do trực tiếp và gián tiếp liên quan tới biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ước tính trước đó của WHO cho thấy biến đối khí hậu có thể sẽ cướp đi sinh mạng của 250.000 người mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2030 – 2050.

Một điểm sáng trong báo cáo là mặc dù số lượng các thiên tai như mưa bão và lũ lụt tăng 46% kể từ năm 2000, nhưng may mắn số người thiệt mạng không tăng, cho thấy các nước đã nâng cao các biện pháp phòng chống thảm họa thiên nhiên.

Trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, nhiều chính phủ đang tích cực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo khuôn khổ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được ký năm 2015, bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định này.

Các đại diện của gần 200 quốc gia dự kiến nhóm họp tại thành phố Bonn  của Đức từ ngày 6-17/11 tới để thảo luận về các quy định trong triển khai văn kiện lịch sử trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục