Bình Dương đối thoại với doanh nghiệp FDI

19:48' - 30/07/2018
BNEWS Hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh Bình Dương với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra vào ngày 30/7.
Ngày 30/7/2018, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức “Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài” để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp FDI trong quá trình hoạt động sản xuất tại địa phương. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Tăng số giờ làm thêm của người lao động là một trong những vấn đề được đa số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kiến nghị tại Hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh Bình Dương với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra vào ngày 30/7.

Theo đại diện Công ty TNHH Rheem Việt Nam (trụ sở Khu công nghiệp Đồng An 2, tỉnh Bình Dương), việc quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ trong một năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ đang thật sự là một khó khăn đối với doanh nghiệp.

Hoạt động của doanh nghiệp hiện phải phụ thuộc rất lớn phụ thuộc vào mùa vụ kinh doanh, nhất là những đơn hàng phát sinh, đột suất nên việc tăng giờ là điều không thể tránh khỏi. Do đó, doanh nghiệp mong muốn UBND tỉnh Bình Dương có kiến nghị với các cơ quan chức năng về việc quy định tăng thêm giờ làm thêm cho người lao động.

Đề xuất này không chỉ là mong muốn của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn mong muốn của một bộ phận không nhỏ của người lao động nhằm nâng cao thêm thu nhập.

Ngày 30/7/2018, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức “Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài” để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp FDI trong quá trình hoạt động sản xuất tại địa phương. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam JSC (đóng tại Khu công nghiệp Vsip 1, tỉnh Bình Dương) cho rằng, việc quy định làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm của người lao động khó khả thi, đa số doanh nghiệp đều phải vượt quá số lượng giờ làm thêm này.

Bên cạnh đó, hiện việc tuyển dụng lao động vẫn còn gặp khó khăn, vì vậy việc các cơ quan chức năng nên xem xét tăng số giờ làm thêm của người lao động vượt mức 300 giờ mỗi năm để phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, việc quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 200 giờ trong một năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ đang là vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp.

Vấn đề đơn vị cũng đã nhận thấy và cũng sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng để có các giải pháp phù hợp.

Cũng tại buổi đối thoại, nhiều vấn đề liên quan đến các thủ tục hải quan, bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài hay các chính sách ưu đãi về đầu tư… đã được các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu ra cần được giải đáp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Bình Dương khẳng định, tỉnh Bình Dương sẽ luôn tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất, tốt nhất cho doanh nghiệp nước ngoài.

Việc UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe các doanh nghiệp đang đầu tư tại Bình Dương nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất tại địa phương.

Các ý kiến đóng góp của nhà đầu tư là cơ sở để địa phương cải thiện môi trường đầu tư. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ được tháo gỡ kịp thời và những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương, tỉnh sẽ tập hợp, gửi các kiến nghị đến các ban ngành nghiên cứu hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiện tỉnh Bình Dương đang đứng thứ 3 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với 3.397 dự án, tổng vốn đầu tư 30,9 tỷ đô la Mỹ). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Bình Dương đã thu hút 718 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, gồm 87 dự án mới và 38 dự án điều chỉnh vốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục