Gia Lai quản lý chặt hoạt động khai thác cát

14:49' - 20/08/2017
BNEWS Với hàng loạt hệ thống sông, suối lớn như sông Ba, sông Sê San và các phụ lưu của sông Sêrêpok, Gia Lai là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản khá dồi dào.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn ra khá phức tạp.

Ngày 2/8, Phòng Cảnh sát Môi trường công an tỉnh Gia Lai bắt quả tang vụ khai thác cát lậu với khối lượng gần 1.000m3 tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện ông Ngô Quang Tuân (57 tuổi) trú tại xã Ia Nhin, huyện Chư Pah đang thuê nhân công tổ chức hút cát trái phép tại suối Ia Grăm, làng Ia Mơng để bán ra thị trường. Trong ảnh: Hiện trường vụ khai thác cát trái phép. Ảnh: Hoài Nam-TTXVN

Từ đầu năm 2017 tới nay, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện và bắt giữ 17 vụ khai thác cát trái phép, trong đó một số vụ quy mô lớn.

Điển hình, đầu tháng 8/2017, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Gia Lai bắt quả tang vụ khai thác cát trái phép tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ phương tiện, gần 1.000m3 cát để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, đây là lần thứ 2 lực lượng chức năng phát hiện ông Ngô Quang Tuân trú tại xã Ia Nhin, huyện Chư Păh thuê nhân công tổ chức hút cát trái phép tại địa điểm này để bán ra thị trường.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 21 tổ chức được cấp phép khai thác, thăm dò và tận thu khoáng sản tại 43 điểm thuộc 10 huyện, thị xã trong tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cá nhân dù chưa được cấp phép vẫn lén lút đưa phương tiện vào các điểm có khoáng sản để khai thác, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Chế tài xử phạt về hành vi này chưa đủ sức răn đe, vai trò quản lý của các địa phương còn lỏng lẻo đã tạo cơ hội cho một bộ phận người dân hám lợi bất chấp pháp luật lén lút khai thác trái phép, gây thất thoát nguồn khoáng sản và tác động xấu đến môi trường.

Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ có một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác, chủ yếu tập trung ở các vùng có trữ lượng cát nhiều như Chư Păh, Phú Thiện, Krông Pa…còn lại một số địa phương khác chưa được cấp phép.

Thực tế nhu cầu về cát, sỏi để xây dựng các công trình dân dụng cũng như những công trình của cơ quan nhà nước rất lớn, trong khi nguồn cung ứng ở các nơi được cấp phép vận chuyển về rất xa, vì vậy đây là nguyên nhân chính khiến nhiều đối tượng bất chấp luật pháp, khai thác cát trái phép.

Bên cạnh đó, Nghị định 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, quy định khối lượng khai thác cát trái phép từ 50 m3 trở lên mới được tịch thu phương tiện nên lực lượng chức năng xử lý rất khó khăn, mức xử phạt hành chính nhẹ nên các đối tượng vừa bị xử phạt lại tiếp tục vi phạm.

Các cơ quan chức năng cấp huyện cũng như chính quyền địa phương cấp xã gần như chỉ trông chờ vào lực lượng Công an nói chung và Cảnh sát môi trường nói riêng phát hiện, xử lý.

Trong khi lực lượng Cảnh sát môi trường quản lý rất nhiều lĩnh vực nên không thể giải quyết tất cả các vụ việc khai thác cát, sỏi trái phép, Đại tá Minh cho biết thêm.

Huyện Phú Thiện là một trong những địa phương sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản lớn của tỉnh.

Trong thời gian dài huyện không cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác, song nhiều hộ dân trên địa bàn đã lợi dụng để khai thác cát trái phép tràn lan, không theo quy hoạch, gây hệ lụy khó lường về môi trường, thất thoát lớn nguồn khoáng sản cũng như nguồn thu của nhà nước.

Để siết chặt tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã quyết định cấp phép cho 5 doanh nghiệp khai thác cát và đất sét nhằm đưa hoạt động khai thác khoáng sản vào quy hoạch.

Ông Nguyễn Minh Đăng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện cho biết: Phòng đã tham mưu UBND huyện tiếp tục rà soát lại toàn bộ quy hoạch và giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp, đảm bảo không để thất thoát nguồn khoáng sản, gây thiệt hại cho nhà nước.

Tỉnh Gia Lai cần có động thái quyết liệt hơn nữa trong quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, hoạt động khai thác cát, sỏi nói riêng để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục