Biến số quyết định triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2022

18:25' - 02/01/2022
BNEWS Kinh tế Mỹ tiến vào năm 2022 với đà phục hồi mạnh mẽ. Kết thúc năm 2021, nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho là sẽ đạt tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhanh nhất kể từ năm 1984.

Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng xu hướng phục hồi mạnh mẽ này sẽ tiếp tục vào năm 2022, cho phép nước Mỹ “chữa lành” hầu hết những “vết thương kinh tế” do đại dịch COVID-19 gây ra. Cùng với đó, thị trường việc làm có thể trở lại trạng thái toàn dụng vào cuối năm 2022. Tình trạng lạm phát tăng cao dự kiến sẽ hạ nhiệt và quay trở về mức lành mạnh hơn.

Mặc dù vậy, những gì đã xảy ra trong hai năm qua đã cho thấy cách mà những sự kiện bất ngờ có thể làm thay đổi mọi dự báo. Điều này có nghĩa là triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2022 vẫn đối mặt với những rủi ro nhất định, bắt nguồn từ một tác nhân vốn vẫn đang làm chao đảo cuộc sống hàng ngày, đó là COVID-19.

COVID-19 vẫn hiện hữu

Người ta vẫn hy vọng rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 sẽ biến mất và những tác động của biến thể này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu làn sóng lây nhiễm mới nhất này tồn tại đủ lâu để làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm với COVID-19 như du lịch và nhà hàng?

Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty đa quốc gia RSM, cho biết: “Đại dịch vẫn là tác nhân tiềm ẩn lớn nhất gây xáo trộn nền kinh tế trong nước Mỹ và toàn cầu”.

Một nguy cơ cũng nghiêm trọng không kém là sự xuất hiện của một biến thể thậm chí còn mang tính đe dọa hơn với các triệu chứng nghiêm trọng hơn cùng khả năng chống lại vaccine ngừa COVID-19 và các mũi nhắc lại.

Tuy nhiên, điều tích cực là cho đến nay Phố Wall dường như vẫn “miễn nhiễm” với hai rủi ro này. Các mức cao kỷ lục trên thị trường chứng khoán được xác lập trong năm 2021 cho thấy giới đầu tư đang đặt cược rằng Omicron hay một biến thể khác sẽ không phải là vấn đề.

Chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục “lộn xộn”

Biến thể Omicron xuất hiện vào đúng thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn phát đi những tia hy vọng le lói về khả năng phục hổi. Gián đoạn chuỗi cung ứng là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng lạm phát.

Hồi đầu năm nay, sự xuất hiện của biến thể Delta, kéo theo đó là hàng loạt biện pháp phong toả, hạn chế, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng.

Do đó, các chuyên gia cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá liệu những điều tương tự có xảy ra tại các nhà máy, cảng và các công ty vận tải đường bộ với biến thể Omicron hay không.

 

Vincent Reinhart, cựu quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), hiện là chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng BNY Mellon, cảnh báo: “Có khả năng biến thể Omicron sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều hơn và sẽ là lực cản đối với tăng trưởng và đầu tư”.

Mặc dù vậy, tin tốt là làn sóng Omicron đang ập đến vào thời điểm mà nhu cầu đang “nguội” đi. Điều này sẽ tạo ra thêm dư địa để các chuỗi cung ứng đối phó với biến thể mới.

Lạm phạt vẫn sẽ nóng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã tăng trong tháng 11/2021 với tốc độ nhanh nhất trong 39 năm, khiến chi phí sinh hoạt của các gia đình tăng lên. Ngân hàng Goldman Sachs dự kiến lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới trước khi hạ nhiệt đáng kể vào cuối năm 2022.

Một rủi ro là các nút thắt cổ chai mới liên quan đến đại dịch COVID-19 sẽ làm hạn chế nguồn cung, khiến giá tăng cao hơn.

Một lo ngại khác là lạm phát tiếp tục lan rộng và ăn sâu hơn vào tâm lý của người tiêu dùng và chủ doanh nghiệp, từ đó gây ra một vòng phản ứng tiêu cực khiến lạm phát tăng cao hơn nữa.

Giá năng lượng cao là nguyên nhân khiến lạm phát tăng đột biến và một rủi ro khác là sự xuất hiện của một đợt tăng giá dầu khác sẽ làm cho bức tranh lạm phát trở nên u ám hơn.

Sự rút lui của “chú Sam” và rủi ro Fed mắc sai lầm chính sách

Sau khi “bơm” ra thị trường số tiền hỗ trợ lên tới 6.000 tỷ USD trong hai năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, sự hậu thuẫn của chính phủ đối với nền kinh tế dự kiến sẽ giảm mạnh vào năm 2022.

Sau gần hai năm tung ra các biện pháp hỗ trợ chưa từng có, Fed cuối cùng cũng đã “nhấc chân ra khỏi bàn đạp ga” và chuẩn bị nhấn phanh.

Trong một nỗ lực chống lạm phát, thể chế quyền lực này dự kiến sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu vào khoảng tháng Ba tới và sẽ thực hiện ba đợt tăng lãi suất trong năm 2022.

Với sức mạnh phục hồi kinh tế như hiện nay, kinh tế Mỹ được cho là sẽ có thể hấp thụ những đợt tăng lãi suất này mà không bị ảnh hưởng tiêu cực. Chi phí đi vay sẽ vẫn ở mức thấp trong lịch sử.

"Cảm nhận của tôi là nền kinh tế hiện đang ở một vị trí khá tốt. Fed có rất nhiều công cụ để làm việc", chuyên gia Brusuelas của RSM nhận định.

Các nhà đầu tư có xu hướng đồng ý với quan điểm của chuyên gia Brusuelas. Điều này được thể hiện thông qua cách các thị trường đang vận động với niềm tin rằng Fed sẽ khéo léo “rút chân” mà không gây ra bất cứ tác động phụ tiêu cực nào đối với nền kinh tế.

Mặc dù vậy, vẫn có khả năng Fed sẽ phạm sai lầm bằng cách tăng lãi suất nhanh hơn mức mà nền kinh tế, hoặc thị trường tài chính, có thể chịu đựng. Và điều này có thể làm chậm lại nghiêm trọng hoặc thậm chí kết thúc quá trình phục hồi.

Những yếu tố bất ngờ khác

Khi đánh giá rủi ro đối với nền kinh tế các chuyên gia kinh tế không thể không tính đến những sự kiện mà ít người mong đợi nhưng vẫn có thể gây ra những tác động lớn.

Ví dụ như một cuộc tấn công mạng lớn gây ra tình trạng hỗn loạn trong nền kinh tế thực hoặc thị trường tài chính, hoặc cả hai.

Năm 2021, việc nhóm tin tặc DarkSide tấn công mạng vào đường ống olonial Pipeline và làm gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu cho Bờ Đông nước Mỹ đã cho thấy các nền tảng hạ tầng quan trọng dễ bị tổn thương như thế nào trước mối đe dọa an ninh mạng.

Một báo cáo gần đây của Hội đồng Quốc tế JPMorgan cảnh báo rằng không gian mạng là "vũ khí nguy hiểm nhất trên thế giới, về mặt chính trị, kinh tế và quân sự".

Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi đầu tháng 12 đã công khai bày tỏ lo ngại về việc một cuộc xâm nhập mạng trái phép có thể “hạ gục” một ngân hàng lớn hoặc một “bánh răng” quan trọng trong hệ thống tài chính.

Ngoài ra, bên cạnh yếu tố không gian mạng là vô số rủi ro khác như chiến tranh, thảm họa thiên nhiên hay thậm chí là một sự cố trên thị trường tiền điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục