Bình Định hoàn thành các mục tiêu khắc phục cảnh báo “thẻ vàng”

21:18' - 03/07/2020
BNEWS Đến nay, Bình Định đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Tất cả các mục tiêu, tiêu chí đều cơ bản hoàn thành.

Ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết, 6 tháng cuối năm 2020, ngành nông nghiệp Bình Định tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng ước đạt 2,5-3%.

Trong số đó, tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 696.856 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 210.000 tấn; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2020 ước đạt 266.870 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Trần Văn Phúc, 6 tháng đầu năm 2020 dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng ngành nông nghiệp tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 1,84 so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Trần Văn Phúc cho biết, mức tăng này của ngành nông nghiệp tỉnh thấp hơn so với kế hoạch, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, thì ngành nông nghiệp Bình Định đã có mức tăng trưởng khá trong khu vực miền Trung; góp phần ổn định kinh tế xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020.

Trong số đó, vụ Đông Xuân 2019 - 2020 của tỉnh giành thắng lợi khi năng suất, sản lượng đều tăng trưởng ngoạn mục; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 352.577 tấn; năng suất lúa đạt 70,4 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so vụ Đông Xuân năm trước.

Đây là vụ sản xuất có năng suất lúa đạt kỷ lục ở tỉnh này. Diện tích lúa vụ Hè Thu năm 2020 toàn tỉnh gieo sạ được 37.965 ha, đạt 101,9% so với kế hoạch.

Đối với cây trồng cạn, cây ngô gieo trồng được 3.131ha, tăng 19,2%; cây lạc 1.625 tăng 6,7%; cây vừng 2.693ha, tăng 25%; rau các loại 4.956 ha, tăng 49%...

“Hiện nay, thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích trồng lúa thiếu nước nghiêm trọng nên ngành nông nghiệp Bình Định đã chủ động chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất cây trồng cạn. Đây được xem là một chính sách lớn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ trương này đã giảm thiểu thiệt hại và tăng hiệu quả kinh tế”, ông Trần Văn Phúc chia sẻ.

Về lĩnh vực chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2020 ngành nông nghiệp Bình Định tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý, chăn nuôi an toàn sinh học và chính sách hỗ trợ tái đàn lợn; đề án bò thịt chất lượng cao trong nông hộ, mô hình thí điểm Đề án phát triển chăn nuôi gà thả đồi ở 4 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và huyện Hoài Ân.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn ưu đãi không lãi suất để tái đàn, phát triển chăn nuôi, khôi phục đàn lợn trên địa bàn tỉnh, với tổng nguồn vốn 150 tỷ đồng.

Theo đó, kết quả, đàn heo được phục hồi, tăng 1% so cùng kỳ; đàn bò tăng 2,3%; đàn gà tăng 5%.

Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ở Bình Định ước đạt 19.017 tấn, tăng 5,1% so cùng kỳ; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng ước đạt 53.323 tấn, bằng 93,2% so cùng kỳ; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 11.384 tấn, tăng  6%.

Ngành chăn nuôi Bình Định tiếp tục phát triển ổn định, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh dịch bệnh nghiêm trọng và lây lan diện rộng.

Trong lĩnh vực thủy sản, sản lượng khai thác biển trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 124.516 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ 2019.

Riêng sản lượng cá ngừ đại dương đạt 7.260 tấn, tương đương so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản cả tỉnh khoảng 3.459ha; trong đó, diện tích nuôi tôm là 1.960 ha.

Sản lượng nuôi trồng ước đạt 4.510,3 tấn, tăng 2,3%; sản lượng tôm ước đạt 3.276 tấn, tăng 2% so cùng kỳ.

6 tháng đầu năm 2020 là thời gian Bình Định tăng tốc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.

“Đến nay, Bình Định đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Tất cả các mục tiêu, tiêu chí đều cơ bản hoàn thành; công tác khai báo của ngư dân khi ra vào cảng đã dần đi vào nề nếp; tình trạng tàu cá Bình Định vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài đã giảm hẳn”, ông Trần Văn Phúc nói.

Đến nay, Bình Định có 2.260 tàu cá đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tất cả 3.140 tàu cá của Bình Định có chiều dài từ 15m trở lên đang hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển khơi đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

6 tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt hỗ trợ cho 1.918 lượt tàu đánh bắt hải sản xa bờ, với tổng số tiền hơn 164 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục