An ninh lương thực - mặt trái của một thế giới dư thừa

08:40' - 23/11/2023
BNEWS Biến đổi khí hậu, xung đột, COVID-19 và ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine đối với nguồn cung lương thực toàn cầu là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực hiện nay.

Anh chủ trì và đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Lương thực toàn cầu tại Tòa nhà Lancaster, thủ đô London, cùng với Somali, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Tổ chức Quỹ đầu tư trẻ em (CIFF) và Quỹ Bill & Melinda Gates.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Lương thực toàn cầu lần này được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng Anh được đưa ra vào tháng 9/2023, sau khi Nga tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Ngũ Cốc Biển Đen, với sự tham gia của đại diện từ 20 quốc gia, bao gồm Somalia, UAE, Brazil, Pakistan, Yemen, Ethiopia, Tanzania, Malawi, Mozambique, Indonesia... và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thực Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới thuộc Liên hợp quốc.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận về bốn chủ đề, gồm: Xây dựng các phương pháp tiếp cận mới để chấm dứt cái chết có thể phòng ngừa được ở trẻ em, khai thác khoa học công nghệ đảm bảo an ninh lương thực, dự báo và ngăn chặn nạn đói và khủng hoảng an ninh lương thực, xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững và thích ứng với khí hậu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Anh Sunak kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết các nguyên nhân cơ bản gây mất an ninh lương thực, xây dựng hệ thống thực phẩm linh hoạt hơn và hành động ngay để ngăn chặn khủng hoảng lương thực và suy dinh dưỡng: “Chúng ta đang sống trong một thế giới nguy hiểm, vào thời điểm có nhiều mối đe dọa, cạnh tranh và xung đột chiến lược ngày càng gia tăng.

Giờ đây, nhiều thách thức như xung đột ở Ukraine có tác động trực tiếp đến những người nghèo nhất thế giới” và “chúng ta phải hành động để giải quyết những nguyên nhân cơ bản và thường không được nhìn thấy, gây ra tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu”.

Thủ tướng Sunak cũng nhấn mạnh, trong một thế giới dư thừa, không ai phải chết vì thiếu lương thực, và không cha mẹ nào phải nhìn con mình chết đói.

Với tư cách là nước chủ trì Hội nghị, Chính phủ Anh đã đưa ra một số sáng kiến đối với an ninh lương thực toàn cầu, như thành lập Trung tâm khoa học trực tuyến, do Mạng lưới Khoa học về các thách thức lớn nhất cho nhân loại (CGIAR) lãnh đạo, nhằm liên kết các nhà khoa học của Anh với các sáng kiến nghiên cứu nhằm phát triển các loại cây trồng có thể chịu được tác động của biến đổi khí hậu và có khả năng kháng bệnh tốt hơn.

Thủ tướng Sunak cũng công bố Sách Trắng Phát triển Quốc tế mới về tình trạng mất an ninh lương thực, đưa ra cách Anh sẽ hợp tác với các quốc gia để giải quyết tình trạng nghèo đói cùng cực và biến đổi khí hậu.

Trong Sách Trắng, Chính phủ Anh cho rằng, biến đổi khí hậu, xung đột, tác động lâu dài của COVID-19 và ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine đối với nguồn cung lương thực toàn cầu là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực hiện nay.

Đổng thời Chính phủ Anh cũng công bố khoản tài trợ lên tới 100 triệu bảng Anh để ứng phó với các cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và tác động của chúng tại các điểm nóng về nạn đói và suy dinh dưỡng trên thế giới, bao gồm Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Sahel, Afghanistan và Malawi. Các quỹ này bao gồm các chương trình quan trọng đối với an ninh lương thực, như hỗ trợ lương thực, dinh dưỡng và hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất.

Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng sẽ tài trợ 100 triệu bảng Anh (124,8 triệu USD) để xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc khí hậu và cung cấp an ninh lương thực cho những gia đình dễ bị tổn thương nhất ở Somalia nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng nhân đạo trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục