Bình Định không còn bình yên với hoạt động khai thác khoáng sản

08:45' - 03/10/2017
BNEWS Tình trạng lộn xộn trong quản lý khai thác khoáng sản đang diễn ra tại Bình Định. Có doanh nghiệp chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên rầm rộ khai thác khoáng sản thu lợi hàng chục tỉ đồng mỗi tháng.
Hiện trường một vụ khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Ngược lại, có doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, đánh giá tác động môi trường, nạo vét khai thông dòng chảy sông nhưng vẫn bị cản trở suốt 2 năm qua khiến cho doanh nghiệp “điêu đứng”.

* Ngang nhiên khai thác tài nguyên không phép

Trên tuyến đường quốc lộ 19 nối vào khu vực Cụm công nghiệp Phú An, xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn), mỗi ngày hàng vài chục xe tải hạng nặng rầm rộ nối đuôi nhau ra vào.

Xe vào mang theo đất sét, xe ra mang theo đất đã được phối trộn với sỏi tạo thành vật liệu sản xuất các loại gạch xây dựng.

Điều đáng nói ở chỗ, khu vực đang được rầm rộ đào bới bằng nhiều xe đào và hàng loạt xe tải này không hề được cấp phép là dự án khai thác khoáng sản, thế nhưng Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) vẫn đang ngang nhiên trục lợi từ tài nguyên quốc gia.

Điều đáng lo ngại đối với hoạt động này là sự phong tỏa cả chính quyền và các cơ quan chức năng khác, ngay cả báo chí.

Chúng tôi phải khó khăn lắm mới quay được những thước phim trong khung cảnh đơn vị này vẫn khai thác rầm rộ.

Nhiều xe đào bới cả một triền núi lớn, xe tải hạng nặng chạy liên tục ngày đêm không nghỉ để lấy sỏi, phối trộn với đất sét từ bên ngoài đưa vào.

Theo tính toán của những chuyên gia trong nghề, với thủ đoạn này Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc trục lợi khoảng 10 tỉ đồng mỗi tháng từ việc bán đất sét cho chủ các lò gạch lớn trên địa bàn huyện mà không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ gì với nhà nước.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Sơn cho biết: “Khu vực này UBND huyện Tây Sơn chỉ mới có chủ trương cho phép Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc khảo sát xây dựng trạng trại chăn nuôi bò chứ chưa được cấp phép xây dựng trang trại; cũng không hề có giấy phép về khai thác tài nguyên, khoáng sản. Khi chưa được cấp phép mà doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động là vi phạm pháp luật”.

Tuy nói khu vực này mới có chủ trương khảo sát lập dự án xây dựng trang trại chăn nuôi nhưng trên thực tế doanh nghiệp Hiếu Ngọc mua lại đất trồng rừng của dân từ năm 2008 và tổ chức khai thác khoáng sản.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định, Huỳnh Quang Vinh nói: “Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định chưa nhận được hồ sơ về dự án trang trại chăn nuôi của Doanh nghiệp Hiếu Ngọc”.

Mức độ “rầm rộ” của hoạt động trái phép này đã khiến cả một vùng quê không còn bình yên với những tuyến đường nông thôn bị băm nát bới nhưng chiếc xe tải nặng nề với khói bụi dày đặc ngày này qua tháng khác.

Và mức độ ngang nhiên của doanh nghiệp này khiến bất kỳ ai cũng phải “kiên dè”.

* “Điêu đứng” vì làm... đúng pháp luật

Ngược lại với doanh nghiệp Hiếu Ngọc, suốt 2 năm qua, bà Đinh Thị Kim Yến, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Yến Tùng (huyện Tuy Phước, Bình Định) đã phải "chầu trực" các cấp chính quyền giải quyết cho bà một việc bà làm hoàn toàn đúng.

Doanh nghiệp Yến Tùng đã nhận chuyển nhượng mỏ cát của Công ty TNHH Tân Thịnh trên sông Hà Thanh thuộc địa bàn xã Canh Vinh, huyện Vân Canh.

Thế nhưng suốt 2 năm qua, mỗi lần doanh nghiệp bà tổ chức khai thác cát trên bãi bồi ven sông là lại có vài người dân ra ngồi chễm chệ trên tuyến đường nội bộ, không cho xe tải lên xuống.

Những người dân này ngồi đây cả ngày lẫn đêm, bày cả tiệc nhậu. Sự lì lợm của họ đến mức các tổ chức chính quyền đều “bó tay”. Vì vậy, hai năm qua, Công ty Yến Tùng đã phải rất vất vả, chạy khắp nơi để mua cát làm vật liệu xây dựng.

Bà Yến cho hay: “Vì mỏ cát không thể hoạt động được mà hai năm quá doanh nghiệp của bà đã thất thoát hơn 200 tỉ đồng.

Cho đến giờ này, Công ty vẫn đang trong tình cảnh khó khăn đứng trước nguy cơ phá sản, cho dù chúng tôi thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật” – bà Yến chua xót nói.

Khi chúng tôi đến thực tế mỏ cát, một đoạn sông rộng gần 1km, dài đến vài km bị cát bồi ngập kín gần như hoàn toàn, không có một dòng chảy nào.

Thế nhưng khi máy móc của đơn vị này vừa khởi động, là người dân lại kéo tới ngồi chắn ngang con đường lên xuống mỏ cát. Hăng hái nhất trong nhóm này là ông Nguyễn Ngọc Đức, xóm trưởng Xóm 1, thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh.

Khi được hỏi vì sao ông lại ngồi đây, ông Đức tuyên bố chắc nịch: “Để không cho khai thác cát. Vì khai thác cát làm sạt lở bờ ông sông, sụt mực nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước, gia đình tôi không sử dụng được, bị thiệt hại về kinh tế.

Khai thác cát làm đục nước sông tui lấy nước vào thì làm chết heo, gà”.

Vào tận nhà ông Đức tìm hiểu thì chúng tôi nhận thấy giếng nước nhà ông đã bỏ hoang từ gần 10 năm nay không được gia đình ông sử dụng, trong khi ông phải chăn nuôi đàn lợn hàng chục con, đàn gà hàng trăm con và dùng nước tới hơn 10 sào lúa.

Vì giếng không còn sử dụng nên ông Đức đã đào một cái dưới lòng sông rồi bắt máy bơm điện bơm băng qua đường dẫn vào nhà.

Khi chúng tôi đến tận giếng nước dưới lòng sông của ông Đức thì có một điều lạ là vòi bơm của ông không được đặt trong giếng, mà lại được đặt ra bên ngoài. Khi ông đặt chân xuống khu vực này thì bùn, cát nổi lên làm đục nước.

Chúng tôi thắc mắc điều này thì ông Đức đã “xửng cồ” với chúng tôi.

Khi khảo sát các hộ dân quanh khu vực bờ sông, nhiều hộ dân bị sạt lở đất khá nặng, có hộ còn bị uy hiếp đến khu vực bếp và nhà ở.

Tình trạng sạt lở đã diễn ra từ hàng chục năm trước làm cho nhiều người dân cảm thấy bất an.

Tuy nhiên, việc sạt lở này đã diễn ra từ lâu và việc lấy cớ sạt lở để gây cản trở cho quá trình nạo vét dòng chảy, tận thu cát xây dựng lại là điều hoàn toàn sai.

* Chính quyền "bó tay"?

Làm việc với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Vân Canh, ông Lê Bá Thành khẳng định: “Doanh nghiệp Yến Tùng làm đúng pháp luật, thực hiện đầy đủ các thủ tục đánh giá tác động môi trường, nộp ngân sách nhà nước cũng như nhiều hoạt động khác như hỗ trợ người dân vùng dự án…”.

Thế nhưng vì sao doanh nghiệp này vẫn bị cản trở thì ông Thành vẫn không có câu trả lời đúng vào trọng tâm mặc dù cho biết đã nhiều lần huy động các lực lượng chức năng để giải quyết.

Ông Thành nói: “Chúng tôi cũng đã nhiều lần giải quyết, với mong muốn tạo thuận lợi cho tất cả các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh; thu hút đầu tư, đóng góp ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, nhưng trường hợp doanh nghiệp Yến Tùng vẫn chưa thực hiện được!”.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định Huỳnh Quang Vinh cho rằng, việc nạo vét lòng sông Hà Thanh khu vực này vào thời điểm này là đúng.

Dòng sông cần khai thông dòng chảy, và chúng tôi đã cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cách bờ sông 20m; chỉ dùng máy đào vét lòng sông 2,5m mà tuyệt đối không được dùng máy hút cát.

Cả một đoạn sông dài đến vài km bị tắc nghẽn do cát bồi lấp, nếu không được nạo vét thì đến mùa mưa lũ, nước lũ sẽ tàn phá mạnh hơn hai bên bờ là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, những người như ông Đức không hiểu điều này hay còn vì một lý do nào khác? Huyện ủy, UBND huyện Vân Canh đã nhiều lần đề nghị Công an huyện Vân Canh phối hợp ngăn chặn tình trạng cản trở doanh nghiệp hoạt động hợp pháp này.

Thế nhưng Công an huyện Vân Canh vẫn “án binh bất động” suốt thời gian qua.

Từ nhiều năm qua, nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng đã tăng đến mức nóng sốt trên địa bàn cả nước. Bình Định là một trong những địa phương có nhiều tài nguyên loại này; khai thác cát, sỏi trở thành hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận.

Những người dân như ông Đức cố tình có những hành động cản trở doanh nghiệp hoạt động hợp pháp; doanh nghiệp như Hiếu Ngọc thì ngang nhiên thu lợi trái phép mà chính quyền không thể xử lý.

Dường như, vẫn có những “thế lực” nào từ đằng sau những vụ việc này để “chống lưng”, hay tranh quyền lợi mà ngay cả những người đứng đầu chính quyền địa phương cũng không tiện nói rõ?!./.

Xem thêm:

>>>Quyết tìm ra đối tượng chủ mưu trong vụ phá rừng quy mô lớn tại Bình Định

>>>Kỷ luật một số cán bộ, nhân viên kiểm lâm liên quan đến phá rừng tại Bình Định

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục