Biến động chính trị khiến chứng khoán Paris “tuột” ngôi vương

10:08' - 22/06/2024
BNEWS Thị trường chứng khoán Paris dường như đang đánh mất lợi thế so với "đối thủ" ở London.
Trước những lo ngại về kết quả bầu cử Quốc hội sắp diễn ra ở Pháp, thị trường chứng khoán Paris dường như đang đánh mất lợi thế so với "đối thủ" ở London. Theo dữ liệu của Bloomberg, tất cả các cổ phiếu được niêm yết ở Pháp hiện có giá trị tương đương 3.130 tỷ USD, so với mức 3.180 tỷ USD của tất cả cổ phiếu được niêm yết ở Vương quốc Anh.
 
Theo chuyên gia thị trường cấp cao Axel Rudolph, sự hồi sinh của London với tư cách là thị trường chứng khoán lớn nhất châu Âu “chủ yếu” đến từ việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 9/6, sau khi đảng của ông không đạt được kết quả như dự kiến trong cuộc bỏ phiếu bầu các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu.
 
Ông Axel Rudolph chia sẻ với CNN: “Thị trường tài chính không thích sự không chắc chắn và điều này khiến mọi người lo lắng (về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo)”.
 
Kể từ ngày 9/6, chỉ số CAC 40 – bao gồm của các cổ phiếu hàng đầu của Pháp - đã giảm hơn 5% giá trị - tương đương 160 tỷ USD - khi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu sẽ đóng vai trò lớn hơn nhiều trong Quốc hội của nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu.
 
Vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Pháp dự kiến diễn ra vào ngày 30/6, tiếp theo là vòng thứ hai vào ngày 7/7. Một cuộc thăm dò dư luận do công ty nghiên cứu OpinionWay công bố tuần trước cho thấy 32% số người được hỏi dự định bỏ phiếu đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, 25% cho liên minh các đảng phái cánh tả và 19% cho Đảng Phục hưng của Tổng thống Macron.
 
Các cổ phiếu ngân hàng Pháp đã đặc biệt giảm sút kể từ khi ông Macron kêu gọi bầu cử. Trong đó, cổ phiếu của Société Générale đã giảm gần 14%, trong khi cổ phiếu của BNP Paribas và Credit Agricole lần lượt giảm 10,6% và 11,2%.
 
Nhà kinh tế thị trường cấp cao tại công ty tư vấn Capital Economics Hubert de Barochez cho biết các nhà đầu tư có thể lo ngại rằng Quốc hội do đảng Mặt trận Quốc gia Pháp điều hành sẽ đưa ra những quyết định bất lợi đối với các ngân hàng. Ông nói với CNN: “Nhìn chung, chính phủ dân túy thường nhắm tới các ngân hàng và số tiền thu được của họ… Do đó, có quan ngại về thuế bổ sung đối với các ngân hàng”.
 
Theo ông Hubert de Barochez, một lý do khác dẫn đến sự sụt giảm của cổ phiếu ngân hàng Pháp là do “các ngân hàng đang là chủ nợ của chính phủ”. Giá trị của trái phiếu chính phủ đã giảm kể từ ngày 9/6, khiến các nhà đầu tư kỳ vọng lợi tức sẽ tăng, vì họ nhận thấy rủi ro cao của việc nắm giữ những tài sản này.
 
Một Quốc hội do phe cực hữu thống trị có thể khiến mục tiêu giảm khoản nợ khổng lồ của Chính phủ Pháp, tương đương 110,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm ngoái, trở nên khó khăn hơn. Thậm chí, con số này còn có thể tăng thêm.
 
Một Quốc hội bị chia rẽ gay gắt cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách – khoảng cách giữa chi tiêu chính phủ và các khoản thu thuế – vốn đã ở mức 5,5% GDP vào năm ngoái.
 

Chuyên gia Rudolph tại công ty dịch vụ tài chính IG Group cho biết, trái ngược với tình trạng bất ổn chính trị và tài chính ở Pháp, thị trường tài chính ở Anh “tương đối ổn định”. Vương quốc Anh đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4/7, cuộc bầu cử mà Công đảng được dự đoán sẽ giành chiến thắng áp đảo.

Ngoài ra, hiện tại, sự không chắc chắn xung quanh Brexit (chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu – EU) đã giảm bớt và nước Anh đã thoát khỏi một cuộc suy thoái ngắn hạn. Các nhà đầu tư đang mua cổ phiếu của các công ty Anh. Họ bị thu hút bởi mức định giá thấp so với chứng khoán Mỹ, chuyên gia Rudolph nói thêm.
 
Ông Richard Hunter, người đứng đầu mảng thị trường tại nền tảng đầu tư Interactive Investor, đã viết trong một ghi chú: “Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Vương quốc Anh đang nhận được sự ưu ái của các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ sự kết hợp của các công ty ổn, có khả năng tạo ra tiền mặt với mức giá giá rẻ hơn khi so sánh (với chứng khoán Pháp) theo tiêu chuẩn lịch sử”.
 
Ở bên kia eo biển Manche, đảng Mặt trận Quốc gia đã cam kết sẽ tăng chi tiêu công và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các lĩnh vực điện và nhiên liệu.
 
Các cơ quan xếp hạng tín dụng đang theo dõi chặt chẽ Pháp, một trong ba quốc gia mắc nợ nhiều nhất trong EU. Tháng trước, S&P đã hạ điểm xếp hạng tín dụng dài hạn của quốc gia này và cho biết họ dự kiến thâm hụt ngân sách sẽ thu hẹp xuống 3,5% GDP trong năm 2027, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2,9% mà chính phủ hiện tại đặt ra.
 
Chuyên gia Mohit Kumar, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại ngân hàng đầu tư Jefferies, đã chia sẻ: “Quan điểm của chúng tôi về Pháp vẫn là đúng, chúng ta nên lo lắng về bức tranh nợ và thâm hụt… Chúng tôi không cho rằng thâm hụt của Pháp sẽ giảm xuống dưới mức 3% GDP trong 5 năm tới”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục