Biết khai thác thế mạnh sẽ thành công

17:01' - 30/11/2018
BNEWS Đề án "Mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020" được xem là giải pháp quan trọng góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Bà con nông dân tỉnh Ninh Bình chăm sóc cây vụ đông. Ảnh: Minh Đức - TTXVN 
“Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình lớn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trên cả nước với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền. Đây là hướng đi tất yếu để tạo động lực cho các địa phương cả nước; trong đó, có tỉnh Ninh Bình.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng. Với nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp do có địa hình đa dạng từ vùng núi, đồng bằng đến ven biển, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Ninh Bình đã khai thác các tiềm năng, lợi thế này để chọn ra những sản phẩm độc đáo mang nét đặc trưng riêng nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trên địa bàn đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn như: vùng sản xuất cây ăn quả, vùng sản xuất lúa chất lượng, vùng sản xuất chè, vùng sản xuất rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến; vùng nuôi ngao, tôm, cua thâm canh; trong đó, có một số sản phẩm đặc trưng như: dứa quả 2.000 ha, sản lượng hàng năm trên 4,6 vạn tấn; thịt dê trên 500 tấn; tôm trên 1.000 tấn…

Bên cạnh đó, tỉnh đang từng bước phát triển thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế tới thăm quan. Đây là một lợi thế rất tốt về thị trường mà không phải tỉnh nào cũng có được.

Hiện, Ninh Bình có 75 làng nghề, 2 nghề truyền thống được công nhận với các sản phầm làng nghề độc đáo, đa dạng. Một số sản phẩm của tỉnh đã có thương hiệu riêng như thịt dê, cơm cháy, mắm tép, rượu Kim Sơn, đá Ninh Vân, thêu ren Văn Hải,...Các sản phẩm chủ yếu sản xuất từ nguồn nguyên liệu nội địa mang đậm yếu tố truyền thống.

Sản xuất đặc sản cơm cháy tại Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến - TTXVN
Chính vì vậy, từ tháng 7/2018, tỉnh Ninh Bình bắt đầu triển khai đề án "Mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020" thuộc Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm. Đây là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, sau hơn 4 tháng triển khai, Chi cục đã điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu xây dựng Đề án và đưa ra 33 sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm.

Theo đó, nhóm thực phẩm có 18 sản phẩm; đồ uống có 2 sản phẩm; thảo dược có 2 sản phẩm; nhóm vải, may mặc có 2 sản phẩm; lưu niệm, nội thất, trang trí có 5 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn bao gồm 4 hoạt động: Lữ hành, lưu trú, ăn uống, bán đồ lưu niệm.

Theo khảo sát, đến nay, tỉnh đã có 13 sản phẩm đăng ký công bố chất lượng, 11 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm đạt 1.577 tỷ đồng/năm.

Hiện toàn tỉnh có gần 2.500 tổ chức, cá nhân đang sản xuất sản phẩm tại địa phương; tổng vốn lưu động sử dụng để sản xuất ước khoảng 228 tỷ đồng.

Trong năm 2018, Đề án đã đã dành 500 triệu đồng để tập trung hỗ trợ các sản phẩm tiêu biểu hoàn thiện thủ tục, chứng nhận cần thiết, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng quyền sở hữu và quyền bảo hộ của các sản phẩm.

Xác định rõ việc xây dựng và triển khai đề án là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thời gian tới, Chi cục sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực hiện có như: Thịt dê, cơm cháy, nem chua Yên Mạc, ngao Kim Sơn, cá rô Tổng Trường, cá Tràu tiến vua, các sản phẩm đóng hộp của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, các sản phẩm mới là gạo Tràng An, dưa lê Kim Sơn, rau quả tươi, muối thảo dược và các sản phẩm khác về dược liệu.

Đồng thời, Chi cục tập trung cho công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của Đề án "Mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018 - 2020"; triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời nghiên cứu ban hành một số chính sách mới để hỗ trợ thực hiện Đề án.

Gia đình chị Nguyễn Thị Dung tại xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã thành công với mô hình nuôi trồng và chế biến tảo xoắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hải Yến - TTXVN
Song song với đó là hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, ưu tiên công tác phát triển, đăng ký, xác lập bảo hộ và thực thi quyền sử hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm thuộc Đề án.

Ông Phạm Đình Cư, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp cho biết, xã có 10 làng nghề trồng đào phai truyền thống. Đào phai là cây mũi nhọn phát triển kinh tế của xã. Khi tham gia vào Đề án "Mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020", hộ nông dân trong xã được hỗ trợ hoàn thiện thủ tục, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây đào từng bước đưa nâng cao hiệu quả kinh tế đối với cây đào phai.

Thời gian tới, ông Cư mong muốn các ngành chức năng tiếp tục triển khai đề án có hiệu quả nhằm giúp cây đào cũng như các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thương hiệu góp phần phát triển kinh tế nông thôn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục