Biến động chính trị có thể sẽ là thách thức đối với kinh tế Eurozone

17:24' - 24/02/2017
BNEWS Dẫu lạc quan về triển vọng tăng trưởng nhưng với những khó khăn trước mắt, hành trình phát triển kinh tế của Eurozone năm 2017 sẽ ít nhiều gặp bất lợi.
Kinh tế Eurozone có thể tăng trưởng cao hơn trong năm 2017. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2016, Ủy ban châu Âu (EC) đã bày tỏ lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2017 và năm 2018. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Eurozone sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế trong năm 2017 do tác động từ những biến động chính trị tại khu vực.

* Nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế

Ngày 14-2-2017, EC đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2017 lên mức 1,6%, tăng 0,1% so với dự báo trước đó.

Trong dự báo kinh tế mùa Đông, EC cho rằng kinh tế 19 nước khu vực Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 1,6% trong năm 2017 và tiếp tục tăng trưởng đạt 1,8% vào năm 2018. So với dự báo trước đó, cả hai con số dự báo trên đều được điều chỉnh tăng thêm 0,1%.

Trước đó, trong báo cáo công bố cuối tháng 1 vừa qua, Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết kinh tế khu vực Eurozone đã phục hồi mạnh hơn, với lạm phát tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong bảy năm rưỡi.

Eurostat cho biết kinh tế Eurozone đã tăng trưởng 0,5% trong quý IV/2016, cao hơn dự báo tăng 0,4% của các nhà phân tích trước đó. Trong khi tỷ lệ lạm phát trong tháng 1-2017 tăng lên 1,8%, cao hơn đáng kể so với mức 1,1% của tháng 12-2016; còn tỷ lệ thất nghiệp bình quân giảm xuống 9,6%, với mức giảm mạnh tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Cùng với sự khởi sắc của kinh tế khu vực, tỷ lệ thất nghiệp tại Đức - nền kinh tế đầu tàu của Eurozone - cũng giảm xuống 5,9% trong tháng Một vừa qua. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ năm 1990, khi nước Đức thống nhất.

Các số liệu tích cực trên sẽ gây sức ép đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc thu giảm dần quy mô các chương trình kích thích kinh tế.

Sau dự báo lạc quan của EC về “thể trạng” kinh tế Eurozone, thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đã ghi nhận những sắc xanh.

Các chỉ số chứng khoán giao dịch tại Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp) đều tăng khoảng 1%, còn ba chỉ số chính của Mỹ ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong phiên thứ ba liên tiếp. Cụ thể tại châu Âu, vào cuối phiên ngày 14-2, chỉ số FTSE 100 giao dịch ở thị trường London (Anh) tăng 0,3% lên 7.278,92 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt và chỉ số CAC 40 giao dịch ở Paris tăng lần lượt là 0,9% và 1,2% lên 11.774,43 điểm và 4.888,19 điểm.

Trong khi đó tại Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7% lên 20.412,16 điểm, chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cùng tăng 0,5% lên lần lượt 2.328,25 điểm và 5.763,96 điểm.

* Còn nhiều thách thức

Mặc dù EC đưa ra dự báo lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế của Eurozone nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn về chính trị có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Eurozone trong năm 2017 như sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu hay còn gọi là Brexit, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump (Đô-nan Trăm) cũng như một loạt các cuộc bầu cử quan trọng trong khu vực.

Về vấn đề Brexit, các nhà phân tích lo ngại việc các cuộc đàm phán về Brexit giữa Chính phủ Anh và EU chính thức được khởi động vào tháng 3-2017 sẽ tác động tới Eurozone khi làm gia tăng tâm lý ngại rủi ro trên thị trường tài chính, gây áp lực đối với các nhà đầu tư tư nhân, dẫn đến việc thị trường có thể đòi hỏi lãi suất cao hơn đối với các doanh nghiệp và các chính phủ, sức ép đối với niềm tin của người tiêu dùng và thị trường…

Về chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, các nhà phân tích cho rằng những tuyên bố của ông Trump về ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ một khi được áp dụng có thể gây nguy hại cho thương mại thế giới trong đó có Eurozone vốn đang trong tình trạng nhiều biến động.

Nhà kinh tế học Philippe Waechter (Phi-lip Va-ếch-tơ) thuộc ngân hàng Natixis AM của Pháp cảnh báo đây chỉ là những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhiều thách thức đang chờ đợi Eurozone khi năm 2017 diễn ra các cuộc bầu cử mang tính quyết định tại Đức, Pháp, Hà Lan và Italy. Đồng thời không loại trừ khả năng chủ nghĩa dân túy có thể giành chiến thắng tại các cuộc bầu cử quan trọng này. Nhà kinh tế học Maxime Sbaihi (Ma-xim Xbai-hi) thuộc Bloomberg Intelligence của Anh cũng nhận định nếu phe theo chủ nghĩa dân túy giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sắp tới tại châu Âu sẽ là thách thức lớn đe dọa sự gắn kết của đồng tiền chung châu Âu, dù ông tin tưởng sẽ không có nước nào rời khỏi Eurozone.

Ngoài tác động về chính trị, sự quay lại của lạm phát cùng với việc tăng lãi suất cũng là những yếu tố làm suy yếu khả năng tăng trưởng kinh tế của Eurozone. Theo ECB, lạm phát sẽ tăng lên mức 1,2% trong năm 2017 khiến sức mua của các hộ gia đình giảm.

Thêm vào đó, Eurozone cũng sẽ đứng trước nguy cơ đe dọa từ việc tăng lãi suất trong năm 2017. Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 15-12-2016 đã công bố quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, tiếp đó Pháp, Đức và Italy cũng nâng lãi suất, khiến chu kỳ giảm lãi suất diễn ra từ hơn một thập niên qua đã kết thúc. Đa số các nhà kinh tế đánh giá đây là một tín hiệu tốt vì thời gian qua lãi suất đã rơi xuống mức quá thấp. Tuy nhiên, chuyên gia Gilles Moëc của ngân hàng Bank of America ML nhấn mạnh điều này chỉ thực sự tốt với điều kiện là lạm phát không tăng quá cao.

Để ngăn chặn những nguy cơ trên, tháng 12-2016, ECB đã quyết định gia hạn chương trình mua lại nợ công (80 tỉ euro/tháng) đến cuối năm 2017. Nhưng việc đó là chưa đủ khi mà công cụ tiền tệ tỏ ra không còn hiệu quả như trước đây và một nguy cơ khác nữa là khi FED tăng lãi suất, các nguồn vốn sẽ lại đổ về Mỹ và chính điều này làm suy yếu các thị trường mới nổi.

Dẫu lạc quan về triển vọng tăng trưởng nhưng với những khó khăn trước mắt, hành trình phát triển kinh tế của Eurozone năm 2017 sẽ ít nhiều gặp bất lợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục