Bình Dương giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 92% kế hoạch Thủ tướng giao

16:59' - 30/10/2023
BNEWS Đến ngày 23/10/2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công là 11.189 tỷ đồng, đạt 91,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 23/10/2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn là 11.189 tỷ đồng, đạt 51,3% kế hoạch năm 2023 do Hội đồng nhân dân tỉnh giao và đạt 91,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kế hoạch vốn năm 2023, tỉnh dự kiến giải ngân 21.793 tỷ đồng cốn đầu tư công; trong đó, có cả vốn của Trung ương.

Năm 2023, tỉnh bố trí vốn cho 38 dự án trọng điểm với tổng số vốn trên 15.137 tỷ đồng. Cụ thể, vốn chuyển từ 2022 sang năm 2023 hơn 148 tỷ đồng và nguồn vốn mới năm 2023 là 14.988 tỷ đồng; trong đó, phần lớn vốn này dành cho các dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 3, Quốc lộ 13 và những dự án giao thông kết nối vùng…

 
Tại cuộc họp đánh giá về kinh tế - xã hội 10 tháng của năm 2023 vừa qua, các đơn vị đã báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được giao nhìn chung vẫn còn tồn tại khó khăn, vướng mắc, chủ yếu liên quan đến quy định chồng chéo của pháp luật, giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật… Do đó, giải ngân vốn đầu tư vẫn chưa “thỏa mãn” với kế hoạch đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đánh giá, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh thuộc top cao trong cả nước. Tuy nhiên, các đơn vị cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhất là những đơn vị chưa đạt chỉ tiêu và chưa thực hiện giải ngân năm 2023. Để giải ngân vốn đầu tư công đạt yêu cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị phải tuân thủ theo đúng bản cam kết đã ký từ đầu năm và tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/3/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo, tránh chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm. Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp thu và ghi nhận đầy đủ kiến nghị của sở, ngành, chủ đầu tư, kết hợp với điều kiện thực tiễn; rà soát lại và sớm tham mưu UBND tỉnh trong điều kiện có thể điều hòa vốn theo đúng quy trình, quy định và thẩm quyền thực hiện. Nhất là đối với các công trình trọng điểm như hoàn thiện việc nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, đường Vành đai 3; bệnh viện 1.500 giường…

Theo đó, các địa phương phải quyết liệt và khẩn trương giải quyết vướng mắc, nhất là giải tỏa đền bù. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, sở, ngành liên quan cần phải rà soát lại, đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, tránh ảnh hưởng đến mục tiêu về đích của các công trình nằm trong kế hoạch bố trí vốn năm 2023. Riêng đối với dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, các sở, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp, khắc phục khó khăn, vướng mắc để sớm đưa dự án đi vào vận hành theo đúng thời gian đề ra, không được chậm trễ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục