Biến đổi khí hậu đe dọa ngành cà phê

05:30' - 25/11/2023
BNEWS Sự biến đổi môi trường sống tạo mối đe dọa mới cho ngành cà phê, bao gồm sự gia tăng căng thẳng về tài nguyên nước, sâu bệnh, việc dịch chuyển các vùng chuyên canh lên độ cao lớn hơn...
Theo nhật báo Les Echos, cuộc khủng hoảng môi trường mà ngành hàng cà phê toàn cầu đang phải đối mặt có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện để ngành nông sản được ưa chuộng hàng đầu thế giới có thể phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

Trong những thập kỷ gần đây, nhu cầu về cà phê tăng vượt bậc. Từ năm 1990, tổng sản lượng trồng và thu hoạch cà phê tăng 60%. Cho tới giai đoạn 2000-2009, quy mô này đã mở rộng nhanh chóng, nhờ nhu cầu ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2025, nhu cầu về cà phê trên toàn cầu sẽ tăng gấp hai hoặc ba.

Tuy nhiên, tính toán của ngân hàng Hà Lan Rabobank cho thấy nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã giảm 13% trong quý II/2023, trong khi Mỹ ghi nhận mức giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Rabobank, đây là sự suy giảm lớn nhất được ghi nhận trong 15 năm qua.

Ông Benoît Bertrand, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp (CIRAD), chia sẻ: “Cây cối đều là nạn nhân của biến đổi khí hậu và cà phê cũng không ngoại lệ’’.

 
Trong khi 60% loài cà phê hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng do biến đổi khí hậu và nạn phá rừng, thì các loài được trồng thương mại, thậm chí còn có nguy cơ tuyệt chủng lớn hơn. Sự biến đổi môi trường sống đã đặt ra những mối đe dọa mới cho ngành cà phê, bao gồm sự gia tăng căng thẳng về tài nguyên nước, sự lây lan của sâu bệnh, việc dịch chuyển các vùng chuyên canh lên các độ cao lớn hơn, cũng như nhiệt độ quá cao cản trở quá trình thụ phấn hoa và phát triển của trái cây.

Năm 2021, trong khi mức tiêu thụ cà phê bắt đầu một giai đoạn mới sau "cơn lốc" khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, một đợt hạn hán đặc biệt nghiêm trọng và các đợt giá lạnh tại Brazil đã khiến sản lượng cà phê trên toàn cầu sụt giảm. Kết quả là giá cà phê đã leo lên mức cao nhất.

Do hoạt động sản xuất cà phê chủ yếu dựa vào các nhà sản xuất nhỏ, đóng góp 80% sản lượng toàn cầu. Ước tính có khoảng 25 triệu các nhà sản xuất nhỏ trong lĩnh vực cà phê toàn cầu. Những người này chỉ được hưởng một phần không đáng kể từ lợi nhuận được tạo ra bởi các bên tham gia ở phía dưới chuỗi cung ứng.

Năm 2018, một nghiên cứu của Max Havelaar France, Commerce Equitable France và tập thể Repenser les Filières báo cáo rằng các nhà sản xuất chỉ thu được khoảng 10% giá bán cà phê trung bình cho người tiêu dùng.

Chuyên gia Benoît Bertrand nhận định, hậu quả của biến đổi khí hậu đối với cà phê là đáng lo ngại đối với các nhà sản xuất nhỏ hơn là đối với người tiêu dùng cuối cùng. Thực tế là cấu trúc của chuỗi cung ứng cà phê làm gia tăng những ảnh hưởng kinh tế tại vùng nguyên liệu.

Ông nói: ‘‘Ở hầu hết các quốc gia sản xuất cà phê, chính phủ không đầu tư để hỗ trợ các nhà sản xuất. Trên dải xích đạo, các cấu trúc tổ chức xã hội chính trị ở các nước trong khu vực không có khả năng làm giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu đối với các khía cạnh kinh tế và xã hội’’.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp cà phê vượt qua khó khăn, quỹ Hanns R. Neumann Stiftung (HRNS) – được thành lập vào năm 2005 bởi gia đình của Michael R. Neumann, người trước đây là một nhà môi giới cà phê làm việc cùng các nhà sản xuất nhỏ - đang hỗ trợ các hộ nông dân cải thiện điều kiện sống của họ thông qua việc nâng cao năng suất, cải thiện sản xuất và đa dạng hóa hệ thống nông nghiệp.

Quỹ HRNS hoạt động dài hạn ở những khu vực có cơ sở hạ tầng đã được thiết lập tốt và đội ngũ nhân viên hoàn toàn là người địa phương. Ông Michael Opitz, giám đốc điều hành của tổ chức này cho biết: “Những người sản xuất cảm nhận được rất rõ tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với cây trồng của họ”. Do đó họ đã ủng hộ các giải pháp do HRNS đưa ra, chẳng hạn như trồng thêm cây, cải thiện việc bảo tồn đất và khả năng thấm nước, hoặc giảm sự bốc hơi thông qua việc sử dụng lớp phủ bảo vệ đất.

Nhưng các giải pháp dài hạn do HRNS đề xuất có vẻ khó khả thi đối với người sản xuất quy mô nhỏ, do quá tốn kém và không hiệu quả. Để đảm bảo sự phát triển bền vững và thích ứng với khí hậu, CIRAD đang tập trung vào nghiên cứu và tạo ra các giống cà phê mới, có khả năng chống chịu hạn, cũng như thích ứng với sự thay đổi của khí hậu.

Chuyên gia Bertrand nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tài trợ cho nghiên cứu và đổi mới. Ông nói công việc của các nhà khoa học phải nỗ lực gấp đôi để tìm ra các giống mới có năng suất cao, phát triển các hệ thống canh tác có khả năng chống chịu tốt hơn trước các thách thức và biến động khí hậu.

Điều đáng tiếc là nguồn lực dành cho các nghiên cứu trong lĩnh vực này hiện còn rất hạn chế và thế giới chưa có được một ngành công nghiệp hạt giống cà phê hoàn chỉnh. Các cơ quan nghiên cứu cũng chưa nỗ lực tập trung vào việc phát triển các loại giống và sản phẩm mới. Vì vậy, Giám đốc Quỹ HRNS Opitz cho rằng cần tìm kiếm các giải pháp xa hơn chứ không chỉ trong khu vực nơi cây trồng được sản xuất.

Ông nhấn mạnh: “Cần có những giống mới có khả năng chống chọi tốt hơn với tác động của biến đổi khí hậu, cũng như các phương pháp thực hành nông nghiệp thông minh và sự phát triển của các hệ thống nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa hơn’’.

Mặc dù thừa nhận rằng ngành cà phê thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ông Opitz tin rằng các nhà sản xuất nhỏ vẫn có tiềm năng lớn. Theo ông, bằng cách thích ứng với biến đổi khí hậu, người trồng cà phê đang đóng góp vào bảo tồn đa dạng sinh học và giảm lượng khí nhà kính.

Giám đốc Quỹ HRNS nói: “Điều quan trọng nhất hiện nay là ngành cà phê phải nhanh chóng nhận thức được rằng cần tăng cường hỗ trợ cho các trang trại nhỏ, nếu chúng ta còn muốn tiếp tục được thưởng thức những tách cà phê ngon vào buổi sáng”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục